Đột phá thể chế để phát triển doanh nghiệp và doanh nhân trong giai đoạn 2011-2020

Tính đến năm 2010, khu vực kinh tế ngoài nhà nước của Việt Nam đã có trên 460.000 doanh nghiệp, 1 triệu hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 133 ngàn HTX, trang trại, với

1.Tinh thần Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân và và xu hướng phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi của mình, Hồ Chủ Tịch đã dành khá nhiều sự quan tâm đến vai trò và hoạt động của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Chưa đầy 1 tháng sau ngày Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong bức thư ngót 200 chữ viết ngày 13/10/1945 gửi “Công thương cứu quốc đoàn”- tổ chức đầu tiên của giới công thương Việt Nam - văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng khẳng định: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”; đồng thời, Người nhấn mạnh“Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”, và vị Chủ tịch nước đã trịnh trọng hứa“Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”…

Thực hiện những lời dạy của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân trong tình hình mới, Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã thừa nhận các doanh nghiệp tư nhân là bộ phận hợp thành của nền kinh tế nhiều thành phần, bình đẳng trước pháp luật với mọi doanh nghiệp khác. Đặc biệt, từ năm 2004, ngày 13/10 hàng năm được Nhà nước chính thức chọn làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
Trong tương lai, cùng với quá trình đẩy mạnh đổi mới toàn diện và phát triển CNH-HĐH đất nước, các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam ngày càng trở thành nguồn động lực quan trọng nhất với ba đặc trưng chủ yếu:
Thứ nhất, hoạt động trong nền kinh tế đa sở hữu liên kết với các nguồn lực trong và ngoài nước;
Thứ hai, vận hành theo các nguyên tắc của cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, bình đẳng trước pháp luật, có cơ hội tương xứng với năng lực;
Thứ ba, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi phát triển bền vững.

2. Đột phá thể chế để phát triển doanh nghiệp và doanh nhân trong Chiến lược phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2011-2020
Nghiên cứu toàn văn dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội (trình Đại hội XI) đã được công bố, có thể nhận thấy đây là một công trình có sự kết tinh tri thức tổng hợp và trí tuệ cao, thể hiện nhận thức và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta, trong đó:
Thứ nhất, về tổng thể và cơ bản, Chiến lược đã có sự thống nhất, kế thừa, làm rõ và bổ xung thêm một bước những nội dung cơ bản và tiến bộ nhất trong đường lối Đổi mới, cũng như chủ trương và chính sách phát triển kinh tế, CNH-HĐH đất nước theo tinh thần các kỳ Đại hội Đảng và văn kiện nhà nước ta chính thúc từ Đại hội VI đến nay.
Thứ hai, Chiến lược cũng đã chính thức ghi nhận, “nâng cấp” và tôn nhấn thêm một sô điểm mới cần thiết và quan trọng trong nhận thức và định hướng phát triển kinh tế Việt Nam thời kỳ 2011-2020, nổi bật như :
- Khẳng định nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng như dân chủ hóa đời sống kinh tế-chính trị-xã hội đất nước là bộ 3 cột trụ gắn kết và tương tác qua lại không thể thiếu được nhau để định dạng mô hình phát triển kinh tế Việt Nam (điều này đã được luận giải khá chi tiết và thuyết phục trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng trên báo Tuổi trẻ và các báo chí khác trong tháng 7/2010);
- Đề cao vai trò mô hình sở hữu hỗn hợp, nhất là thông qua các công ty cổ phần như là hình thức tổ chức kinh doanh ngày càng phổ biến và quan trọng ở Việt Nam trong thời gian tới. Điều này là phù hợp với kinh tế chính trị Mác - xít và xu hướng phát triển chung của thế giới hiện đại;
- Khẳng định sự cần thiết phải phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp nông nghiệp và nền nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao, từng bước phát triển nền tảng và các cấu thành kinh tế tri thức ở nước ta, tham gia ngày càng sâu và hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu và sự hội nhập kinh tế quốc tế.
- Đặt con người là trung tâm, động lực và mục tiêu của quá trình phát triển, được bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của mỗi người như là điều kiện cho sự phát triển toàn diện của tất cả mọi người trong suốt quá trình đẩy nhanh quá trình phát triển theo yêu cầu bền vững ở nước ta.

Đặc biệt, Chiến lược đã khẳng định: “Kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới. Đổi mới trong lĩnh vực chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy đổi mới toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Coi việc thực hiện mục tiêu này là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển”. Trên tinh thần đó, Chiến lược chỉ ra 3 đột phá chiến lược là : (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân.(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn…
Thứ ba, Chiến lược cũng cần được chỉnh sửa, hoàn chỉnh thêm theo hướng:
- Quán triệt đầy đủ và đậm nét hơn những nguyên tắc, yêu cầu phát triển và quản lý phát triển của Việt Nam trong bối cảnh thế giới nhiều biến động (nhất là về tài chính-tiền tệ) và tăng cường hội nhập theo các kênh đa dạng đa phương và song phương;
- Cần thêm nhiều “lửa” cho các doanh nghiệp và doanh nhân; toát lên sáng hơn tinh thần cởi mở, đại đoàn kết dân tộc, hướng về tương lai theo tinh thần Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân;
Một mặt, cần tránh những đoạn, những câu viết gây rườm rà, hoặc trùng lặp, trùng ý không cần thiết như các đoạn nói về định hướng phát triển nông nghiệp; Mặt khác, cũng cần tránh khi đề cập những vấn đề rất quan trọng chỉ bằng những câu quá cô đọng đến mức không rõ chủ ý hoặc thiếu chặt chẽ, dễ gây hiểu lầm, gây khó khăn cho cả cách hiểu, vận dụng và triển khai trong cả chỉ đạo, cũng như thực hiện trong thực tiến tương lai… Chẳng hạn như không nên viết một cách quá đơn giản, vừa thiếu khách quan với biện chứng thực tế phát triển, vừa thể hiện những e ngại hoặc mong muốn chủ quan, kiểu như : “Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh, trở thành một động lực của nền kinh tế. Khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch”. Vấn đề là động lực như thế nào và chất lượng quy hoạch ra sao?! Vì vậy, cần chỉnh sửa lại câu trên, chẳng hạn, như sau: “Tạo thuận lợi toàn diện cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh, trở thành một động lực ngày càng quan trọng của nền kinh tế. Khuyến khích và tăng cường quản lý kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển phù hợp với quy hoạch và yêu cầu, lợi ích phát triển bền vững lâu dài của đất nước…”;
- Ngoài ra, Chiến lược cũng cần định rõ, đầy đủ, cụ thể và khoa học hơn những luận điểm về vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, của công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, và về định hướng, yêu cầu phát triển khu vực dịch vụ trong nền kinh tế thời gian tới;
- Đặc biệt, cần viết lại cho đầy đủ và khoa học hơn đột phá đầu tiên trong 3 đột phá mà Chiến lược đã nêu trên; cụ thể, nên chỉnh sửa câu : “(1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” thành câu mới, chẳng hạn, như sau: “Hoàn thiện và tăng cường năng lực các thể chế kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ hóa đời sống kinh tế-chính trị-xã hội, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng và lành mạnh”.
Sự tách bạch về thuật ngữ và điều chỉnh, bổ xung đầy đủ hơn về khâu đột phá thể chế trên đây là cần thiết do một số nguyên nhân sau:
Một là, sự điều chỉnh cách nói và viết như vậy minh bạch hơn và khoa học hơn, giải tỏa được những “khúc mắc” về nhận thức không đáng có, trong khi vẫn bảo đảm nguyên tắc giữ được mục tiêu định hướng xây dựng và phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong tương lai, vì ta có Nhà nước XHCN như một chủ thể bảo đảm quan trọng nhất cho điều đó.
Hai là, đảm bảo tính cơ sở khoa học và thực tiễn phân biệt rõ và dứt khoát tính chất chủ quan của thể chế chính trị, với tính chất khách quan của các thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế…Việc Việt Nam lựa chọn mô hình phát triển định hướng XHCN là quyền tự quyết tối cao của Việt Nam, mà không một nước nào hay tổ chức quốc tế nào có quyền can thiệp.
Ba là, tạo thuận lợi để Việt Nam sớm được thế giới công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường đầy đủ theo lộ trình hội nhập trong khuôn khổ WTO và các định chế quốc tế khác. Trong sân chơi chung này cần có sự hài hòa, các “đặc thù” phải có tính thuyết phục không phương hại tới đối tác.
Bốn là, đảm bảo sự đồng bộ trong đột phá thể chế, thúc đẩy cải cách thể chế từ trên xuống, từ vĩ mô tới vi mô, tạo động lực mạnh mẽ về chất cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đột phá thể chế cần bảo đảm yêu cầu tôn trọng các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, bảo đảm tính đồng bộ giữa các bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế, các yếu tố thị trường và các loại thị trường; giữa thể chế kinh tế với thể chế chính trị; giữa nhà nước, thị trường và xã hội, đồng thời phải phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; bảo đảm phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; nâng cao chất lượng quy hoạch, năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách; bảo đảm quản lý thống nhất về quy hoạch và những định hướng phát triển, đồng thời đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng cấp, từng ngành và cơ sở.

Đột phá thể chế là cuộc chiến về “con dấu và chữ ký”, gắn liền với đặc quyền, đặc lợi; là xã hội hóa, đấu thầu mở rộng những việc mà nhà nước đang phải làm thay. Quá trình cải cách thể chế cần tạo ra nền hành chính tốt, hệ thống pháp luật tốt được vận hành bởi một đội ngũ cán bộ có năng lực và trách nhiệm cao, trong sự giám sát rộng rãi và thường xuyên của xã hội. Vì vậy, cải cách thể chế rất cần quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất và đội ngũ những người thực thi dũng cảm, chuyên nghiệp, đủ lực, đủ quyền và được bảo vệ tốt. Cũng cần nói thêm vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là đề xuất những chính sách tốt hơn, với cách nhìn chiến lược cho cộng đồng doanh nghiệp.