Nhiều doanh nghiệp nhà nước yếu kém, lại được hỗ trợ lớn

SGTT.VN - Trong giờ giải lao tại Quốc hội, báo SGTT đã phỏng vấn ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, về thực trạng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) V

Trong khoảng một năm gần đây, có nhiều dấu hiệu xấu về hiệu quả sản xuất, kinh doanh của khối DNTN, theo ông là vì sao?
Thực tế số lượng doanh nghiệp đăng ký vẫn tăng nhiều, phạm vi đăng ký kinh doanh cũng mở rộng. Nhưng rõ ràng chất lượng chính sách, điều kiện để DNTN hoạt động thuận tiện, dễ dàng thì nó không cải thiện tương xứng. Sức cạnh tranh của khối này cũng bị yếu đi nhiều. Qua hàng loạt khó khăn như lạm phát cao hồi năm 2007 rồi lại đến tác động của khủng hoảng tài chính 2008-2009, những khó khăn kinh tế trong nước gần đây nữa thì hiệu quả kinh doanh của khối DNTN càng kém đi mà nó thể hiện rõ nhất là lợi nhuận của khu vực này giảm mạnh, thấp nhất trong các khu vực kinh tế, theo như kết quả khảo sát mới nhất của một số cơ quan, tổ chức nghiên cứu kinh tế như UNDP, viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. 

Gần đây không thấy có chính sách nào mới mẻ hơn để hỗ trợ khu vực này cho dù đóng góp về ngân sách của DNTN không thua kém các khu vực khác?
Cũng có một số văn bản mới ban hành như nghị định 56/NĐ-CP của Chính phủ, hay dự thảo kế hoạch 5 năm cũng có nói đến vai trò của DNTN. Nhưng tất cả là mới dừng lại ở chủ trương chưa có những việc giải quyết cụ thể để doanh nghiệp được hưởng lợi. Những gì họ cần như về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ công nghệ, đào tạo nhân lực…chưa có. Khoảng cách từ chủ trương đến kết quả thực hiện cụ thể chưa thấy cải thiện được bao nhiêu. 

Trái lại, các doanh nghiệp nhà nước vẫn được hỗ trợ rất cụ thể như khoản vay ADB 630 triệu USD mới đây hay Chính phủ dành khoảng 5000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước năm 2011 đầu tư cho một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ông có nghĩ rằng, nếu như kinh tế nhà nước còn giữ vai trò chủ đạo thì những hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước vẫn rất cụ thể mà chính sách cho DNTN càng mơ hồ hơn? 

Trước đây người ta nói vai trò chủ đạo của doanh nghiệp quốc doanh, gần đây người ta chuyển sang khái niệm kinh tế nhà nước. Thì ở đây nó bao gồm cả các cơ quan kinh tế của nhà nước, thí dụ như khối tài chính, ngân hàng, chỉ 2 khối này thôi đã rất lớn. Còn doanh nghiệp nhà nước là một thành phần của khu vực kinh tế nhà nước thì thực sự nó có vấn đề, đặc biệt là các tập đoàn. Riêng khối tập đoàn, thí điểm nhiều mà đến nay còn chưa tổng kết, nên có những yếu kém chưa uốn nắn được. Nên vấn đề đặt ra là chất lượng, hiệu quả ở nhiều doanh nghiệp nhà nước yếu kém như vậy mà mình lại tập trung quá vào đây thì nó lại hút hết nguồn lực của các anh khác. Nên tôi cũng cho là, DNTN vì thế lại càng khó khăn. 

Theo ông, trong giai đoạn mới, khối doanh nghiệp nhà nước chỉ nên làm gì?
Theo tôi cái gì là thiết yếu nhất có thể là về ngân hàng, điện lực, thuốc trừ sâu, vật liệu nổ…thì nhà nước giữ lại. Hoặc những cái khó nhất, ảnh hưởng đến quốc kế, dân sinh, đến an sinh xã hội mà không ai làm tốt hơn DNNN thì DNNN làm. Còn các lĩnh vực khác nên xã hội hóa, mở ra nhanh hơn, tạo bình đẳng cho các thành phần kinh tế khác phát triển. 

Nhưng thực tế nguồn lực hiện nay: đất đai, vốn, khoáng sản… tập trung riêng trong khối tập đoàn, tổng công ty đã rất lớn? Làm sao có thể sớm giải phóng, chia sẻ nguồn lực từ khối này ra xã hội để các thành phần kinh tế khác cũng được sử dụng?
Lối thoát dễ thấy nhất, có thể thực hiện nhanh nhất chính là cổ phần hóa, cho tư nhân vào làm cho vai trò chủ đạo, vai trò khống chế của “anh” (nhà nước) nó tụt xuống. Như tổng công ty Hàng không Việt Nam, sao không thể cổ phần hóa nhanh được? Và thực tế chúng ta đã thấy, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa xong như tập đoàn Bảo Việt, Vinaconex…đều hoạt động hiệu quả hơn so với trước đây. Anh nào có nhiều vốn, quản trị tốt góp vào thì vai trò của anh bật lên. Đó là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất, làm chuyển biến cơ cấu kinh tế đã được chứng minh ở nhiều quốc gia thì ta không nên trì hoãn thực hiện. 

Song song quá trình đó thì ta nên xóa triệt để bao cấp, xóa triệt để ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước. Vì nếu còn bao cấp, còn ưu tiên ở đâu thì không thể nào khiến khu vực kinh tế tư nhân bứt lên được, làm cho kinh tế hiệu quả lên được. Nếu như chính sách như nhau, bằng nhau, tôi tin chắc doanh nghiệp tư nhân sẽ vượt lên. /.