TTCK: Hai kịch bản năm 2011

Tháng 2, TTCK có hai phiên tăng điểm đầu tháng, đưa VN-Index lên mức cao nhất trong vòng gần 9 tháng. Tuy nhiên, một loạt diễn biến kinh tế vĩ mô xấu và chính sách thắt chặt sau đó đã khiến xoay đổi đ
TTCK trong tháng 2/2011 đã diễn biến xấu đi cùng với bối cảnh nền kinh tế. Bước sang tháng 3, liệu TTCK còn tiếp tục chịu sức ép từ sự bất ổn vĩ mô và khả năng tăng cường thắt chặt tiền tệ ?

Nguyên nhân cho sự đổ dốc nhanh chóng của thị trường bao gồm các yếu tố vĩ mô mà đặc biệt là nguy cơ lạm phát tăng mạnh do tác động của việc tăng tỷ giá, giá hàng hóa cơ bản như xăng dầu, điện... Thị trường đã từng kỳ vọng vào việc giảm lãi suất, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Tuy nhiên, trước bối cảnh đó, Chính phủ đã quyết định thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt để tập trung giải bài toán lạm phát và ổn định kinh tế. Dòng tiền vốn hỗ trợ cho thị trường vì vậy tiếp tục bị thắt chặt.

Khi đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ là dòng tiền được kỳ vọng nhất để hỗ trợ cho thị trường. Tỉ giá cũng được kỳ vọng sẽ được điều chỉnh và ổn định để thu hút FII vào TTCK. Nhưng sau quyết định điều chỉnh tỉ giá USD/VND tới 9,3%, thị trường ngoại hối vẫn bất ổn, chênh lệch tỉ giá giữa thị trường chính thức và thị trường tự do vẫn cao (khoảng 10%). Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới hiện cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn, dòng vốn đầu tư nước ngoài chưa thể nhanh chóng chảy vào thị trường VN.

Tháng 3 – Bối cảnh vĩ mô tiếp tục chi phối TTCK. Đã qua đợt công bố kết quả kinh doanh năm 2010 của các doanh nghiệp niêm yết nhưng thị trường vẫn tỏ ra khá thờ ơ. Nhiều DN báo cáo kết quả lợi nhuận năm 2010 ở mức cao, nhưng giá cổ phiếu vẫn lình xình. Đơn cử, ngành nông sản - thủy sản, và khai khoáng khác có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng (lần lượt là 128% và 128.5% so với 2009). Tuy nhiên, cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc những nhóm ngành này vẫn liên tục giảm trong tháng qua cho thấy sự bất lực của thông tin tích cực.

Trong khi đó, bức tranh kinh tế vĩ mô còn nhiều điểm tối đã và sẽ đè nặng lên thị trường trong thời gian ít nhất 1-3 tháng tới. Diễn biến tỉ giá, giá vàng và lạm phát tiếp tục là những trọng tâm của điều hành ổn định vĩ mô. Việc tăng giá hàng loạt bao gồm điện (tăng bình quân 15.38% từ 1/3/2011), xăng dầu... sẽ tiếp tục tạo sức ép lên CPI tháng 3. Các chính sách thắt chặt, nhằm kiểm soát lạm phát sẽ tiếp tục được duy trì trong vòng ít nhất 3-6 tháng nữa.

Loại trừ tác động của những cổ phiếu gây méo mó chỉ số, vì những tác động trên, khả năng phục hồi giá trong tháng 3 với phần lớn cổ phiếu trên cả hai sàn là khó xảy ra. Thậm chí, hoạt động cắt lỗ có thể diễn ra trong khoảng thời gian đầu tháng cùng với những phiên tăng giảm với biên độ rộng. Thị trường sau đó có thể lình xình đi ngang khi hoạt động xả hàng giá rẻ giảm để chờ tín hiệu từ kinh tế vĩ mô, cầu bắt đáy yếu do rủi ro thị trường vẫn còn cao. Thanh khoản thị trường vì vậy tiếp tục ở mức thấp.

Trước những diễn biến như vậy, có thể đưa ra hai kịch bản cho TTCK năm 2011. 
  Bức tranh kinh tế vĩ mô còn nhiều điểm tối đã và sẽ đè nặng lên thị trường trong thời gian ít nhất 1-3 tháng tới.
Kịch bản thứ nhất, nếu các biện pháp điều hành vĩ mô bắt đầu có hiệu quả, tỉ giá dần ổn định, thu hẹp chênh lệch giữa thị trường chính thức và không chính thức, CPI các tháng 4,5 và 6 bắt đầu giảm đà tăng, từ đó xuất hiện tín hiệu giảm sự thắt chặt tiền tệ, kinh tế vĩ mô có triển vọng ổn định trở lại.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô như trên, thị trường có thể đi ngang trong vùng đáy trong một khoảng thời gian và dần phục hồi về trung hạn (đặc biệt vào cuối năm) khi có tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ mặt bằng lãi suất.

Kịch bản thứ hai, trong điều kiện vĩ mô đi ngược lại, các yếu tố kể trên chưa được kiểm soát tốt, tâm lý và niềm tin không phục hồi, khả năng ổn định vĩ mô bị đẩy lùi, thị trường có thể tiếp tục giảm sâu hơn.

Đầu tư ngắn hạn vào thời điểm này là rất rủi ro, do đó nhà đầu tư lướt sóng vẫn nên duy trì trạng thái tiền mặt cao. Nhà đầu tư có tỷ lệ cổ phiếu cao, có thể hạ giá vốn đối với những mã có cơ bản tốt và giảm tỷ lệ nắm giữ đối với những mã có triển vọng thấp. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể quan sát thêm tín hiệu thị trường để chọn thời điểm tham gia thích hợp hơn, đặc biệt là quan sát dòng tiền khối ngoại để lựa chọn cổ phiếu phù hợp.