Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024 xuất khẩu rau quả đạt 433 triệu USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 3 tháng đầu năm đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên hoạt động xuất khẩu rau quả đạt hơn 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm.
Đây là kết quả rất đáng mừng, mặc dù trước đó, ngay từ 2 tháng đầu năm, ngành rau quả đã mang về gần 1 tỷ USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường tiêu thụ chính và tăng trưởng tốt vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản…
Đại diện Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, xoài, dừa tươi) cho biết, từ đầu năm 2024, lượng đơn hàng xuất khẩu trái cây của Hoàng Phát sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đều tăng 10-15% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong số top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam (tính đến hết tháng 2) có thị trường Thái Lan tăng trưởng đột biến ở mức 125,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 28,6 triệu USD, tăng thị phần của Thái Lan từ 2% lên 4%. Nhờ mức tăng trưởng này, Thái Lan đã vươn lên là thị trường nhập khẩu hoa quả thứ 4 của Việt Nam.
Lý giải cho sự tăng trưởng đột biến này tại thị trường Thái Lan, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Thái Lan mạnh về du lịch, du khách Trung Quốc đến nhiều và rất thích ăn sầu riêng.
“Tuy nhiên, sầu riêng nội địa Thái Lan chỉ rộ khoảng 4 tháng mỗi năm, còn Việt Nam có hàng quanh năm nên họ nhập hàng về để phục vụ du khách. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu cả thanh long, nhãn và vải sang thị trường này đến khi hết vụ.” - ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Thương mại rau quả giữa Việt Nam - Thái Lan đã có sự đảo chiều ngoạn mục. Nếu như trước đây, Thái Lan xuất siêu sang Việt Nam nhiều mặt hàng như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, chôm chôm, dứa,… nay Thái Lan đã phải nhập siêu nhiều sản phẩm từ Việt Nam.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng năm 2024 kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt 6,5 tỷ USD. Nếu thuận lợi có thể đạt 7 tỷ USD, cao hơn mục tiêu đề ra là 6 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo, căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu mặt hàng rau quả Việt Nam sang châu Âu, Hoa Kỳ,… Để đạt được mục tiêu trên, ngành rau quả Việt Nam cần chuyển hướng, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các khu vực lân cận, nhất là các mặt hàng thế mạnh như sầu riêng, dừa, thanh long, mít, chuối, xoài…
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, các doanh nghiệp trong ngành phải tranh thủ thời cơ, chủ động ổn định thị trường truyền thống. Đồng thời giải quyết vấn đề cần và đủ để mở rộng thị trường mới, cũng như thông qua việc tổ chức sản xuất hiệu quả, tăng cường thông tin dự báo, giảm vai trò trung gian để tăng giá trị trong giao dịch...
"Cùng với đó, cần xác định những mặt hàng trọng điểm chiến lược để có những giải pháp về thị trường, công nghệ và sản xuất. Đơn cử như vấn đề mặt hàng sầu riêng, bưởi, dừa… Đây là những mặt hàng có nhiều triển vọng, cùng với đó là nhiều mặt hàng khác có tiềm năng rất lớn để phát triển." - ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.