Giá trị xuất khẩu năm nay tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu rau quả giữ mức tăng trưởng cao và có nhiều chuyển biến tích cực về thị trường, đồng thời nâng cao năng lực chế biến. Ngành rau quả đang được kỳ vọng lập lên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay.
Lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt 1 tỷ USD ngay trong những tháng đầu của năm. Đây chính là bước chạy đà quan trọng giúp ngành hàng này sẽ đạt kỷ lục mới trong xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), triển vọng xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2024 tiếp tục có diễn biến tích cực, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, Việt Nam đang có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này như: Sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây…
Trong điều kiện không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu. Theo các doanh nghiệp, dự địa từ thị trường còn khá lớn, tuy nhiên, để cạnh tranh xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Khuyến cáo bà con cố gắng làm sao giữ vững được chất lượng. Nếu có chất lượng thì chúng ta không sợ không có chỗ bán hàng".
Việc có hơn 80% sản phẩm trái cây xuất khẩu là hàng tươi cũng đang là điều bất lợi. Để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, đòi hỏi ngành hàng tỷ đô này phải mạnh dạn đầu tư chế biến sâu, đa dạng được sản phẩm thay vì chỉ bán hàng thô.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định: "Doanh nghiệp rất tích cực trong vấn đề ký kết lại các đơn hàng. Tín hiệu phục hồi của chúng ta rất tốt. Vấn đề đáng quan tâm là tổ chức sản xuất để đảm bảo sản lượng cung cấp theo hợp đồng, tránh bị gián đoạn".
Theo nhận định của các chuyên gia, cùng với việc xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững và kiểm soát thu hoạch, việc cập nhật kịp thời những yêu cầu kĩ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp nông sản của chúng ta thâm nhập được vào các thị trường lớn, từng bước vững chắc đạt đến mục tiêu xuất khẩu 6-6,5 tỷ USD rau quả trong năm nay.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: "Phải tuân thủ các quy định về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật. Biện pháp SPS bắt buộc nhà sản xuất và doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định này. Vì vậy, khi chúng ta không nắm được quy định này và vi phạm thì lập tức, chúng ta sẽ bị thị trường cảnh báo".
Còn theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT chia sẻ: "Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các tổ hợp tác xã phải có những khuyến cáo, phổ biến các thông tin, xây dựng các quy trình để đảm bảo người dân tuân thủ các quy định chặt chẽ về mặt chất lượng, để đảm bảo cho các sản phẩm đó đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam".
Trước đó, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt 469,9 triệu USD, tăng 44,3% so với tháng 2/2024 và tăng 13,2% so với tháng 3/2023.
Hàng rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính trong 3 tháng đầu năm 2024 đều tăng trưởng tích cực. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59,3%; Hoa Kỳ đạt 67,7 triệu USD, tăng 33,9%; Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng 112%...
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến, năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có trái sầu riêng của Việt Nam, sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có thể được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, trái dừa được phép xuất khẩu chính ngạch sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả khả quan hơn trong thời gian tới.