TIN TỨC - SỰ KIỆN
Tập đoàn Than khoáng sản rút khỏi dự án điện tỷ đôla
Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang làm thủ tục rút khỏi dự án Điện Mông Dương 2 để đầu tư cho các dự án nhiệt điện trọng điểm khác. Dự án Nhà máy điện Mông Dương 2 - Quảng Ninh có công suất 1.200 MW do Tập đoàn AES của Mỹ liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện. Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai bên đã được ký kết từ tháng 11/2006, bên lề Hội nghị APEC tại Hà Nội. Mông Dương 2 sẽ được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), trong đó AES dự kiến góp 90% vốn và TKV góp 10%. Một lãnh đạo của Vinacomin cho hay, Tập đoàn đang làm thủ tục để rút khỏi dự án Mông Dương 2. "Chúng tôi đang dốc sức để đầu tư một số dự án quan trọng như dự án Nhiệt điện Hải Phòng và dự án nhiệt điện ở Quỳnh Lập (Nghệ An)", vị quan chức nói. Sau khi Vinacomin xin rút khỏi dự án, Tập đoàn AES sẽ bán 49% cổ phần trong dự án Nhà máy điện Mông Dương 2 cho Tập đoàn Posco Power và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc…Trước đó dự án có vốn ban đầu là 1,4 tỷ nhưng đến nay, tổng vốn đầu tư của Dự án Nhà máy điện Mông Dương lên tới 1,9 tỷ USD. Dự kiến nhà máy bắt đầu khởi công xây dựng vào giữa năm 2011. Khoảng 1,4 tỷ USD sẽ là vốn vay được huy động từ các ngân hàng quốc tế có sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng xuất khẩu Hàn Quốc. (VnExpress 1/3)

Phần 1: Tin công nghiệp
ĐIỆN LỰC
Hơn 30 doanh nghiệp đồng ý mua điện giá cao của Hiệp Phước
1/3, ông Phạm Hồng Tiến - Trưởng Bộ phận vận hành của Nhà máy điện Hiệp Phước cho biết: Đến nay đã có hơn 30 doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Hiệp Phước đồng ý mua điện từ điện lực Hiệp Phước với giá cao, dao động khoảng 15-17 cent/kWh để bù chi phí giá dầu tăng cao. Đây là mức giá điện cao gấp 3 lần so với giá bán điện hiện tại các doanh nghiệp mua từ điện Hiệp Phước. Theo ông Tiến, hiện đã có khoảng 32 doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Hiệp Phước đồng ý ký vào bản thỏa thuận trả thêm phụ thu phí nhiên liệu do điện Hiệp Phước đề nghị. “Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác đang nghe ngóng, qua thăm dò, có khả năng sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp sẽ đồng ý trả thêm phụ phí nhiên liệu”, ông Tiến nói. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng ngay cả khi 50% doanh nghiệp đồng ý trả phụ phí thì vẫn còn phụ thuộc vào loại hình sản xuất của doanh nghiệp, nếu 50% tập trung là những khách hàng lớn như xi măng, sắt thép … sử dụng nhiên liệu nhiều thì được, còn nếu chỉ có khách hàng sản xuất nhỏ thì không đủ công suất để các tổ máy tiếp tục phát điện được theo điều kiện kỹ thuật vận hành tối thiểu 50% tải một tổ máy. Do vậy, trong trường hợp đến hết tháng 3 này nếu không có đủ doanh nghiệp đồng ý trả thêm phí nhiên liệu và không nhận được hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng thì điện Hiệp Phước đành ngưng phát điện từ ngày 1/4, vì hiện giá dầu đang biến động tăng từng ngày, ông Tiến cho hay. (Saigontime 1/3)

Khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Sáng 1/3, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (chủ đầu tư) và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng thầu) tổ chức Lễ khởi công EPC Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án nguồn điện cấp bách thuộc Tổng sơ đồ điện VI đã được Chính phủ phê duyệt và dự kiến hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014, tổ máy số 2 vào đầu năm 2015. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm Nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện Quốc gia hơn 6,7 tỷ kWh điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giúp phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình, khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước. (Theo VOVNews 1/3)

Tiết kiệm điện triệt để
Trước tình trạng giá điện tăng thêm 15,28% so với mức giá cũ kể từ ngày 1/3, không ít cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và người dân đang có những thay đổi để thắt lưng, buộc bụng, tiết kiệm chi phí về điện ở mức thấp nhất... “Không tiết kiệm thì chỉ có nước sập tiệm, chúng tôi phải tính toán từng ly, từng tí”, ông Nguyễn Tuấn Khải - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa quốc tế IDP phân trần. Từ cuối năm 2010, IDP triển khai DA đầu tư thay thế trang - thiết bị giảm tiêu hao điện năng để thay thế các trang - thiết bị cũ, sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời để giảm chi phí… Còn tiến sĩ Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: “Toàn ngành đã có chủ trương về tiết kiệm điện, như các Nhà máy ximăng có công suất từ 1.000 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt lò thu hồi nhiệt thải trong quá trình sản xuất để phát điện. Mỗi lò thu hồi nhiệt kiểu này sẽ tiết kiệm 20% chi phí điện năng mỗi năm. Hiện mới có 2 Nhà máy áp dụng công nghệ này là: Ximăng Hà Tiên 2 (Kiên Giang) và Ximăng Công Thanh (Thanh Hoá). Lý do để các DN chưa triển khai là do suất đầu tư cao. Để sản xuất 1MW điện phải đầu tư lên tới 1,5-2 triệu USD. Tương tự, tại Công ty sản xuất bánh kẹo Bibica, theo ông Phạm Văn Thiện – Phó tổng Giám đốc: “Tăng giá điện, đồng nghĩa chi phí đầu vào cho sản xuất tại Bibica tăng 10%. Vấn đề đặt ra ở đây là làm gì để bù đắp 10% tăng chi phí này, để không phải tăng giá thành bán ra? Bibica buộc phải cắt giảm chi phí, tăng năng suất lao động, sản xuất phải đạt công suất cao nhất tại mỗi dây chuyền... Tất cả những thực hiện này, may ra mới bù được khoản tăng chi phí 10% đầu vào”…(Lao Động 2/3)

DẦU KHÍ
Sản lượng dầu thô tháng 2 giảm 11,5% so với cùng kì
Sản lượng dầu thô của Việt Nam trong tháng 2 giảm 11,5% so với cùng kì năm trước xuống mức ước tính là 1,15 triệu tấn, tương đương 301.000 thùng/ngày. Số liệu thực về sản lượng dầu thô trong tháng 1 là 1,27 triệu tấn, tăng 4,1% từ 1,22 triệu tấn cùng kì năm 2010, theo báo cáo hàng tháng của Tổng cục Thống kê. Trong hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 981 triệu USD, tăng 23,3% so với cùng kì năm trước. (Dvt 1/3)

Sẽ giảm bao cấp theo thị trường đối với giá xăng
Bộ Tài Chính cho biết, theo kế hoạch, sẽ giảm bao cấp theo thị trường đối với giá xăng trong năm 2011. Còn giá điện đến hết năm 2012 mới thực hiện theo cơ chế thị trường. Cũng theo Bộ Tài Chính, nếu tính đủ chi phí, tính đủ thuế theo quy định thì giá xăng, dầu phải điều chỉnh tăng thêm từ 34-45%, tuỳ từng mặt hàng (xăng phải điều chỉnh tăng thêm 6.500 đồng/lít). Việc điều chỉnh giá xăng, dầu tăng vừa qua chỉ từ 16-24%, bằng khoảng 45 - 57% mức phải điều chỉnh. Với mức giá sau khi điều chỉnh như trên, giá xăng, dầu trong nước vẫn còn thấp hơn giá xăng, dầu của một số nước trong khu vực (ví dụ xăng thấp hơn Lào khoảng 5.000 đồng/lít; Campuchia 4.000 đồng/lít, Trung Quốc 3.200 đồng/lít)…(Dvt 2/3)

KHAI KHOÁNG
TT -Huế: Tổ chức đấu thầu thí điểm khai thác cát sỏi lòng sông
28/2, tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công văn cho phép thí điển tổ chức đấu thầu khai thác cát sỏi lòng sông. Địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm là huyện miền núi Nam Đông. Đây là 1 trong những phương án nhằm hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng khai thác cát sỏi tràn lan, thiếu quản lý trên các dòng sông, đặc biệt là sông Hương. (Lao Động 1/3)

CƠ KHÍ - HÓA CHẤT
Khó khăn trong phát triển ngành nhựa
Những năm gần đây, ngành nhựa Việt Nam phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20 - 25%/năm. Tuy vậy, ngành nhựa vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển chung của toàn ngành. Nguyên liệu nhựa sản xuất trong nước còn rất hạn chế về chủng loại và sản lượng. Mỗi năm, ngành nhựa cần trung bình khoảng 2,2 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS... chưa kể hàng trăm loại hóa chất phụ trợ khác nhau, trong khi sản xuất trong nước mới chỉ cung cấp được khoảng 450.000 tấn nguyên liệu. Do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, nên giá thành sản xuất của ngành nhựa cũng bị biến động theo giá nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là hai loại nguyên liệu được sử dụng nhiều trong sản xuất là PP và PE, với mức tăng trung bình là 13%. Tỷ giá USD/VND biến động mạnh, đã khiến cho doanh nghiệp nhựa chịu tác động kép từ giá cả nguyên liệu đầu vào, làm cho lợi nhuận giảm sút, hoặc không có lợi nhuận. Mặt khác, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm nhựa sản xuất của Việt Nam còn đơn điệu, chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng của các nhà nhập khẩu, của các ngành kinh tế sử dụng sản phẩm nhựa kỹ thuật. Cho dù có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng ngành nhựa Việt Nam chủ yếu được biết đến như là một ngành gia công chất dẻo, giá trị gia tăng thấp. Giá trị xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam thời gian qua đạt mức cao và tăng trưởng nhanh nhưng mới chiếm 0,02% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nhựa toàn cầu. Các doanh nghiệp nhựa trong nước quy mô vốn nhỏ nên đang chịu áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI có thế mạnh về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ. Thêm vào đó, ngành công nghiệp tái chế phế liệu nhựa của Việt Nam chưa phát triển, chưa có hệ thống thu gom phế liệu nhựa, nên chưa cung cấp được nguyên liệu nhựa tái chế đạt chất lượng, giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm. Trong khi việc nhập phế liệu theo quy định hiện hành rất hạn chế. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân ngành nhựa thường tập trung sản xuất những mặt hàng ăn khách, dẫn đến tình trạng chồng chéo, cạnh tranh lẫn nhau, gây lãng phí về vốn và ít hiệu quả kinh tế. Một khó khăn nữa là cho đến nay chưa có một trung tâm hay trường đào tạo nhân lực bài bản cho ngành nhựa. Vì vậy, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề… (Cafef 2/3)

Năm tới sẽ dư thừa phân đạm
Cuối năm 2011, nhiều dự án sản xuất phân đạm lớn bao gồm nhà máy đạm Cà Mau, đạm Ninh Bình đi vào hoạt động, sẽ cung ứng thêm cho thị trường trên 1 triệu tấn phân đạm, nâng sản lượng phân đạm sản xuất trong nước lên 2,2 triệu tấn, trong khi nhu cầu của ngành nông nghiệp mỗi năm 2 triệu tấn phân đạm. Theo ông Cao Hoài Dương -Tổng giám đốc Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFC), doanh nghiệp này cùng Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam trong tháng 3 sẽ ký kết hợp đồng trợ giúp vận hành và phân phối cho toàn bộ sản lượng của nhà máy đạm Cà Mau, ước tính sản lượng tối đa khoảng 800.000 tấn/năm. Dự án nhà máy đạm Cà Mau ở huyện U Minh, Cà Mau đã hoàn thành hơn 70% tiến độ thi công và sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Sản phẩm của nhà máy chủ yếu là phân đạm (hạt đục), khác với phân đạm hạt trong của nhà máy Phú Mỹ, do PVFC điều hành. Bên cạnh đó, dự án đạm Ninh Bình của Tập hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay, cùng với các nhà máy đang vận hành là đạm Phú Mỹ và đạm Hà Bắc sẽ cung ứng cho thị trường gần 2,2 triệu tấn, so với nhu cầu hiện nay chỉ vào khoảng 2 triệu tấn. Trong năm 2010 PVFC đã được Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu thí điểm phân đạm sang thăm dò một số thị trường và dự kiến tiếp tục xuất trong năm 2011 như Nhật Bản, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Phillipines. Ngoài ra, theo ông Dương, giá khí thiên nhiên, nguyên liệu chính để sản xuất phân đạm trên thị trường thế giới tăng mạnh, kết hợp với tỷ giá tăng nên dù được Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam ưu đãi nguồn cung khí nhưng giá khí thiên nhiên dự kiến cũng sẽ tăng từ mức hiện tại 3,55 đến 4,59 đô la Mỹ/triệu BTU. “Giá khí nguyên liệu tăng cao nhưng chúng tôi vẫn chưa tính đến chuyện tăng giá bán”, ông Dương nói. Theo PVFC, tổng nhu cầu phân đạm của cả nước cho vụ đông xuân trong quý 1/2011 vào khoảng 440.000 tấn trong đó riêng nhu cầu của các tỉnh miền Bắc là 230.000 tấn. Trong quý này, PVFC sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 290.000 tấn phân bón các loại (trong đó có 216.000 tấn đạm Phú Mỹ và 80.000 tấn phân bón nhập khẩu các loại), đáp ứng khoảng 67% nhu cầu cả nước. (Theo Saigontimes 1/3)

Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ cho ra sản phẩm vào cuối năm nay
28/2, tại cụm công nghiệp Khí Điện Đạm Cà Mau (huyện U Minh, Cà Mau), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ và sản phẩm Đạm Cà Mau. Nhà máy Đạm Cà Mau là một trong 3 hợp phần thuộc cụm Dự án Khí Điện Đạm Cà Mau – là dự án trọng điểm quốc gia do PVN làm chủ đầu tư. Nhà máy được khởi công xây dựng từ tháng 7/2008 trên diện tích 52ha, với tổng vốn đầu tư trên 900 triệu USD, công suất thiết kế 800.000 tấn urê/năm. Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Trưởng Ban Quản lý dự án Khí Điện Đạm Cà Mau cho biết, nhà máy được thiết kế với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. Trong đó, các thiết bị chính đều được cung cấp bởi các tập đoàn lớn như: Haldor Topsoe (Đan Mạch) cung cấp xưởng Amôniắc, Saipem (Italia) cung cấp xưởng Urê và Toyo (Nhật Bản) cung cấp xưởng tạo hạt. Đến thời điểm này các đơn vị thi công đã hoàn thành 80% khối lượng công việc lắp đặt các thiết bị và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến, đến tháng 11/2011 nhà máy sẽ vận hành và cho ra dòng sản phẩm urê đầu tiên. Nhà máy Đạm Cà Mau là đơn vị đầu tiên trên cả nước sản xuất urê hạt đục với kích cỡ lớn từ 2-6 mm với các đặc tính như: hàm lượng Nitơ tối thiểu 46,1%, hàn lượng Biuret (chất làm bạc màu, chai đất) không quá 0,95%, hạt khô và có độ cứng cao nên không bị kết tảng, vỡ vụn, tăng thời gian hoà tan trong nước (hạn chế hiện tượng bị rửa trôi hay bốc hơi trong quá trình sử dụng). (Sài Gòn Giải Phóng 1/3)

VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Thị trường xi măng vẫn bình ổn
Sau 1 tháng, từ ngày doanh nghiệp sản xuất xi măng số 1 Việt Nam VICEM tăng giá (60 ngàn đồng/tấn từ 1/2), sau đó hàng loạt các nhà sản xuất đều tăng giá từ 40 - 80 ngàn đồng/tấn. Đến nay, thị trường Xi Măng hoạt động ổn định, lo ngại về biến động đã không xảy ra. Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đang đứng trước bài toán giá thành sản xuất và cuộc cạnh tranh quyết liệt trên thị trường để tồn tại. “Năm nay là một năm hết sức khó khăn đối với ngành công nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam”, ông Lê Văn Chung - Chủ tịch Hội đồng tư vấn VICEM nhận định. Theo dự báo, năm 2011 sẽ có khoảng 7 dự án xi măng đưa vào hoạt động, tuy nhiên, lượng dư thừa sẽ tăng khoảng từ 5 - 10 triệu tấn, tùy thuộc nhiều yếu tố. Trong khi từ năm 2008, giá than đã tăng lên hơn gấp đôi. Giá điện, xăng dầu và nhân công cũng đều tăng, nhưng giá bán xi măng trên thị trường tăng không đáng kể. Trong 3 năm, giá xi măng chỉ tăng khoảng 13 - 15%, tuỳ từng khu vực và nhà máy. Đây được xem là một cố gắng lớn của các doanh nghiệp sản xuất xi măng…(Xây Dựng 1/3)

Ô TÔ – XE MÁY
Honda Việt Nam điều chỉnh giá xe ô tô
Honda Việt Nam vừa chính thức công bố việc điều chỉnh giá xe theo tỷ giá mới với giá xe tăng cao nhất là 51 triệu đồng/chiếc và thấp nhất là 20 triệu đồng/chiếc. Honda Civic 2012 (thế hệ thứ 9) đã ra mắt tại Mỹ. Hiện chưa có thông tin nào cho biết mẫu xe này có thể có mặt tại Việt Nam trong năm nay. Bảng giá mới này chính thức có hiệu lực từ ngày 7/3. So với các hãng xe ô tô khác, thì Honda Việt Nam là đơn vị công bố điều chỉnh giá theo tỷ giá mới chậm nhất sau Toyota, Hyundai Thành Công, Ford Việt Nam, Vidamco... (Saigontimes 1/3)

CÔNG NGHIỆP TIÊU DÙNG VÀ CHẾ BIẾN
Vinamilk ký kết hợp tác với các tập đoàn thực phẩm quốc tế
1/3, tại Thuỵ Sĩ, Vinamilk đã ký kết hợp tác quốc tế với tập đoàn DSM, công ty Lonza, Thuỵ Sĩ và tập đoàn Chr. Hansen, Đan Mạch, về nghiên cứu và ứng dụng khoa học dinh dưỡng để phát triển sản phẩm dinh duỡng đặc thù cho trẻ em Việt Nam. Hợp tác quốc tế giữa các bên bao gồm các nội dung: Trao đổi thông tin, nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm mới, đánh giá lâm sàng hiệu quả sản phẩm và hỗ trợ xây dựng phòng lab kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, đào tạo đội ngũ chuyên viên nghiên cứu R&D sản phẩm, sử dụng bản quyền thương hiệu. Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc điều hành sản xuất và phát triển sản phẩm công ty Vinamilk, nói: “Chiến lược dinh dưỡng của Vinamilk trong ba năm tới là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu về thực trạng dinh dưỡng của người Việt, đặc biệt là trẻ em. Hợp tác mang tính chiều sâu với các đối tác dinh dưỡng hàng đầu thế giới giúp chúng tôi ứng dụng những thành tựu mới nhất, nhằm mang lại những giải pháp dinh dưỡng hiệu quả đáp ứng nhu cầu đặc thù của người Việt và đặc biệt là trẻ em.”(Sài Gòn Tiếp Thị 3/2)

Vicofa kiến nghị thu phí xuất khẩu cà phê
Để có nguồn vốn giúp ngành cà phê phát triển bền vững, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) kiến nghị Chính phủ thu phí xuất khẩu cà phê với số tiền 10 đô la Mỹ/tấn, nếu giá cà phê trên thị trường thế giới cao hơn 1.800 đô la Mỹ/tấn. Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vicofa đưa ra kiến nghị trên tại buổi họp Quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do Viện quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, NN&PTNT tổ chức ngày 28/2. Theo ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm quy hoạch nông nghiệp thuộc Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, để nâng năng suất cà phê trung bình hiện nay là gần 2,1 tấn/héc ta lên 2,4 tấn/hécta, phải đầu tư ít nhất 14.137 tỉ đồng, trong đó gần 50% là nguồn vay để cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, điện và tái canh gần 180.000 héc ta diện tích cà phê già cỗi. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, theo ông Tự chính phủ nên tính đến phương án thu phí xuất khẩu, khoảng 10 đô la Mỹ/tấn nếu giá cà phê trên thị trường thế giới ở mức 1.800-1.900 đô la Mỹ/tấn. “Nếu làm được như vậy, mỗi năm ngành cà phê có khoảng 10 triệu đô la Mỹ để tái đầu tư phát triển mà không lo thiếu nguồn vốn”, ông Tự nói. Trong lúc đó, ông Hoàng Đình Thiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe), cho rằng ngoài việc tìm nguồn vốn ổn định để phát triển thì ngành cà phê Việt Nam cần chú ý đến việc nâng cao sản lượng cà phê hòa tan 3 trong 1, cà phê rang xay từ 20.000 tấn/năm lên 100.000 tấn/năm trong thời gian tới. Đồng ý kiến với ông Thiêm, nhưng ông Tự cũng khuyến cáo các doanh nghiệp có ý định đầu tư dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan nên tập trung nghiêm cứu thị hiếu của người tiêu dùng tại các nước ASEAN và Trung Quốc. “Hiện những quốc gia tiêu thụ cà phê hòa tan nhiều như EU, Nhật Bản đều có chính sách bảo hộ ngành chế biến cà phê của họ. Cụ thể, Nhật Bản đánh thuế nhập khẩu cà phê hòa tan là 15%, các nước EU thì đánh thuế cà phê qua chế biến là 2 euro/1kg. Vì vậy, cà phê chế biến của Việt Nam khó xâm nhập vào các thị trường nói trên mặc dù đây là thị trường tiêu thụ cà phê hòa tan lớn”, ông Tự nói. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 1/3)

Doanh nghiệp thủy sản chới với vì giá
Hệ lụy của việc tăng giá xăng dầu và tăng giá điện khiến cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ùn ùn tăng, đe dọa “nuốt chửng” lợi nhuận. Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu tỉnh (Baseafood) tính toán, với quyết định điều chỉnh nâng tỉ giá liên ngân hàng từ mức 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng kể từ ngày 11/2/2011, đơn vị ông sẽ có thêm một khoản lợi khoảng 2%. Tuy nhiên, chưa được 20 ngày “tận hưởng” lợi thế này và cũng chưa kịp bù lại những thiệt hại trước đó mà doanh nghiệp đã phải chịu trong một thời gian dài do quy định khống chế tỉ giá, thì việc tăng giá xăng dầu kể từ ngày 23/2, và tăng giá điện kể từ 1/3/2011 làm giảm lợi nhuận của đơn vị. Ông Dũng cho biết, trong chế biến thủy sản, 70% chi phí cho nguyên liệu, 30% là các hoạt động khác và chính 30% này đang chịu tác động tăng giá. Với mức tăng giá xăng dầu và giá điện đã được công bố, đầu vào của 30% chi phí của đơn vị sẽ trực tiếp gánh thêm 24% giá xăng dầu, 15,3% giá điện, và chắc chắn cũng sẽ gánh thêm phí vận tải với mức tăng cũng khoảng 15%. Chưa hết, lãi suất ngân hàng cũng đã tăng 25%; Lương tối thiểu cũng tăng 15% kéo theo tăng khoản đóng bảo hiểm cho người lao động. Tựu trung mức tăng chi phí của doanh nghiệp khoảng 5%... Ông Lê Văn Kháng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản xuất nhập khẩu thủy sản Côn Đảo (Coimex) cũng đưa ra một loạt con số, trong đó, chỉ riêng chi phí vận tải tăng bình quân từ 15 cent/kg thành phẩm lên trên 20 cent. Các khoản tăng khác cũng giống như Baseafood. Chưa hết, hiện nay, tình hình khan hiếm nguyên liệu đã đẩy giá tăng thêm 15% so với giá cũ. Cụ thể, giá cá mối từ 13.000 đồng/kg trước Tết nay lên tới 15.000 đồng; Giá cá chỉ vàng tăng từ 16.000 đ/kg - 17.000 đ/kg lên 20.000 đồng. Năm 2010, Coimex xuất 20.000 tấn thành phẩm, đạt tổng doanh số 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận 20 tỉ, tương đương 4%. Năm nay, với mức tăng các chi phí đầu vào như đã nêu, khoản lợi nhuận gộp 4% như năm 2010 chắc chắn chỉ còn là “giấc mơ”…Ông Dũng cho biết thêm, doanh nghiệp cũng đang rất lúng túng không biết phải ứng phó thế nào khi tình trạng thiếu điện trong mùa khô bắt đầu tái diễn, phải chạy máy nổ thay thế, mà chi phí chạy máy nổ thường gây thiệt hại về tiền cho doanh nghiệp khoảng 6 tỉ mỗi năm, chưa kể những thiệt hại vô hình khác… (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 2/3)

Kiên Giang: DN thủy sản hoạt động cầm hơi
Ông Nguyễn Xuân Lộc - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện nay các nhà máy chế biến thủy sản tại tỉnh này chỉ hoạt động khoảng 70%-80% công suất. Gần đây, do tình hình thời tiết diễn biến thất thường, nguồn nguyên liệu thủy hải sản đánh bắt ngày càng cạn kiệt, khan hiếm dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán gay gắt giữa các doanh nghiệp nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến không ổn định. Do vậy, một số doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu để duy trì sản xuất, từ đó làm tăng chi phí trung gian, giá thành cao, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất cùng sản phẩm. (Pháp Luật TP.HCM 2/3)

ĐIỆN TỬ
TP.HCM: Hàng điện máy loạn giá
Theo lời đại diện các siêu thị điện máy tại TP.HCM, sau khi tỷ giá được điều chỉnh, các mặt hàng điện máy được nhập về sẽ tăng giá khoảng 10%. Hiện tại các siêu thị vẫn chưa áp dụng giá mới do lượng hàng nhập về trước đó vẫn còn trong kho. Nói là vậy, nhưng thực chất giá các mặt hàng vẫn lặng lẽ được điều chỉnh. Mỗi nơi điều chỉnh một mức giá khác nhau. Nơi giá cao, nơi giá thấp, khách mua sắm như bị lạc vào "mê hồn trận" của giá cả. Chiếc máy giặt Sanyo U700VT(S) bán tại Thiên Hòa có giá 5,29 triệu đồng, trong khi đó tại Nguyễn Kim giá 5,33 triệu. Tương tự, giá bán điện thoại di động C3 tại Thiên Hòa là 2,7 triệu đồng, tại Nguyễn Kim là 2,6 triệu và tại H'Nam mobile là 2,67 triệu đồng. Chiếc tivi Led Samsung UA32C5000 bán tại siêu thị điện máy Thiên Hòa có giá 13,49 triệu đồng, trong khi Nguyễn Kim bán với giá 12,5 triệu đồng. (Tiền Phong 2/3)

CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG
Hưng Yên: Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt trên 1.937 tỷ đồng
2 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 1.937 tỷ đồng, tăng 13,17% so với cùng kỳ năm trước và đạt 15,02% kế hoạch. Trong đó, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt hơn 1.698,53 tỷ đồng, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm trước và đạt 15,19% kế hoạch; khối tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 238,53 tỷ đồng, tăng 11,11% so với cùng kỳ và đạt 13,87% kế hoạch năm. Các nhóm ngành hàng tăng mạnh chủ yếu là: Dệt may, cơ khí và sản xuất, chế biến nông sản. Đặc biệt, khu vực các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp tập trung sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán và xuất khẩu tăng mạnh. (Theo Baohungyen.vn 28/2)

Hà Nội” Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.761 triệu USD
Theo Sở Công Thương, tháng 2/2011, kim ngạch nhập khẩu đạt 1.761 triệu USD, bằng 97,7% so với tháng 1/2011 và tăng 34,6% so với cùng kỳ; trong đó nhập khẩu địa phương bằng 97,3% so với tháng 1. Như vậy, 2 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu đạt 3,563,7 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ; trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 24,4%. Kim ngạch nhập khẩu chủ yếu thuộc kinh tế nhà nước trung ương (chiếm hơn 62% kim ngạch nhập khẩu). (Lao Động 2/3)

Vinamilk ký kết hợp tác với các tập đoàn thực phẩm quốc tế
1/3, tại Thuỵ Sĩ, Vinamilk đã ký kết hợp tác quốc tế với tập đoàn DSM, công ty Lonza, Thuỵ Sĩ và tập đoàn Chr. Hansen, Đan Mạch, về nghiên cứu và ứng dụng khoa học dinh dưỡng để phát triển sản phẩm dinh duỡng đặc thù cho trẻ em Việt Nam. Hợp tác quốc tế giữa các bên bao gồm các nội dung: Trao đổi thông tin, nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm mới, đánh giá lâm sàng hiệu quả sản phẩm và hỗ trợ xây dựng phòng lab kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, đào tạo đội ngũ chuyên viên nghiên cứu R&D sản phẩm, sử dụng bản quyền thương hiệu. Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc điều hành sản xuất và phát triển sản phẩm công ty Vinamilk, nói: “Chiến lược dinh dưỡng của Vinamilk trong ba năm tới là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu về thực trạng dinh dưỡng của người Việt, đặc biệt là trẻ em. Hợp tác mang tính chiều sâu với các đối tác dinh dưỡng hàng đầu thế giới giúp chúng tôi ứng dụng những thành tựu mới nhất, nhằm mang lại những giải pháp dinh dưỡng hiệu quả đáp ứng nhu cầu đặc thù của người Việt và đặc biệt là trẻ em.”(Sài Gòn Tiếp Thị 3/2)

Phần 2: Tin Thương mại
CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI
Xem xét miền giảm, giãn thời gian nộp thuế cho một số nguyên liệu đầu vào
Bộ Tài chính vừa soạn thảo đề cương nhằm thực hiện Nghị định 11/2011 của Chính phủ vừa ban hành ngày 24/2. Theo đó, Bộ sẽ xem xét, miễn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế cho một số nguyên liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất, xuất khẩu đối với những ngành hàng trong nước còn thiếu nguyên liệu như: Dệt may, da giày, thủy sản, hạt điều… Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tạm hoàn thế đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong năm 2011. (Lao Động 2/3)

XUẤT NHẬP KHẨU
100.000 tấn ngô nhập khẩu bị ách tại cảng
Do sự tắc trách của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đang gặp thiệt hại lớn. Do phát hiện có mối mọt trong ngô và khô đậu tương trong một số tàu nhập khẩu từ Ấn Độ về, đầu tháng 1/2011, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có công văn yêu cầu tái xuất các lô hàng mà không cho xử lý hun trùng như đề nghị của Hiệp hội. Điều này đã khiến hơn 100.000 tấn thức ăn chăn nuôi đã không được thông quan, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Theo công văn kiến nghị mới nhất, mà các doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu tháng 2, một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Quang Minh, Công ty Greedfeed Việt Nam… đã nhập khẩu một số lượng lớn ngô hạt và khô đậu tương từ Ấn Độ về Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trước đây, chính Cục Bảo vệ thực vật đã đồng ý cho phép các doanh nghiệp khắc phục tình trạng bị mọt bằng cách xử lý hun trùng, nhưng không hiểu sao lần này Cục lại kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị tái xuất. Ông Trần Thanh Quang - Uỷ viên Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất 100.000 tấn thức ăn chăn nuôi của 19 doanh nghiệp nhập khẩu đang bị ách tại cảng, không được cho bốc dỡ lên bờ để thông quan, chưa kể một số tàu đang trở về. Ông Quang cho biết: “Kiến nghị của Cục Bảo vệ thực vật thực chất là thủ tục hành chính quá máy móc, việc này không chỉ gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp, mà còn sẽ tác động mạnh lên mặt thị trường thức ăn chăn nuôi, bằng chứng là do không có nguyên liệu mà trong gần 1 tháng trở lại đây, giá ngô trong nước đã tăng từ 6.500 lên 7.500 đồng/kg. Nếu buộc phải tái xuất, tình hình còn nghiêm trọng hơn, vì đến tháng 3 sẽ không còn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, sẽ khiến thị trường thức ăn chăn nuôi bị khan hiếm nặng, điều này chắc chắn sẽ còn đẩy giá thực phẩm lên cao hơn nữa”. Hiện, theo ước tính của các doanh nghiệp, nếu buộc phải tái xuất, bình quân mỗi tàu đang chịu lỗ tới 100 tỷ đồng. (Nông Thôn Ngày Nay 1/3)

2010, xuất khẩu hàng hoá sang Thái Lan giảm nhẹ về kim ngạch
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Thái Lan tháng 12/2010 đạt 109 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng tháng năm 2009. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Thái Lan năm 2010 đạt 1,2 tỉ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2009, chiếm 1,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước năm 2010. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu mặt hàng về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Thái Lan năm 2010; đứng thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ...(Vinanet 28/2)

2010, kim ngạch xuất khẩu hoá chất tăng 148,4%
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hoá chất của Việt Nam tháng 12/2010 đạt 16,8 triệu USD, tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2009. Cũng theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hoá chất của Việt Nam năm 2010 đạt 222,9 triệu USD, tăng 148,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 0,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước năm 2010. Phần lớn thị trường xuất khẩu hoá chất của Việt Nam năm 2010 đều có tốc độ tăng trưởng mạnh về kim ngạch, chỉ duy nhất 2 thị trường có độ suy giảm: Thái Lan giảm 49,9% so với cùng kỳ; Campuchia giảm 8,8% so với cùng kỳ. Ngược lại, một số thị trường xuất khẩu hoá chất của Việt Nam năm 2010 có tốc độ tăng trưởng mạnh: Hà Lan tăng 426,3%; Anh tăng 326,9%; Trung Quốc tăng 246,4%...(Vinanet 1/3)

Mỹ là thị trường nhập cà phê lớn nhất của Việt Nam
Ngày 1/3, Bộ Công Thương cho biết, năm 2010 Mỹ là thị trường số một về nhập khẩu cà phê của Việt Nam, đạt kim ngạch 248,7 triệu USD, tăng 26,4% so năm trước. Bước sang năm 2011, xuất khẩu cà phê có được những điều kiện thuận về thị trường tiêu thụ, trong đó thị trường Mỹ và Nhật Bản đã vượt qua thời kỳ khó khăn và có dấu hiệu phục hồi. Giá cà phê thế giới cũng như trong nước trong năm 2011 gặp thuận lợi trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản thế giới có xu hướng tăng cao. Với tình hình hiện nay dự kiến xuất khẩu cà phê Việt Nam trong năm 2011 đạt 1,2 triệu tấn với kim ngạch hơn 2,4 tỉ USD. (Sài Gòn Tiếp Thị 1/3)

Giá cao su xuất khẩu tiếp tục tăng cao
Do biến động thời tiết thất thường khiến nguồn cung cao su năm nay có khả năng giảm, nên giá cao su xuất khẩu vẫn tiếp tục đà tăng, giá bình quân tháng 1/2011 đã đạt 4403 USD/tấn, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2010. Bộ NN&PTNT cho biết, ước xuất khẩu cao su tháng 2/2011 đạt 30 ngàn tấn, kim ngạch đạt 135 triệu USD. Như vậy khối lượng xuất khẩu cao su 2 tháng là 106 ngàn tấn và giá trị là 467 triệu USD, tăng 38,2% về lượng nhưng giá trị gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, sang đầu tháng 1/2011, giá cao su tiếp tục tăng hơn do nhu cầu vẫn tăng liên tục trong khi nguồn cung vào thời vụ thấp điểm. Nhờ thời tiết thuận lợi, cao su thiên nhiên của Việt Nam đã xuất được trong tháng 1 là 75.600 tấn, đạt 332,95 triệu đô-la, với giá bình quân là 4.403 USD/tấn, tăng 46% về lượng và tăng đến 145% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Riêng chủng loại SVR 3L vượt ngưỡng dự đoán 5000 USD/tấn, đạt bình quân 5.147 USD/tấn. Sang tháng 2, giá cao su xuất khẩu tiếp tục tăng, đến 15/2 đạt bình quân 4.590 USD/tấn và SVR 3L đạt 5.592 USD/tấn. Tuy nhiên, lượng và kim ngạch xuất khẩu giảm do thời gian nghỉ Tết dài. Với dự báo về tình hình thị trường cao su thiên nhiên trên thế giới năm 2011, chênh lệch cung cầu sẽ là yếu tố quan trọng giúp cao su thiên nhiên vẫn đạt mức giá cao. Có triển vọng Việt Nam sẽ xuất khẩu được khoảng 760.000-780.000 tấn với giá trị từ 2,7 tỷ đến gần 3 tỷ đô-la. (Infotv 2/3)

Tháng 2/2011: Giá hạt điều xuất khẩu tăng mạnh
Bộ NN&PTNT cho biết, ước tháng 2 xuất khẩu hạt điều đạt 10 ngàn tấn với kim ngạch 70 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2011 lên 24 ngàn tấn và giá trị lên 166 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 55,2% về giá trị so với cùng kỳ. Theo đó, giá hạt điều xuất khẩu cũng tăng mạnh đạt 7129 USD/tấn, tăng 32,1% so với cùng kỳ và tăng hơn 1000 USD so với giá bình quân của năm 2010. Hiện nay có ba thị trường tiêu thụ hạt điều hàng đầu đều tăng cả về lượng và giá trị là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan…(Theo Infotv 2/3)

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Giá sữa tăng đến 15%
1/3, hàng loạt các hãng sữa sẽ điều chỉnh giá với mức tăng phổ biến từ 10 đến 15% với lý do tác động bởi tỷ giá và chi phí đầu vào tăng cao. Trước đó, nhiều hãng sữa đã điều chỉnh giá bán từ đầu năm 2011. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, ngay từ tháng 1 đã có rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất sữa tăng giá, ít nhất tăng từ 5-10% với nhãn hàng Friso, nhiều là 13-15% với Vinamilk, Cô gái Hà Lan... Nhãn hàng Abbot sẽ tăng 13% từ 1/3. Trên thị trường có hơn 200 nhãn sữa các loại, trong đó sản phẩm trong nước chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, 80% còn lại là sữa nhập khẩu. Với thị phần áp đảo như vậy, nên các hãng sữa ngoại đang thực hiện các chính sách giá theo ý muốn của mình tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân mà các hãng sữa này đưa ra để lý giải cho đợt điều chỉnh giá là vì các chi phí đầu vào tăng cao như tỷ giá ngoại tệ; thuế nhập khẩu, chi phí mua nguyên liệu đóng hàng; chi phí lao động trực tiếp và gián tiếp đều tăng. Ngoài ra, các loại chi phí khác như vay vốn ngân hàng, kho bãi vận chuyển… cũng gây áp lực tăng giá. Tuy vậy, một số công ty cho rằng, có thể tránh tăng giá nếu giảm bớt những khâu trung gian. Trước việc giá sữa tăng liên tục và tăng cao trong thời gian qua, đã có rất nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải siết chặt hơn nữa việc quản lý giá sữa và đưa sản phẩm sữa vào danh mục các mặt hàng do Nhà nước định giá. (Theo VTV 1/3)

Ngày 1/3: Giá cà phê trong nước lập kỷ lục
Giá cà phê ở thị trường nước ta đã lập kỷ lục trong ngày 1/3, với mức 46.500 đồng/kg, do hoạt động tranh mua của các công ty trong khi giá thế giới tăng mạnh. Dù hiện tại giá cà phê đang ở mức kỷ lục nhưng người nông dân không mấy phấn khởi bởi họ đã bán gần hết, chỉ còn các đại lý, các nhà đầu cơ là còn hàng. Giá cao cũng gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu trong việc gom hàng để giao cho kịp các hợp đồng đã ký, bởi lẽ họ đã chốt giá từ trước nhưng người dân lại không chịu giao do tiếc nuối. Việc này đã thành tiền lệ mà cho đến nay các địa phương vẫn chưa thể giải quyết được. (Cafef 1/3)

Thị trường dược phẩm biến động nhẹ
Theo Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, qua khảo sát tình hình thị trường dược phẩm từ 20.1 đến 20.2 nhìn chung vẫn ổn định. Một số mặt hàng điều chỉnh tăng giá nhưng không đáng kể. Giá một số nguyên liệu kháng sinh, hạ sốt, chống viêm nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ và thuốc nhập ngoại vẫn giữ giá tương đối ổn định. Trong số 116 lượt mặt hàng thuốc nội tại khu vực Hà Nội có 4 mặt hàng tăng giá với tỷ lệ tăng không đáng kể. Còn tại khu vực miền Trung, qua khảo sát 1.000 lượt mặt hàng tân dược, nhìn chung các mặt hàng đều ổn định, trong đó có 32 lượt mặt hàng tăng giá, chiếm tỷ lệ 3,2% với tỷ lệ tăng giá trung bình khoảng 4,7%. Khu vực thành phố Hồ Chí Minh qua khảo sát 1.000 mặt hàng tân dược, nhìn chung giá thuốc nội ổn định. Dự báo trong tháng tới, giá các mặt hàng nguyên liệu có thể tăng giá bởi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam và đồng đôla Mỹ. Do đó, giá các mặt hàng thuốc nhập khẩu, thuốc sản xuất trong nước có thể tăng với tỷ lệ hợp lý. (Lao Động 1/3)./.

Biên tập viên: Thanh Hồng