Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thăm và làm việc tại Hàn Quốc

Tối ngày 18/12/2021 theo giờ Việt Nam, Đoàn Công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn đã rời Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc.

Cùng tham gia Đoàn Công tác có đại diện Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ Công Thương.

Trong ngày làm việc đầu tiên, sáng 19/12/2021, Đoàn công tác Bộ Công Thương đã đến thăm Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc

Han Quoc 1
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn Công tác của Bộ Công Thương thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.

Han Quoc 2

Cùng ngày, Đoàn Công tác sẽ tới thăm Nhà máy Hydrogen Daesan. Đây là nhà máy điện chạy bằng pin năng lượng hydrogen đầu tiên và lớn nhất thế giới, không phát khí thải nhà kính trị giá 255 tỉ won (212 triệu USD) được xây dựng tại tổ hợp hóa dầu Daesan, cách thủ đô Seoul khoảng 120km về phía Nam, sẽ sản xuất 400.000 MWh điện năng/năm, đủ cung cấp cho 160.000 hộ gia đình. Nhà máy bắt đầu được đưa vào vận hành từ tháng 7 năm 2020. 

Han Quoc 3

Theo kế hoạch, trong ngày 21/12/2021, Đoàn Công tác của Bộ Công Thương sẽ có buổi làm việc với Tổng giám đốc Tập đoàn KOGAS Hàn Quốc. Đây là tập đoàn khí nổi tiếng Hàn Quốc chuyên nhập khẩu LNG từ khắp thế giới và cung cấp cho các nhà máy điện, các công ty cung cấp khí đốt...

Tại Việt Nam, tập đoàn KOGAS đã hợp tác cùng với PVU trong lĩnh vực làm sạch và kiểm tra đường ống (Pigging). PVU chính thức là đại lý phân phối độc quyền các dịch vụ như: Dịch vụ kiểm tra khuyết tật hình học đường ống (Geometry Inspection); dịch vụ kiểm tra độ mất mát vật liệu đường ống (Metal Loss Inspection); công nghệ Digital Mapping (Digital Mapping Technology); hệ thống mô phỏng đường ống (KOGAS Pipeline Simulation Facility).

Trong buổi chiều ngày 21/12/2021, Đoàn Công tác sẽ đi thăm cảng chứa khí LNG của Tập đoàn SK E&S và Tập đoàn GS Energy…

Han Quoc 4

Theo kế hoạch, sáng ngày 22/12/2021, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ chủ trì Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Tham dự sự kiện dự kiến có 35 doanh nghiệp Hàn Quốc đã, đang và dự kiến đầu tư vào Việt Nam. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Kỳ họp thứ 11 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác năng lượng, Công nghiệp và Thương mại; Kỳ họp thứ 5 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc…

Thời gian qua, Việt Nam và Hàn Quốc thường xuyên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ thương mại đa phương như WTO, ASEAN, APEC... Đặc biệt trong năm 2020, sự ủng hộ và phối hợp tích cực của Hàn Quốc đã góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, trong đó có việc hoàn thành ký kết Hiệp định RCEP.

Tính đến ngày 02 tháng 11 năm 2021, đã có 06 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, và 04 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Ốt-xtrây-li-a và Niu-Di-lân nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Hàn Quốc cũng đã hoàn tất phê chuẩn RCEP vào ngày 02 tháng 12 năm 2021.

Trong khuôn khổ thực thi Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA), hai nước cũng đang phối hợp chặt chẽ cùng các nước ASEAN tập trung vào nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKTIG), bao gồm (i) phê duyệt Nghị định thư thứ ba sửa đổi Hiệp định AKTIG và (ii) tiếp tục tự do hóa các mặt hàng trong Danh mục hàng nhạy cảm nhằm tăng cường thực thi có hiệu quả Hiệp định AKFTA.

Đại dịch COVID-19 trong hai năm vừa qua đã tác động tới nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc. Tuy vậy, Trong khủng hoảng đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,91% năm 2020 và 6 tháng đầu năm nay đạt 5,64%. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Là quốc gia có tiềm năng tăng trưởng lớn, Việt Nam đang hòa nhịp với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đang thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc đạt 66 tỷ USD, chiếm 12,85% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ). Trong đó, về xuất khẩu, Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản) với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 19,1 tỷ USD.

Về nhập khẩu, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 (chỉ sau Trung Quốc) với tổng kim ngạch nhập khẩu ở mức 46,9 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc khoảng 27,8 tỷ USD.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc đạt 63 tỷ USD, tăng 17,6 % so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 45,1 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Vai trò của Hàn Quốc đối với kinh tế Việt Nam

Hàn Quốc có vai trò quan trong đối với nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển sâu rộng quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Hàn Quốc hiện đã trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Điều này được thể hiện ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lũy kế đến hết tháng 11/2021 đạt 74 tỷ USD với hơn 9.203 dự án, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ hai, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) với kim ngạch song phương năm 2020 đạt 66 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc).

Thứ ba, các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng góp hơn 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (trong đó riêng Samsung đóng góp tới 24%).

Thứ tư, các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đặc biệt là tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc như: Samsung (điện tử), LG (công nghiệp chế tạo), Kumho, Doosan, Hyundai, GS, Posco (công nghiệp nặng và đóng tàu) đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu đặc biệt là trong các lĩnh vực: điện tử, ô tô, cơ khí, luyện kim, hóa chất, dệt may, da giày…

Thứ năm, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia đã tham gia ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với Việt Nam. Hai nước đã cùng tham gia các FTA như Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thứ sáu, Hàn Quốc cũng là nước có nhiều cơ chế hợp tác với Việt Nam: Ủy ban Liên chính phủ; Cơ chế Đối thoại cấp Phó Thủ tướng về hợp tác kinh tế; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác năng lượng, công nghiệp và thương mại; Uỷ ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.

Một số hình ảnh của Đoàn Công tác Bộ Công Thương tại Nhà máy điện pin năng lượng Hydrogen Daesan sáng 20/12/2021:

Han Quoc 5

Han Quoc 14

Han Quoc 7

Han Quoc 6