Cách nào cải thiện khả năng thích ứng của doanh nghiệp với những khủng hoảng, biến động?

Từ thực tế ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19 cho thấy, để giúp các doanh nghiệp có thể thích ứng và ứng phó có hiệu quả với các cuộc khủng hoảng, các cú sốc bất ngờ đòi hỏi phải có những giải pháp trong cả ngắn hạn và dài hạn.

doanh nghiệp

Với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), sáng 9/11 tại Hà Nội, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”.

Các đại biểu tham gia hội thảo đến từ các Bộ/ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia tư vấn, nhà nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp... đã thảo luận các phát hiện chính của nghiên cứu và phân tích đề xuất kiến nghị và giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Doanh nghiệp Việt Nam với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động ngắn, vì vậy, thường hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với những biến động bất ngờ của nền kinh tế, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch Covid-19. Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó.

Thời gian qua, tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, gây nên các nguy cơ, thách thức mới cho quá trình phục hồi và phát triển của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác như: dịch bệnh, môi trường, tài chính, nhân sự… Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kế hoạch để ứng phó với những yếu tố rủi ro, bất định, các cuộc khủng hoảng để phát triển một cách bền vững, tăng cường sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng, góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Chuyển đổi mô hình, phương thức kinh doanh phù hợp

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối mặt với khủng hoảng, gần như các doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi phương thức kinh doanh, thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh phi truyền thống. Đồng nghĩa với điều đó thì việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp là một yếu tố sống còn để đảm bảo doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và phát triển.

Qua các thông tin từ khảo sát và phỏng vấn sâu, đa phần các doanh nghiệp đều có quan điểm chung coi nhân sự là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng nhất, là yếu tố hàng đầu trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quản trị nguồn lực tài chính và cân đối dòng tiền là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng, bởi đây được coi là dòng máu, nguồn sinh lực nuôi sống doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực với các mức dự trữ tiền, tài sản phù hợp với quy mô hoạt động của doanh nghiệp để có thể đầu tư vào hoạt động sản xuất, tham gia vào các dự án mới hoặc ít nhất là có thể duy trì được hoạt động SXKD ngay cả khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi khủng khoảng.

Để hạn chế phần nào những tổn thất có thể xảy ra, doanh nghiệp cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để khi vốn kinh doanh nói chung và vốn lưu động nói riêng bị hao hụt, doanh nghiệp có thể có ngay nguồn bù đắp, đảm bảo cho quá trình hoạt động kinh doanh diễn ra liên tục

Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là DNNVV, với đặc điểm là tính linh hoạt cao nhưng sức chống chịu kém. Khi gặp khủng hoảng, thường chưa có chiến lược ứng phó và quản trị rủi ro. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, cần có chiến lược ứng phó với khủng hoảng ở tầm quốc gia, định hướng cho doanh nghiệp những việc cần làm ngay và hành động ưu tiên nhằm tiết kiệm nguồn lực và tăng tính hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có những giải pháp hỗ trợ nhằm tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng.

Mỗi doanh nghiệp khác nhau, có tiêu chí đánh giá doanh nghiệp thành công vượt qua khủng hoảng Covid-19 khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy có một số tiêu chí chung để đánh giá một doanh nghiệp thành công vượt qua khủng hoảng đó là: doanh nghiệp không bị ngừng hoạt động, lợi nhuận tăng, tìm kiếm được khách hàng mới, năng suất lao động tăng, áp dụng CNTT, CĐS trong quá trình SXKD của doanh nghiệp…

Một ghi nhận đáng chú ý khác của nghiên cứu là các doanh nghiệp do nữ làm chủ thể hiện sự linh hoạt hơn trong thời kỳ khủng hoảng, chủ động hơn trong việc lập kế hoạch dự phòng và áp dụng các chiến lược kinh doanh thận trọng, từ đó tăng khả năng phục hồi của họ trong thời kỳ khủng hoảng.

Tăng cường liên kết doanh nghiệp, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng

Trên cơ sở nghiên cứu và các quan điểm tiếp cận giải pháp, Nhóm nghiên cứu kiến nghị các giải pháp trong ngắn hạn nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt và phục hồi hiệu quả.

Một là, các doanh nghiệp cần chủ động cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết, đảm bảo hiệu quả hoạt động và dòng tiền của doanh nghiệp.

Hai là, giải quyết ngay những vấn đề phát sinh đột xuất, bất thường có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp.

Ba là, coi nhân sự là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại với người lao động, nhất là khi khủng hoảng xảy ra, nhằm đưa ra phương hướng hoạt động, sản xuất cho doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng, cũng như thực hiện các giải pháp hiệu quả hỗ trợ người lao động.

Bốn là, chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng để chuyển hướng kịp thời;

Năm là, thay thế các hình thức, phương thức kinh doanh, các sự kiện bán hàng theo kiểu truyền thống bằng các giải pháp công nghệ mới để khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin, kinh doanh trên các sàn giao dịch điện tử.

Sáu là, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn.

Bảy là, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào; tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương.

Các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần xây dựng các diễn đàn chia sẻ những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc. Tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển. Tổng hợp, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, đồng thời phổ biến, tuyên truyền, cập nhật kịp thời các chính sách mới của Chính phủ, chỉ đạo của chính quyền địa phương tới các doanh nghiệp hội viên.

Về phía Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cần rà soát, bổ sung, gia hạn các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Các cơ quan bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thực chất thủ tục hành chính. Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh doanh mới, thị trường mới.

Nâng cao năng lực quản trị rủi ro

Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp cho sự phát triển dài hạn và ứng phó với khủng hoảng trong tương lai.  

Đối với doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch hoạt động mang tính chiến lược, dài hạn; hiện đại hóa hệ thống quản trị và quy trình hoạt động của doanh nghiệp nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất, tăng sự chủ động của doanh nghiệp trong trường hợp khủng hoảng và các sự cố bất khả kháng xảy ra.

Nâng cao năng lực quản trị rủi ro để đạt được sức chống chịu kiên cường đối với rủi ro, khủng hoảng; đồng thời nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp thông qua việc nâng cao năng lực hoạch định chiến lược.

Các chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Quản trị rủi ro trong kinh doanh, từ đó biết cách lập kế hoạch quản trị khủng hoảng cho doanh nghiệp của mình, theo từng mức độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Bên cạnh đó, từng bước chủ động, hình thành thói quen trong việc sử dụng dịch vụ tư vấn về một số lĩnh vực (quản trị nhân sự, pháp lý, tìm hiểu, đánh giá thị trường...) để chủ động phòng ngừa các rủi ro trong kinh doanh.

Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cần quan tâm tổ chức các khóa đào tạo, ban hành tài liệu nhằm nâng cao năng lực nhận biết khủng hoảng và quản trị khủng hoảng, giúp cộng đồng doanh nghiệp có căn cứ đưa ra các giải pháp ứng phó với khủng hoảng.

Các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường mới của ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng.

Đại diện và tăng cường quyền lợi cho các hội viên của mình trong các quan hệ trong nước và quốc tế; làm cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với Chính phủ và quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài về xây dựng pháp luật và chính sách điều chỉnh hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khi có các cuộc khủng hoảng xảy ra. Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng.

Hỗ trợ doanh nghiệp CĐS, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của CMCN 4.0 để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai; Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hiểu thị trường, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị để ứng phó với khủng hoảng; nghiên cứu xây dựng Chương trình ứng phó với khủng hoảng mang tầm quốc gia. Tăng cường truyền thông nhằm tăng cường nhận thức của doanh nghiệp trong việc ứng phó với khủng hoảng.

Đồng thời tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới; nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình được thực hiện trong thời gian 5 năm, từ 2017 đến 2022.

Hoàng Phương