Theo Báo cáo tại hội nghị tổng kết ngành Hải quan mới đây, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa làm thủ tục qua các cục hải quan thuộc 19 tỉnh, thành phố phía Nam, dù chịu tác động rất lớn do dịch Covid-19, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 41% tổng kim ngạch cả nước.
Trong đó, Cục Hải quan TPHCM đạt 117,76 tỷ USD, tăng 7%; Cục Hải quan Bình Dương đạt 47,61 tỷ USD, tăng 17%; Cục Hải quan Đồng Nai đạt 35,31 tỷ USD, tăng 25%; Cục Hải quan Bà Rịa -Vũng Tàu đạt 21,29 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cục Hải quan Hải Phòng đạt 90,77 tỷ USD, tăng 30,8% và Cục Hải quan Hà Nội đạt 50,67 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước…
Từ đầu năm đến hết ngày 15/12, toàn Ngành đã giải quyết thủ tục đối với 13,74 triệu tờ khai, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 7,11 triệu tờ khai, tăng 7,8%, nhập khẩu đạt 6,63 triệu tờ khai, tăng 5,1%.
Số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu là 93.000 doanh nghiệp, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về kết quả thu ngân sách nhà nước, ước tính năm 2021 toàn Ngành thu được 370.000 tỷ đồng, bằng 117,46% dự toán, bằng 110,45% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, năm 2021 (kỳ báo cáo từ 16/12/2020 -15/12/2021), lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 14.568 vụ, trị giá hàng vi phạm 2.709 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 14.200 vụ, thu nộp ngân sách gần 291 tỷ đồng; khởi tố 39 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 176 vụ...
Nhằm đẩy mạnh công tác hiện đại hóa Hải quan, năm 2021, Tổng cục Hải quan đã triển khai xây dựng Kế hoạch cải cách hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chính là cơ bản hoàn thành Hải quan số với phạm vi chuyển đối số toàn diện các hoạt động hải quan trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó 3 trụ cột chính là mô hình nghiệp vụ hải quan hiện đại triển khai theo Quyết định 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ Tài chính; Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Mô hình quản trị nội bộ theo hướng văn phòng số.
Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Tính đến ngày 15/12/2021, có 235 TTHC của 13 Bộ, Ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với trên 4,7 triệu hồ sơ của hơn 51,5 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Tính đến ngày 15/12/2021: số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 461.939 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 1.212.880 C/O (Riêng từ ngày 01/01/2021 đến 15/12/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 237.692 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 896.407 C/O).
Trong năm 2021, Tổng cục Hải quan cũng đã tập trung nguồn nhân lực, thời gian hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (hiện đã trình Chính phủ phê duyệt). Nghị định là cơ sở cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, phát huy trách nhiệm của các Bộ, ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng cục Hải quan đề ra là đẩy mạnh tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 ngay sau khi Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời triển khai các Nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, hướng tới mục tiêu tổng quát là: xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan thông minh.
Ngoài ra, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm có tính chất thường xuyên được toàn Ngành tiếp tục thực hiện như: về cải cách hành chính, đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại, tập trung vào hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; tăng cường đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại như nâng cao hiệu quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng cường kiểm tra giám sát hải quan; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước...
Với nhóm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, tiếp tục bám sát, thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng chống tội phạm.
Tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm; tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối với mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Về công tác kiểm tra sau thông quan, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 7180/CT-TCHQ ngày 19/11/2019 của Tổng cục Hải quan về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan trong toàn quốc. Hoàn thiện những chuyên đề đang triển khai như chuyên đề hạt điều, chuyên đề xuất xứ hàng xuất khẩu, chuyên đề đá xây dựng, chuyên đề tân dược...
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ năm 2022 theo phê duyệt của Bộ Tài chính. Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ thông qua hình thức kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm, kiểm tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành Hải quan và hệ thống camera giám sát công vụ để kịp thời phát hiện những sai phạm của doanh nghiệp, hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức.