TÓM TẮT:

Báo cáo về Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social and Governance - viết tắt là ESG) về phát triển bền vững đã trở thành yêu cầu bắt buộc hàng năm đối với các công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, trở thành xu hướng của các doanh nghiệp hoạt động giao thương quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong kinh doanh hiện đại. Phát triển bền vững trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cũng nhận diện những khó khăn nhất định và có những giải pháp để ESG thực sự mang lại lợi ích cho phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Từ khóa: doanh nghiệp Việt Nam, ESG, thị trường chứng khoán, phát triển bền vững, kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Hoạt động kinh doanh cân đối lợi ích hài hòa giữa khách hàng, doanh nghiệp và lợi ích xã hội là một tư duy trong quản trị kinh doanh hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Phát triển bền vững đang trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp hoạt động giao thương quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và các công ty đại chúng niêm yết tại sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, đang có các bộ tiêu chuẩn và các chỉ số được một số tổ chức sử dụng để đánh giá về phát triển bền vững của doanh nghiệp, như: Chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI (Customer Satisfaction Index); Bộ tiêu chuẩn ISO26000; Các chỉ số ESG đánh giá và xếp hạng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, các chỉ số và báo cáo ESG của doanh nghiệp rất quan trọng, là cơ sở cho việc lựa chọn của các nhà đầu tư tài chính, đối tác kinh doanh và là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nhằm đáp ứng những kỳ vọng khách hàng trong xã hội hiện đại. Nội dung bài viết tập trung phân tích thực tế áp dụng ESG tại một số doanh nghiệp Việt Nam và nhận diện những khó khăn, có những khuyến nghị nhằm góp phần vào việc phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu sử dụng chủ yếu để thu thập các dữ liệu thông tin phục vụ cho việc phân tích, luận giải và đưa ra những kết luận trong bài viết là phương pháp nghiên cứu tài liệu, thu thập các nguồn dữ liệu thứ cấp, gồm các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, các báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, website của một số doanh nghiệp.

2. Khái niệm cơ bản

ESG là một bộ tiêu chuẩn sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững của doanh nghiệp. Khái niệm về ESG ban đầu được đề cập trong một ấn phẩm của nhà kinh tế học Hoa Kỳ Howard Bowen vào năm 1953 dưới dạng CSR (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh) và ESG xuất hiện lần đầu vào năm 2003 trong một bản báo cáo của Liên hợp Quốc có tên “Who cares wins”. Trải qua gần 2 thập kỷ, ESG đã có thay đổi từ bộ tiêu chuẩn chuyên biệt đánh giá toàn cảnh bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp làm cơ sở cho các nhà đầu tư tài chính, trở thành một thuật ngữ chung để chỉ cách mà các nhà quản trị doanh nghiệp hay thương hiệu cân nhắc những tác động của doanh nghiệp và sản phẩm lên môi trường, xã hội và nhân sự của họ. Bộ tiêu chuẩn ESG bao gồm 3 nhóm tiêu chuẩn, cụ thể như sau:

E - Evironmental: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, như: tác động từ biến đổi khí hậu và phát thải carbon, quản lý nước và chất thải gây ô nhiễm, khai thác tài nguyên từ rừng,…

S - Social: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến toàn xã hội, từ các vấn đề cơ bản như sự hài lòng của khách hàng đến những vấn đề có tính tổng thể như tính đa dạng, công bằng và hòa nhập, quyền riêng tư, an ninh và bảo mật dữ liệu, quan hệ cộng đồng,…

G - Governance: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động của tổ chức như vấn đề liên quan đến quản trị công ty, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,…

3. Sự cần thiết áp dụng ESG của các doanh nghiệp

     Tính an toàn và phát triển bền vững đang trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh của mình. Các chỉ số ESG là yếu tố quan trọng thể hiện toàn cảnh bức tranh về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và báo cáo ESG được tích hợp và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp sẽ truyền tải thông điệp doanh nghiệp đang thực hiện các bước đi cần thiết để phát triển bền vững và sinh lời trong dài hạn. Các bên liên quan của doanh nghiệp bao gồm các nhà đầu tư tài chính như các cổ đông, các định chế tài chính như ngân hàng, các đối tác kinh doanh nằm trong chuỗi  sản xuất và cung ứng, người tiêu dùng, cộng đồng xã hội,… sẽ nhìn vào chỉ số và báo cáo ESG để thể hiện thái độ và có những quyết định về hành vi đối với doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp.

      Các chỉ số và báo cáo ESG trở thành một yếu tố quan trọng làm cơ sở cho nhiều nhà đầu tư toàn cầu cân nhắc quyết định đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam. Các nhà đầu tư tài chính tìm kiếm các doanh nghiệp đề cao ESG làm giá trị cốt lõi trong hoạt động, chú trọng đến vấn đề mà toàn thể nhân viên, cộng đồng, ngành kinh doanh được thế giới quan tâm.

      Các đối tác trong kinh doanh quan tâm đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp để phát triển bền vững chuỗi sản xuất và cung ứng trên thị trường. Chuỗi cung ứng bền vững có nghĩa là tìm cách giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, lãng phí yếu tố đầu vào và hạn chế được các chất độc hại phát sinh, đồng thời thúc đẩy sự minh bạch cả trong hoạt động và mối quan hệ với các nhà cung cấp. Ví dụ doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu chú trọng đến nguồn gốc nguyên liệu gỗ từ các nhà cung ứng gỗ để đảm bảo về tài nguyên rừng.

     Người tiêu dùng không chỉ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường mà còn quan tâm cả chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động và cộng đồng. Ngày nay, người tiêu dùng trong xã hội hiện đại đặt ra những yêu cầu về chất lượng, giá thành sản phẩm, đồng thời còn đòi hỏi tính bền vững và thân thiện với môi trường trong từng sản phẩm. Trong một báo cáo ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới “Tương lai tiêu dùng trong những thị trường tăng trưởng nhanh: ASEAN” được công bố vào tháng 6/2020 cho thấy 80% người tiêu dùng ở khu vực ASEAN quan tâm đến tính bền vững và đã thay đổi thói quen sống để trở nên thân thiện hơn với môi trường. Số liệu mới nhất từ báo cáo Trust Barometer của Edelman cho thấy cách doanh nghiệp đối xử nhân viên, nhà cung cấp đã và đang ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Theo đó, 1/3 người tiêu dùng đã ngừng sử dụng một nhãn hiệu mà họ nhận thấy không hành xử thích hợp trước khủng hoảng; 71% nói rằng nếu họ cảm nhận một nhãn hiệu đặt lợi nhuận lên trên con người thì sẽ không bao giờ tin nhãn hiệu đó nữa.

     Cộng đồng xã hội thể hiện thái độ đối với sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp qua hoạt động truyền thông xã hội sẽ tác động lớn đến xu hướng hành vi của người tiêu dùng, thậm chí có thể dẫn tới sự tẩy chay sản phẩm hay thương hiệu của doanh nghiệp.

4. Thực tế triển khai áp dụng ESG của một số doanh nghiệp

Trên thế giới, áp dụng ESG đang là xu hướng của các doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG đang ngày càng trở nên quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng. Điển hình như đầu năm 2022, Microsoft đã tuyên bố sẽ đạt đến mục tiêu "âm carbon" là loại bỏ lượng khí carbon trong khí quyển nhiều hơn lượng khí công ty này phát thải vào năm 2030. Unilever đã đưa ra những cam kết mới, bao gồm một chuỗi cung ứng “không phá rừng” vào năm 2023 và đạt mục tiêu thải khí “net-zero” là cân bằng giữa lượng khí thải tạo ra và lượng khí thải được lấy ra khỏi bầu khí quyển đối với tất cả sản phẩm của Tập đoàn vào năm 2039. IKEA cũng cam kết đạt “net-zero” vào năm 2030 và thiết kế sản phẩm theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

Không nằm ngoài xu hướng áp dụng ESG của các doanh nghiệp trên toàn cầu, trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta đã quyết định kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2030, nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và con người, đồng thời quản lý các nguồn lực một cách hiệu quả và bền vững, đặt mục tiêu bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân là mục tiêu hàng đầu. Những mục tiêu nhằm tăng cường sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp ở Việt Nam đang dần được cụ thể hóa. Điển hình là Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trong đó quy định một số yêu cầu về báo cáo ESG đối với các công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán tại Việt Nam. Cụ thể, các công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán của Việt Nam phải công bố báo cáo ESG hàng năm của mình bao gồm: phát thải khí nhà kính, quản lý nguồn nguyên liệu, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, các chính sách liên quan đến người lao động, trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương, báo cáo liên quan đến hoạt động thị trường vốn xanh theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh. Ngày 18/7/2022, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố 20 doanh nghiệp được chọn lọc từ rổ chỉ số VN100 (gồm 100 công ty niêm yết lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam) và được đánh giá toàn diện ở 3 khía cạnh tiêu chí của ESG là môi trường, xã hội và quản trị. Trong số đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong số các doanh nghiệp tiêu biểu khẳng định vị thế qua đánh giá xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững và duy trì liên tục trong 6 năm liền là đơn vị nằm trong Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất. Vinamilk đưa phát triển bền vững vào trong chiến lược của công ty và tập trung vào 5 nội dung, gồm: trách nhiệm với sản phẩm là cam kết mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng có chất lượng cao; trách nhiệm với người lao động là môi trường làm việc an toàn, phát triển bản thân và thu nhập cạnh tranh; phát triển với kinh tế địa phương và hỗ trợ phát triển cộng đồng; trách nhiệm với môi trường và năng lượng. Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa tiếp tục là doanh nghiệp mía đường duy nhất 5 năm liên tiếp có tên trong Top 20 doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam. Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa đã thực hiện chuyển sang mô hình canh tác hữu cơ và tối ưu hóa giá trị cây mía khi tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu từ các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất. Tập đoàn Masan hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh hàng tiêu dùng và bán lẻ đã có nhiều hoạt động điển hình về phát triển bền vững như tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các nhà máy ở Bình Dương, Nghệ An và Hải Dương. Chất lượng xử lý nước thải đầu ra của các nhà máy này đều đạt tiêu chuẩn loại A, đây là tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam. Trong lĩnh vực bán lẻ, Tập đoàn Masan thay thế nylon bằng sử dụng 100% là túi tự hủy sinh học trong hệ thống WinMart và WinMart+. Như vậy, các doanh nghiệp nêu trên đang có nhiều đầu tư vào các hoạt động liên quan tới môi trường, xã hội và quản trị (Chi tiết tại Bảng về các hoạt động điển hình của doanh nghiệp áp dụng ESG).

Bảng . Tổng hợp một số doanh nghiệp áp dụng ESG

và các hoạt động điển hình

esg

 Nguồn: Tác giả tổng hợp từ website của các doanh nghiệp

Ngoại trừ các công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán của Việt Nam bắt buộc phải công bố báo cáo ESG hằng năm, các doanh nghiệp khác còn chưa bắt buộc phải công bố báo cáo ESG vẫn có những hoạt động kinh doanh hướng đến phát triển bền vững ở những cấp độ khác nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống từng bước thực hiện phát triển bền vững như sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, quan tâm đến phát triển kinh tế địa phương, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng và đặc biệt tập trung vào sản suất sản phẩm xanh và sản phẩm được gắn nhãn xanh bởi tổ chức uy tín trong nước. Trong đó, sản phẩm xanh là sản phẩm đáp ứng 4 tiêu chí, gồm: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn cho môi trường và sức khỏe thay thế sản phẩm độc hại, sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng (ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, ít chi phí bảo trì và sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khoẻ). Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2009, nhằm mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu, cũng như các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống. Sản phẩm nước ion kiềm của Công ty Fujiwa Việt Nam là ví dụ điển hình được công nhận và gắn nhãn Sinh thái Rồng Xanh do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (Green Dragon of HANE) cấp cho các doanh nghiệp.

5. Một số khó khăn trong việc phát triển ESG của doanh nghiệp Việt Nam và những khuyến nghị

 Thứ nhất: liên quan đến song hành có nhiều bộ tiêu chuẩn và các chỉ số đang được một số tổ chức sử dụng để đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp tại Việt Nam như: Chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI; Bộ tiêu chuẩn ISO26000; Bộ chỉ số Phát triển Bền vững (VNSI),…

Chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI - Customer Satisfaction Index) đo lường sự thỏa mãn của khách hàng được Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập hàng năm công nhận các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bộ chỉ số CSI được ra mắt vào năm 2016 và trải qua 6 năm triển khai thực hiện, đã có những điều chỉnh để đánh giá chính xác hơn mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp. Năm 2022, Bộ chỉ số CSI xây dựng trên cơ sở Luật Lao động sửa đổi năm 2019, Luật Môi trường 2014 và một số điều khoản sửa đổi trong Luật Môi trường 2020.

Bộ tiêu chuẩn ISO26000 là bộ tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với người lao động được tổ chức ISO ban hành có thể áp dụng cho mọi loại tổ chức, loại hình và ở các lĩnh vực.

Bộ chỉ số Phát triển Bền vững (VNSI) do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành nghiên cứu và triển khai với mục tiêu xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết được đánh giá toàn diện theo 3 khía cạnh: Môi trường (E), Xã hội (S) và Quản trị (G) để hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức cũng như các cá nhân.

Do đang song hành có nhiều bộ tiêu chuẩn gồm các tiêu chí khác nhau được một số tổ chức đưa ra để đánh giá và xếp hạng về phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn và áp dụng.

Thứ hai: liên quan đến chi phí nguồn lực doanh nghiệp. Việc đánh giá và công bố báo báo ESG với những doanh nghiệp đại chúng phát hành chứng khoán niêm yết tại trung tâm giao dịch chứng khoán theo quy định sẽ phải thực hiện hàng năm. Hơn nữa, để thực hiện hiệu quả chương trình ESG cần thực hiện việc theo dõi và đánh giá thường xuyên các chỉ số hoạt động để nhằm xác định vị trí của doanh nghiệp trên biểu đồ ESG. Tham gia vào chương trình ESG giúp doanh nghiệp được công nhận xếp hạng xong việc tập trung đầu tư nhiều vào “bộ các tiêu chí của ESG” sẽ làm phân tán dàn trải những các yếu tố về nguồn lực như nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có yếu tố nguồn lực hạn chế về tài chính, công nghệ,… thì chiến lược phát triển và kế hoạch ESG sẽ gặp nhiều khó khăn khi cùng một lúc thỏa mãn tất cả các tiêu chí. Do vậy, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn và là doanh nghiệp đại chúng phát hành chứng khoán niêm yết tại trung tâm giao dịch chứng khoán triển khai chương trình ESG. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng có mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững song vẫn còn bị hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng và khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được. Đây cũng là nguyên nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa cViệt Nam mới chỉ quan tâm và tập trung thực hiện một số hoạt động liên quan đến quản trị công ty, một số hoạt động xã hội như quan hệ cộng đồng, hoạt động từ thiện, chương trình sáng kiến xanh. Mặc dù các hoạt động xã hội đó vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng mới chỉ là phần nhỏ trong chương trình phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn ESG.

Thứ ba: doanh nghiệp có thể gặp rủi ro nếu quản lý chương trình ESG không được tốt do còn thiếu kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng. Kế hoạch triển khai ESG cần được phối hợp đồng bộ trong toàn doanh nghiệp, nếu hổng hoặc có trục trặc bất cứ một khâu có thể dẫn đến thiếu nhất quán và ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Những lỗ hổng trong quá trình triển khai ESG của doanh nghiệp dễ dàng và ngay lập tức bị lan truyền trong xã hội trong thời đại công nghệ thông tin. Các nhà cung cấp, các đối tác kinh doanh, người tiêu dùng, người lao động trong doanh nghiệp, cộng đồng xã hội đều có thể bày tỏ thái độ tiêu cực khi doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí ESG theo chính sách công bố của doanh nghiệp. Đây là một khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro cho doanh nghiệp trong khi kinh nghiệm còn thiếu cũng như kỹ năng quản lý ESG còn hạn chế.

6. Một số khuyến nghị

Trong Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025" đã được Chính phủ ban hành ngày 8/2/2022. Với mục tiêu tổng quát là: “Phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030”. Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững, phát triển các công cụ và giải pháp đánh giá các doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Để giúp doanh nghiệp chuyển dịch theo xu hướng phát triển bền vững, cùng với việc xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức đánh giá độc lập hoạt động tốt tại Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hoạt động đào tạo nâng cao năng lực quản trị ESG cho các doanh nghiệp trên thị trường.

Các nhà quản trị doanh nghiệp tiếp tục có những đổi mới trong tư duy quản trị theo xu hướng phát triển doanh nghiệp bền vững. Tính an toàn và bền vững là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp định hướng tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ dựa trên cơ sở nguồn lực, lĩnh vực hoạt động kinh doanh và quy mô doanh nghịêp để có những lựa chọn cấp độ và bộ tiêu chí về phát triển bền vững doanh nghiệp cho phù hợp trong từng giai đoạn của doanh nghiệp. Ở cấp độ căn bản nhất, doanh nghiệp chú trọng đến phát triển phẩm an toàn hơn cho hệ sinh thái như sử dụng loại vật liệu bao bì sản phẩm có khả năng tự phân hủy hay tái chế. Cấp độ tiếp theo, doanh nghiệp có thể thực thi quản lý sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khâu thiết kế sản phẩm, sản xuất và suốt thời gian sử dụng sản phẩm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp có tư duy thiết kế sản phẩm dễ dàng tái sử dụng, tái chế hay quay trở lại cho tự nhiên sau khi đã được sử dụng an toàn. Cấp tiếp theo, doanh nghiệp có thể phát triển tầm nhìn bền vững, ESG được tích hợp và chiến lược kinh doanh và doanh nghiệp thực hiện các bước đi cần thiết để phát triển bền vững và sinh lời trong dài hạn.

Đối với doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, việc giám sát và quản lý các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị liên quan tới chuỗi cung ứng của doanh nghiệp là rất quan trọng. Phát triển bền vững của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào hệ thống chuỗi sản xuất và cung ứng vận hành suôn sẻ trong đó người cung ứng, doanh nghiệp và các đối tác khác cùng chung tay đảm bảo thực thi hành động kinh doanh có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Tuy nhiên, chuỗi sản xuất và cung ứng có thể gặp những sự cố do bất kỳ một thành viên của chuỗi như việc gian lận hay không tuân thủ những cam kết về chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp có những giải pháp để kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, cũng như có những kịch bản riêng để xử lý tình huống khủng hoảng trong chuỗi.

Doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động truyền thông bao gồm không những truyền thông bên ngoài mà cả truyền thông nội bộ để mỗi một người lao động của doanh nghiệp đều hiểu rõ sự cần thiết phát triển bền vững và thực hiện theo đúng những cam kết đã được công bố của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát triển bền vững không chỉ phụ thuộc vào năng lực tư duy, sáng tạo của nhà quản trị mà là sự chung tay góp sức của mọi người trong doanh nghiệp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Philip Kotler và Gary Armtrong (2012). Nguyên lý tiếp thị. Nhà xuất bản Lao động Xã hội, Hà Nội.
  2. Chính phủ (2022). Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025".
  3. Bộ Tài chính (2020). Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
  4. 4. Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Truy cập tại: https://www.pwc.com/vn/vn/services/risk-assurance/sustainability.html.
  5. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Truy cập tại: https://www.vinamilk.com.vn.
  6. Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa. Truy cập tại: https://www.ttcsugar.com.vn
  7. Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Truy cập tại: http://www.masanconsumer.com

 

THE ROLE  OF ESG IN THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT

OF VIETNAMESE ENTERPRISES

Ph.D PHUNG THI THUY

Thuongmai University

ABSTRACT:

The Environmental, Social and Governance Standards (ESG) report on sustainable development has become a mandatory annual requirement for listed companies on the stock market in Vietnam and enterprises engaged in international trade. Sustainable development becomes the core value of many enterprises, helping they define their visions and strategic directions. However, ESG also brings certain difficulties and it is necessary for enterprises to have solutions to ovecome these challenges in order to gain benefits of sustainable development.

Keywords: Vietnamese enterprises, ESG, stock market, sustainable development, economy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2022]