Bình Điền khởi động Chương trình canh tác cà phê thông minh tại Tây Nguyên

Với từng bước làm chặt chẽ, chắc chắn, Chương trình xây dựng, nhân rộng mô hình trồng cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cho 5 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2023- 2028 hứa hẹn thành công tốt đẹp.

cà phê thông minh

Triển khai thực hiện thỏa thuận đã ký giữa Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên về “Xây dựng mô hình Canh tác Cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cho 5 tỉnh Tây Nguyên”; đồng thời tuyển chọn đội thi chuẩn bị cho Hội thi Nhà nông đua tài tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8- năm 2023; vừa qua, đoàn công tác của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã tổ chức khảo sát tại một số địa phương.

Canh tác cà phê phải thích ứng với xu thế một cách chủ động

Thông tin về 5 chủ đề khoa học: Tưới nước cho cây cà phê; Tái canh và trồng mới vườn cà phê; Trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê; Quản lý dịch hại trên cây cà phê; Biến đổi khí hậu và bón phân cho cây cà phê; tại các vườn, vùng trồng cà phê mà đoàn khảo sát, trước đông đảo cán bộ lãnh đạo, ngành nông nghiệp, chủ vườn và nông dân địa phương, PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: “Canh tác cà phê chỉ là một công đoạn trong toàn bộ chuỗi giá trị của cà phê. Sản xuất cà phê thông minh là phản ứng với sự thay đổi của các điều kiện bên ngoài, cả về tự nhiên, kinh tế và xã hội một cách chủ động, thay vì bị động theo quy trình có sẵn”.

sản xuất cà phê

Theo ông Bộ, sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là sản xuất theo thị trường. Thị trường cần gì ta cung cấp cái đó, như cà phê có ít hoặc không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khoáng chất độc hại, cà phê sản xuất theo phương pháp hữu cơ… chứ không phải cung cấp cho thị trường loại cà phê ta đang có. Sản xuất phải đạt yêu cầu cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, theo hướng chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Thứ hai là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu: Có 3 yếu tố điển hình mà người trồng cà phê phải xử lý: Một là biến động về nhiệt độ, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê; hai là hạn hán; ba là khí hậu cực đoan, như trong mùa khô có mưa to hay mùa mưa gặp nắng hạn kéo dài, cần phải điều chỉnh cả việc cung cấp nước, bón phân đến phòng trừ dịch bệnh …

Thứ ba là thông minh ở năng lực phản ứng với các yếu tố bất lợi, bất thường trong quá trình sản xuất. Cây cà phê đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mà tùy theo mỗi vùng, mỗi hộ sản xuất với năng lực khác nhau phải có giải pháp cụ thể. Như trồng xen canh cây ăn quả để hạn chế nhiệt độ cao có hại cho cây cà phê và tăng hiệu quả kinh tế khi giá cà phê đang bấp bênh. Bởi trên 90% cà phê Việt Nam là xuất khẩu, nếu như thị trường biến động người trồng cà phê sẽ bị tác động rất lớn. Trồng xen giúp đa dạng hóa sản phẩm, từ đơn giá trị sang đa giá trị, tăng thu nhập cho nông dân.

Người trồng cà phê phải thích ứng với hai xu thế là sự thoái hóa hữu cơ kể cả về lượng và chất, nguyên nhân do không có nguồn hữu cơ bổ sung, trong khi sử dụng nhiều và không đúng phân bón hóa học, cộng với nhiệt độ cao, mưa nhiều dẫn đến tốc độ khoáng hóa nhanh. Đất càng ngày càng chua do tưới nước không khoa học, hoặc bón nhiều loại phân chứa những yếu tố làm chua đất… nếu biết được những nguyên nhân như vậy người trồng cà phê sẽ điều chỉnh cách thức sử dụng đất bằng việc tìm ra những loại phân bón phù hợp. Tưới nước khoa học, tiết kiệm sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của cà phê trong lúc nguồn nước tưới đang ngày càng hạn chế.

Việc đầu tư không nên theo phong trào, mỗi hộ, tùy theo năng lực mọi mặt của mình mà tìm ra phương thức đầu tư tốt nhất. Quy trình tổ chức sản xuất phải đặt trong tổng thể của chuỗi giá trị.

Bình Điền

Theo nhiều thống kê thì người nông dân trồng cà phê hiện nay chỉ được hưởng một phần rất nhỏ trong chuỗi giá trị (dưới 10%), còn lại rơi vào các khâu chế biến, thương mại… cho nên phải canh tác theo cụm, theo nhóm, tổ hợp tác. Người xưa nói “đi buôn có bạn đi bán có phường”, nếu chỉ làm một mình thì thu nhập sẽ rất thấp nên phải chia sẻ giá trị cho tất cả các đối tác tham gia thị trường, ngày nay ta thường nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau.” Sản xuất cà phê cũng vậy, phải đi cùng nhau thì mới đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Như vậy, nguyên tắc cơ bản của thông minh là chủ động đối phó với các yếu tố bất lợi từ bên ngoài, trong đó có các yếu tố khách quan như khí hậu thay đổi, thị trường biến động… cùng với những yếu tố chủ quan từ tư duy canh tác truyền thống, đã lạc hậu, không còn phù hợp nữa. Trong đó thông minh với thị trường là số một”, PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ nhấn mạnh.

Nông dân trồng cà phê hào hứng triển khai Chương trình

Theo bà Phan Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai, Chương trình Canh tác cà phê thông minh tại các tỉnh Tây Nguyên của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền mới bắt đầu triển khai nhưng nông dân trồng cà phê tại địa phương đã nắm bắt được, đang rất háo hức chờ đợi, mong muốn được canh tác có kỹ thuật (thông minh), được trả công xứng đáng và bền vững hơn trong chuỗi giá trị ngành hàng cà phê.

Ông A Laoh, nông dân ở thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, nhà trồng 1,5 ha cà phê rất phấn khởi khi được theo đoàn công tác của Bình Điền đi khảo sát tại vườn, để chọn tham gia mô hình canh tác cà phê thông minh tại huyện.

"Nghe các nhà khoa học nói tôi thấy sáng ra được nhiều điều, từ những điều đơn giản như tưới nước, bón phân, mình làm bao lâu nay rồi mà làm trật nhiều lắm, rồi bây giờ làm cà phê mà cứ chăm chăm một mình là không ổn…”, ông A Laoh chia sẻ.

canh tác cà phê

Các nhà khoa học do Công ty Bình Điền tổ chức, như PGS.TS.Nguyễn Bộ, TS.Tôn Nữ Tuấn Nam, TS.Trương Hồng, TS.Phạm Anh Cường, TS.Nguyễn Xuân Hòa, TS. Đặng Bá Đàn đã tâm huyết chuẩn bị và trình bày rất rõ ràng, dễ hiểu các chủ đề khoa học và tìm chọn khu vực làm mô hình Canh tác cà phê thông minh cho 5 tỉnh Tây Nguyên.

Từ thành công chương trình canh tác lúa thông minh tại đồng bằng sông Cửu Long và với từng bước làm chặt chẽ, chắc chắn, Chương trình xây dựng, nhân rộng mô hình trồng cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cho 5 tỉnh Tây nguyên, giai đoạn 2023- 2028 hứa hẹn thành công tốt đẹp.

tập huấn cà phê

Trong dịp này, đoàn công tác của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với Ban tổ chức Hội thi tuyển chọn và tập huấn cho các đội thi chuẩn bị cho hội thi Nhà nông đua tài với chủ đề “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023.

Lê Hoa