Mới đây, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH) đã diễn ra buổi chung kết xếp hạng cuộc thi Tỏa sáng tài năng cải lương, năm 2020, đánh dấu hành trình 27 năm đã đi qua của giải thưởng Bông lúa vàng.
Cuộc thi do Đài TNND TP Hồ Chí Minh tổ chức, Công ty CP Phân bón Bình Điền đồng hành tài trợ kinh phí.
Năm 2020, Cuộc thi "Bông lúa vàng" bước sang năm thứ 27 với nhiều hy vọng. Dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19 không ít khó khăn, nhưng Ban tổ chức vẫn cố gắng duy trì cuộc để góp phần tìm kiếm thêm những tài năng mới cho sân khấu. Bên cạnh việc tìm thêm những nhân tố triển vọng, làm sao để giữ gìn và phát huy hơn nữa những giá trị độc đáo của nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương cũng là một trong những tiêu chí quan trọng mà cuộc thi luôn hướng đến trong nhiều năm qua.
Cúp vàng và 100 triệu đồng đã có chủ
Để đến được với buổi thi chung kết xếp hạng, 6 thí sinh đã xuất sắc vượt qua 500 thí sinh trên khắp mọi miền đất nước với 4 vòng thi: Gieo hạt, Mạ non, Trổ đòng và Lúa vàng từ tháng 6 đến hết tháng 12/2020. Đến vòng chung kết bắt buộc các thí sinh phải chọn thi những những trích đoạn mới trong khoảng thời gian chuẩn bị tương đối ngắn.
Khán phòng Nhà hát VOH như quá chật trội so với lượng khán giả vào xem buổi thi chung kết xếp hạng. 6 thí sinh dự thi đã thể hiện các trích đoạn cải lương: Bài ca tìm mẹ; Trái tim người mẹ; Đêm lạnh chùa hoang; Tô Ánh Nguyệt; Sự tích cây uyên ương; Nguyễn Trung Trực, có sự hỗ trợ của bạn diễn, tạo nên các tiết mục ca- diễn hoàn chỉnh, đủ tầm đón nhận những tràng pháo tay không ngớt của khán giả.
Trong khán phòng khán giả đã hơn 80 tuổi, cũng lại có những bé gái mới gần 10 tuổi, cũng đến coi, vì rất thích vọng cổ, cải lương.
Bà Lê Thị Hoa, ở Lái Thiêu, TP Thuận An, Bình Dương, cho biết: “Tui rất mê cuộc thi này, nên theo suốt. Nghe đài biết có hát tại nhà hát là rủ nhau bắt xe khách tới coi. Bữa nay coi thiệt đã, nhưng kết thúc rồi, lại phải chờ qua tết ta, có hát là đi coi lại liền thôi”.
Anh Nguyễn Chí Thành, 18 tuổi, ở Thủ Đức khi được hỏi thanh niên bây giờ họ thích các loại hình ca nhạc khác, như tân nhạc, rap… sao anh lại đi coi cải lương, Thành bảo em mê cải lương từ khi còn rất bé. Cứ chiều thứ bảy là em thu xếp chuyện học để lên TP coi thi trực tiếp. Bí quá mới phải ở nhà ôm radio nghe.
Một buổi chiều thưởng thức cải lương trong sôi động và không kém phần hồi hộp của khán, thính giả, kết thúc với kết quả: Thí sinh Nguyễn Thị Hàn Ni (Bình Dương), đạt giải nhất; Thí sinh Võ Văn Ta (Kiên Giang): Giải nhì; Trần Văn Vịnh (Bạc Liêu): Giải ba. Giải thí sinh được yêu thích nhất qua bình chọn của khán giả thuộc về Nguyễn Phan Minh Nguyệt.
Ban tổ chức còn trao 3 giải khuyến khích cho các thí sinh: Nguyễn Phan Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Bạch Yến, Trịnh Văn Hồng Thuế và Giấy chứng nhận cho 12 thí sinh đã vào đến vòng Lúa vàng.
Lan tỏa, vang xa
Ông Lê Công Đồng, Giám đốc VOH, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi, cho biết, giải Bông lúa vàng ra đời đã được gần 3 thập kỷ, nhằm tìm kiếm những giọng ca tiềm năng, với lòng đam mê cải lương.
Ban tổ chức thực hiện các chương trình “Chắp cánh Bông lúa vàng” để các thí sinh sau cuộc thi có cơ hội trau dồi nghệ thuật cùng các nghệ sĩ lớn; được tạo điều kiện thu thanh và biểu diễn thường xuyên để không ngừng trưởng thành, trở thành những nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp…”
Năm 2020, Ban tổ chức giải đã phải vượt qua những khó khăn chung từ đại dịch covid 19 để tổ chức thành công gala “Hành trình 27 năm- Đi để trở về” nhằm tri ân những thành viên gắn bó với giải gần 3 thập kỷ qua.
Với mong muốn cuộc thi đạt chất lượng cao về chuyên môn và tạo ra được sự lan tỏa trong cộng đồng, công tác truyền thông cho Bông lúa vàng 2020 đã được đẩy mạnh, tích hợp đa phương tiện trên nhiều nền tảng; đồng thời Ban tổ chức đã mời thành viên hội đồng giám khảo là những nghệ sĩ, giảng viên bộ môn cải lương có uy tín, kinh nghiệm trong nghề, như NSND. TS Bạch Truyết, NSND. Minh Vương, NSND. Thanh Tuấn, NSUT. Thanh Hằng, ThS. Nhạc sĩ Huỳnh Khải…
Hành trình Giải Bông lúa vàng 2020 bắt đầu từ Đồng Tháp, sau đó đi qua các tỉnh: Bạc Liêu, Hà Nội, Đà Nẵng và dừng lại tại TP Hồ Chí Minh, thu hút 500 thí sinh tham dự thi. Một trong những bất ngờ năm nay là thí sinh trẻ hóa, tài năng, biết chủ động chọn nhiều tiết mục, bài ca mới; Công tác tổ chức cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với xu hướng chung của nhiều cuộc thi; nhà hát được sửa sang và luôn rộng mở cửa miễn phí cho khán giả của chương trình.
NSND. Bạch Tuyết, giám khảo của cuộc thi chia sẻ, tôi hạnh phúc trong không khí trẻ trung, nhộn nhịp của các em khi “bơi lội” trong ngũ cung Việt Nam, trong tinh hoa âm nhạc dân tộc, đi cùng thời đại.”
Bình Điền tiếp tục đồng hành
Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, chia sẻ: “27 năm qua, cuộc thi Bông lúa vàng đã có sức lan tỏa sâu rộng trên khắp mọi miền đất nước. ra cả một số nước trong khu vực.
Công ty Bình Điền rất tự hào vì đã cùng VOH góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật tài tử- cải lương Nam bộ, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây cũng là một trong những nội dung hoạt động hướng tới cộng đồng, thể hiện phương châm “Phân bón Đầu Trâu luôn là bạn đồng hành trung thành và tin cậy của bà con nông dân”. Bình Điền sẽ tiếp tục cùng VOH làm cho cuộc thi ngày càng phát triển, tạo sức lan tỏa hơn nữa trong lòng người hâm mộ.”
Được biết mỗi năm Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tài trợ cho cuộc thi hơn 2 tỷ đồng.