Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ Sơn La tháo gỡ khó khăn

Chiều 22/8, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La nhằm giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tỉnh Sơn La trong vấn đề quy hoạch của địa phương.

Kinh tế tăng trưởng ổn định

Báo cáo với Thứ trưởng Đặng Hoàng An và các đơn vị của Bộ Công Thương tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: 6 tháng đầu năm, Sơn La hoàn thành cơ bản nhiệm vụ Trung ương và các Bộ, ngành giao. Trong đó, kinh tế tăng trưởng ổn định.

Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,0%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 22,0%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,0%.

Về thương mại - dịch vụ, xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 13.950 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 76,7 triệu USD tăng 6,7% so với với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Xi măng, chè, cà phê, sản phẩm sắn, xoài, chuối. Năm 2022, tỉnh phấn đấu đạt 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La

Toàn tỉnh Sơn La hiện đang duy trì hoạt động có hiệu quả các nhà máy thủy điện, với 3 thủy điện lớn là Sơn La, Huổi Quảng, Nậm Chiến và 65/76 dự án thuỷ điện nhỏ đã quyết định chủ trương đầu tư. Toàn tỉnh Sơn La có 3700 MW, trong đó EVN có 2900 MW, riêng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La là 2.400 MW.

Tỉnh Sơn La xem sản xuất điện là lĩnh vực quan trọng và thu hút sự quan tâm và tập trung phát triển của tỉnh, trên địa bàn có thêm nhà máy thủy điện nhỏ đi vào vận hành (thuỷ điện Phiêng Côn, công suất 15MW) nâng tổng số nhà máy thủy điện nhỏ lên 55 nhà máy với tổng công suất 615,1 MW. Các chủ đầu tư chấp hành các quy định hiện hành về công tác vận hành hồ chứa, quản lý an toàn đập, không để xảy ra sự cố nào về mất an toàn đập.

Mong muốn của địa phương là nâng công suất Nhà máy thủy điện Sơn La thêm 800 MW, phát triển thêm một số nguồn thủy điện tích năng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió…

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Công đã cung cấp thông tin về tình hình lập các phương án phát triển lĩnh vực công thương để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh Sơn La.

Theo đó, nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 624/QĐ-TTg ngày 08/5/2021. Theo Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 08/4/2022 của UBND tỉnh Sơn La, thời gian hoàn thành lập, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh trong tháng 12/2022.

Nhiều vấn đề khó cần tháo gỡ

Hiện nay, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh đã hoàn thành báo cáo đầu kỳ, đang xây dựng báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch tỉnh và 37 phương án tích hợp trong quy hoạch tỉnh trong báo cáo giữa kỳ.

Trong 37 phương án tích hợp, ngành công thương được giao phối hợp xây dựng 04 phương án: (1) Phương án phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (trong đó có phương án phát triển các cụm công nghiệp); (2) Phương án phát triển năng lượng; (3) Phương án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, khu kinh tế cửa khẩu; (4) Phương án phát triển mạng lưới cấp điện.

Tuy nhiên, hiện tại, tiến độ lập quy hoạch tỉnh Sơn La chậm, chưa đảm bảo theo kế hoạch; Chất lượng xây dựng các phương án (trong đó có 04 phương án của ngành công thương) còn hạn chế, một số nội dung chưa phù hợp với hiện trạng ngành, lĩnh vực, đặc điểm của tỉnh; phương hướng phát triển ngành chưa rõ, chưa có điểm mới, chưa có tính đột phá, chưa bám theo định hướng chung của Việt Nam. Nguyên nhân việc triển khai lập 04 phương án phát triển ngành công thương có nhiều tồn tại, hạn chế do:

Đơn vị tư vấn được lựa chọn để lập toàn bộ quy hoạch chung của tỉnh, đây là cách làm mới chưa có tiền lệ, với nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc rất lớn, cân đối đồng thời nhiều nguồn lực, nhiều lĩnh vực nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Năng lực của đơn vị tư vấn còn hạn chế, chưa bố trí đủ nhân lực cho việc thực hiện công việc, đặc biệt là các chuyên gia chuyên ngành chuyên sâu theo các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực điện và công nghiệp.

Việc lập các phương án phát triển để tích hợp chưa được các bộ ngành hướng dẫn cụ thể. Theo Công văn số 373/BKHĐT-QLQH ngày 22/01/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh thì mới có Phương án phát triển các cụm công nghiệp, Phương án phát triển mạng lưới cấp điện. Phương án phát triển năng lượng và Phương án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, khu kinh tế cửa khẩu chưa có hướng dẫn chi tiết để xây dựng, tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Nói thêm về vấn đề này, bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết: Thời gian qua, cùng với các ngành khác trong tỉnh, việc triển khai lập quy hoạch ngành phối hợp với đơn vị tư vấn, ngành Công Thương Sơn La đang gặp một số lúng túng. Trong đó, công tác lập các phương án phát triển của ngành để tích hợp vào quy hoạch tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân là thiếu và chất lượng nhân lực của đơn vị tư vấn còn hạn chế.

Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La

Theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; Nghị định số 66/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 68 quy định: Sở Công Thương là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thành phương án phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Tuy nhiên, Sở Công Thương không đủ nhân lực và nguồn lực, thực tế để xây dựng “Phương án phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp” trong đó có phương án phát triển cụm công nghiệp đạt chất lượng, cần có đơn vị tư vấn chuyên ngành có năng lực triển khai thực hiện.

Hiện nay, Chiến lược phát triển một số ngành, lĩnh vực của Việt Nam chưa được phê duyệt nên khó khăn trong việc định hướng phát triển của địa phương…

Cũng phản ánh những vướng mắc trong thực hiện công tác quy hoạch, bà Hà Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Sơn La nêu: Tiến độ lập quy hoạch tỉnh Sơn La chậm, chưa đảm bảo theo kế hoạch; chất lượng xây dựng các phương án (trong đó có 4 phương án của ngành công thương) còn hạn chế, một số nội dung chưa phù hợp với hiện trạng ngành, lĩnh vực, đặc điểm của tỉnh; phương hướng phát triển ngành chưa rõ, chưa có điểm mới, chưa có tính đột phá, chưa bám theo định hướng chung của Việt Nam.

“Tỉnh mong muốn với cả 4 phương án phát triển thuộc ngành Công Thương, Bộ Công Thương có hướng dẫn để địa phương nắm rõ mức độ chi tiết và cần đề cập những nội dung gì khi tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh để đơn vị thực hiện”, bà Hà Ngọc Châu nói.

Ông Nguyễn Thành Công cũng chỉ ra nhiều bất cập đồng thời đề nghị sự hỗ trợ của Bộ Công Thương. Cụ thể, về thủy điện tích năng, UBND tỉnh Sơn La đã đồng ý cho 3 doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu một số địa điểm có khả năng để xây dựng các nhà máy thủy điện tích năng, hiện tại có 1 nhà đầu tư đã hoàn thành công nghiên cứu và có nhu cầu khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch. Đề nghị Bộ Công Thương xem xét hướng dẫn tỉnh và doanh nghiệp trình tự, thủ tục, thẩm quyền cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề nghị bổ sung vào quy hoạch các cấp.

Về chương trình cấp điện nông thôn, tỉnh Sơn La còn 119 tỷ đồng nguồn ODA chưa được bố trí vốn đầu tư. Đề nghị Bộ Công Thương xem xét trình cấp có thẩm quyền phân bổ cho tỉnh Sơn La để đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia cho các hộ dân chưa được sử dụng điện và sử dụng điện không an toàn; đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cân đối nguồn lực, tiếp tục quan tâm đầu tư cấp điện, nâng cấp điện an toàn từ lưới điện quốc gia cho các hộ dân; đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Sơn La mới có 1 khu công nghiệp Mai Sơn và 2 cụm công nghiệp đang hoàn thiện đầu tư hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh quy hoạch thêm 1 khu công nghiệp Vân Hồ quy mô 240 ha và 18 cụm công nghiệp quy mô gần 900 ha tại các huyện, thành phố. Tỉnh đang gặp khó khăn trong thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư thứ cấp, đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh huy động, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp và đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cũng đề nghị Bộ giúp tỉnh Sơn La sớm xây dựng, phát triển trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ; hướng dẫn định hướng phát triển năng lượng, điện, công nghiệp và thương mại để xây dựng các phương án phát triển để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh…

Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ

Lắng nghe những ý kiến của lãnh đạo địa phương, trước những vướng mắc của Sơn La, tại buổi làm việc các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã giải đáp và bàn giải pháp giúp Sơn La có những định hướng phát triển.

Về phương án phát triển cụm công nghiệp, ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, cho biết: Nghị định 68 và Nghị định 66 quy định rất rõ căn cứ vào đâu, nội dung thế nào, tích hợp ra sao, Sơn La căn cứ vào 2 văn bản này để xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp. “Nghị định 66 ban hành sau Luật Quy hoạch do vậy đã tích hợp nhiều nội dung của luật, thuận lợi cho địa phương thực hiện”, ông Ngô Quang Trung cho biết thêm.

Ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương

Ông Trung cũng đồng thời đề xuất: Khi xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp Sơn La cũng như các địa phương khác gửi văn bản về Bộ Công Thương góp ý trước, sau khi được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh Bộ không góp ý nữa. Tránh tình trạng địa phương gửi cả quy hoạch tỉnh về khiến các đơn vị góp ý lúng túng do thiếu tài liệu.

Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch, Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã giải đáp thoả đáng và hướng dẫn cho Sơn La trong quá trình triển khai những nội dung “khó”.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Sơn La trong phát triển kinh tế. Theo Thứ trưởng, năm 2021 chỉ số sản xuất công nghiệp của Sơn La cao hơn trung bình cả nước. Một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh chiếm tỷ trọng lớn như điện, xi măng, đường.

Đặc biệt, Sơn La ngày càng nổi lên như một trung tâm sản xuất nông sản của cả nước. Nông sản Sơn La dần có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. “Bộ Công Thương đã tham gia tích cực cùng Sơn La trong quảng bá, tiêu thụ nông sản”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định: Bộ Công Thương ủng hộ và đồng hành cùng Sơn La trong quá trình phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp, thương mại nói riêng.

Bộ Công Thương ủng hộ và đồng hành cùng Sơn La trong quá trình phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp, thương mại nói riêng.

Sơn La có cơ hội tăng tốc phát triển nếu đáp ứng được 6 định hướng lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là vấn đề giao thông. Sơn La xây dựng đường cao tốc, xây dựng sân bay không chỉ phục vụ phát triển du lịch còn hỗ trợ rất tốt cho phát triển công nghiệp khi giúp thuận lợi lưu thông hàng hoá, giảm chi phí.

Về những vướng mắc của tỉnh, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay: Quy hoạch là nền tảng quan trọng cho tỉnh phát triển trong 10 năm tới, nếu văn bản này làm không tốt, không đủ sâu tỉnh sẽ khó phát triển. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp thực hiện, cần thiết có sự tham gia quyết liệt của các Sở, ngành chức năng. 

Những nội dung liên quan, Bộ Công Thương sẽ cử các đơn vị làm cùng địa phương. Tỉnh có thể tham khảo dự thảo quy hoạch của địa phương khác để học hỏi, kế thừa. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có nhiều đơn vị chuyên ngành, Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Viện Năng lượng, các đơn vị khác trong Bộ có thể hỗ trợ tỉnh xây dựng được bản quy hoạch khả thi để trình Chính phủ.

Về vấn đề điện, Bộ Công Thương ủng hộ phát triển các dự án điện gió ở khu vực phía Bắc, do vậy tỉnh Sơn La xem xét thực hiện các thủ tục khảo sát, xây dựng…cho đúng quy trình. Điện nông thôn, địa phương làm việc thêm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để giải quyết. Riêng vấn đề này, Thứ trưởng đánh giá cao sự sáng tạo của tỉnh trong việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để bố trí thêm 300 tỷ đồng cho thực hiện mục tiêu cấp điện nông thôn. “Việc mở rộng thuỷ điện Sơn La, Bộ Công Thương sẽ xem xét”, Thứ trưởng cho biết thêm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An kết luận buổi làm việc

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Đăng Hoàng An cho biết, những vấn đề Sơn La có nhu cầu cứ đề xuất làm việc theo chuyên đề, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ tối đa cho Sơn La trong quá trong quá trình giải quyết các vướng mắc nhằm thuận lợi hơn cho tỉnh trong quá trình kêu gọi đầu tư, xây dựng và phát triển.

Thăng Long