Bộ Công Thương luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư điện mặt trời

Theo quan điểm của Bộ Công Thương, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18 của Bộ Công Thương về xây dựng điện mặt trời đã tương đối rõ. Nếu chúng ta thực hiện theo đúng nội dung của quy định tại hai văn bản này thì đã tương đối phù hợp và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư điện mặt trời

Chiều 4/9 tại Hà Nội, buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020 đã được diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Rất nhiều vấn đề nóng đã được các phóng viên, báo chí quan tâm, đặt câu hỏi như: hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập trong thời gian tới; chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu vực kinh tế, tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; các vụ việc pháp luật...

Trong họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan đến việc “nhiều nhà đầu tư đã đầu tư hàng trăm tỷ vào dự án điện mặt trời áp mái nhưng khi dự án hoàn thành thì không được ký hợp đồng mua bán điện với bên điện lực, nguyên nhân được nêu là chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, điện mặt trời là một nguồn điện năng lượng tái tạo. Việt Nam là nước nhiệt đới nằm gần xích đạo nên có tiềm năng điện mặt trời khá cao. Chúng ta đã nói nhiều đến điện mặt trời lắp trên mặt đất, nhưng ngoài ra còn có điện mặt trời nổi và điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà.

Đáng chú ý, gần đây điện mặt trời lắp trên mái nhà rất được các nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp, thậm chí là nhiều người dân, rất quan tâm. Nếu có điều kiện, họ có thể lắp đặt với một kinh phí không phải quá lớn nhưng có thể mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.

thứ trưởng bộ công thương đỗ thắng hải
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, theo quan điểm của Bộ Công Thương, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18 của Bộ Công Thương về xây dựng điện mặt trời đã tương đối rõ. Nếu chúng ta thực hiện theo đúng nội dung của quy định tại hai văn bản này thì đã tương đối phù hợp và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư

Thuận lợi lớn nhất cho việc phát triển điện mặt trời mái nhà, đó là không tác động nhiều đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Đây là một điều hết sức thuận lợi và Chính phủ Việt Nam khuyến khích.

Chính vì vậy trong thời gian vừa qua, điện mặt trời phát triển tương đối nhanh. Tính đến thời điểm tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất 5.053 MW và hiện nay có 11 nhà máy điện gió hoạt động với tổng công suất là 429 MW và 325 MW điện sinh khối.

Như vậy, tổng công suất năng lượng tái tạo đã lên đến trên 5.000 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn điện của hệ thống. Đây là điều đáng mừng nếu chúng ta phát triển đúng hướng khi không phát triển thêm được nữa về nhiệt điện mà đi vào điện mặt trời, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Vừa qua, mặc dù điện mặt trời mái nhà có nhiều ưu điểm, nhưng có sự hiểu và diễn đạt chưa đúng ở nhiều địa phương, thậm chí là các doanh nghiệp, liên quan đến Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Thông tư 18 của Bộ Công Thương. Quyết định 13 cũng như Thông tư 18 này đưa ra rất nhiều khuyến khích, ưu đãi đối với điện mặt trời nhất là điện mặt trời mái nhà.

Bộ Công Thương cũng đã dự thảo công văn và xin ý kiến của UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nhà đầu tư và kể cả một số phương tiện thông tin đại chúng để tổng hợp các nội dung liên quan đến kiến nghị này.

“Theo quan điểm của Bộ Công Thương, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18 của Bộ Công Thương về xây dựng điện mặt trời đã tương đối rõ. Nếu chúng ta thực hiện theo đúng nội dung của quy định tại hai văn bản này thì đã tương đối phù hợp và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư”, Thứ trưởng thông tin.

Đồng thời nhấn mạnh, Bộ Công Thương vẫn đang tổng hợp thêm và chắc chắn trong thời gian tới đây, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể thêm đến từng UBND các tỉnh, thành phố và các nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho việc đầu tư, lắp đặt điện mặt trời. Đây là một định hướng rất đúng đắn của Đảng, Chính phủ và cũng đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về thoái vốn và cổ phần hóa

Trả lời câu hỏi về tiến độ thoái vốn bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) của một số doanh nghiệp trong đó có có SABECO, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương luôn quan tâm thực hiện các chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về thoái vốn cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước trong thẩm quyền của mình.

họp báo chính phủ
Buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020 đã được diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Cụ thể, Thứ trưởng cho biết, trước đó, SABECO đã có một lần bán vốn Nhà nước tương đương với 53,59% số vốn Nhà nước, số tiền thu được khoảng hơn 110 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. Đây là thương vụ được đánh giá là thành công, vì nếu thoái trong bối cảnh hiện nay thì giá trị thu được sẽ khiêm tốn, nếu không nói là thiệt.

Hiện tại SABECO Nhà nước còn 36% vốn. Cách đây không lâu, ngày 26/8/2020, Bộ Công Thương đã bàn giao số vốn còn lại 36% này cho SCIC, tương đương 2.308 tỷ đồng để SCIC tiếp nhận làm chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này, tiếp tục thực hiện thoái vốn.

“Quan điểm là khẩn trương thực hiện việc thoái vốn, nhưng việc này cần tính toán thời điểm nào lợi ích cao nhất chứ không phải thoái càng nhanh càng tốt”, Thứ trưởng nêu rõ.

Với VEAM, có đặc thù là ngoài lĩnh vực kinh doanh chính trong lĩnh vực cơ khí, ô tô, nhưng thu nhập chính đến từ các liên doanh mà VEAM đang thực hiện với các hãng lớn như Honda, Toyota, Ford. Số vốn điều lệ tham gia 3 liên doanh của VEAM chỉ chiếm 7% nhưng mang lại trên 90% tổng lợi nhuận của VEAM.

Do đó, Thứ trưởng lưu ý, nếu thoái vốn không cẩn thận, Nhà nước sẽ bị thiệt hại, vì mỗi năm riêng phần chia liên doanh đã mang lại lợi nhuận tới hơn 7 nghìn tỷ đồng. Nếu bán vốn ở thời điểm này chỉ thu được khoảng 30 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 5 năm lợi nhuận).

Vì vậy, Bộ Công Thương dù trước đó đã có quyết định thoái vốn, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước mắt chưa thoái vốn tại doanh nghiệp này. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý và yêu cầu, khi thoái vốn sau này cũng cần trình phương án cụ thể, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý mới thoái vốn.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương khẳng định quan tâm việc thoái vốn nhưng phải thoái vốn bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước.

Liên quan đến vụ việc pate Minh Chay, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay khi vụ việc xảy ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), yêu cầu 63 Cục QLTT địa phương rà soát, kiểm tra, đảm bảo không có việc tiếp tục lưu hành sản phẩm này trên thị trường toàn quốc.

Theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng đã có khuyến cáo về sản phẩm này đối với người dân, doanh nghiệp. Khi nhận được đơn, phản ánh chính thức của người dân liên quan đến vụ việc này, Bộ Công Thương sẽ vào cuộc, thành lập đoàn kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của những bên liên quan, Thứ trưởng khẳng định.