Cải tiến kế hoạch hoá xí nghiệp những năm 1965-1975

Cùng với việc bảo vệ sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, những năm 1965 - 1975 công nghiệp có những bước cải tiến quan trọng ở cấp cơ sở trong thể chế quản lý xí nghiệp.
kế hoạch hoá

Cán bộ công nhân viên Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao điều chế phân bón qua hệ thống cánh khuấy chạy điện (Ảnh: TTXVN)

Kế hoạch hoá là một nội dung quan trọng trong quản lý nền kinh tế những năm 1980 trở về trước. Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 20, họp từ 27/01 đến 11/02/1972, đã yêu cầu: “Gắn kế hoạch sản xuất với kế hoạch tiêu thụ, người lãnh đạo sản xuất phải nắm nhu cầu của thị trường, cơ cấu mặt hàng sản xuất phải phù hợp với nhu cầu thị trường, cơ cấu mặt hàng sản xuất phải phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và nhu cầu của sản xuất”.

Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, với sự tham mưu của các Bộ quản lý ngành Công Thương, giai đoạn 1965 - 1975, Chính phủ đã đưa ra những quy định cải tiến quản lý sản xuất, quản lý thị trường thông qua một số nghị quyết, chỉ thị, quyết định như:

- Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ 59/CP ngày 10/5/1967 về tăng cường quản lý kinh tế, tài chính và thực hành tiết kiệm;

- Nghị quyết số 89 ngày 07/9/1968 của Hội đồng Chính phủ về quản lý thị trường, chống đầu cơ ăn cắp vật tư, hàng hóa của nhà nước;

- Chỉ thị số 11-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/01/1971 về ổn định và cải tiến công tác quản lý công nghiệp và xí nghiệp quốc doanh;

- Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 91/CP ngày 12/5/1971 về tăng cường cải tiến quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa;

- Chỉ thị số 124-TTg ngày 03/5/1972 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cung ứng vật tư kỹ thuật cho các xí nghiệp công thương quốc doanh;

- Quyết định 150-TTg… “Cuộc cải tiến quản lý lần này tập trung vào khâu cơ sở, lấy cải tiến quản lý xí nghiệp làm trung tâm, đồng thời gắn với đổi mới quản lý nhà nước về công nghiệp”.

Mục đích chủ yếu của cải tiến quản lý xí nghiệp công nghiệp là nhanh chóng chấn chỉnh công tác quản lý, giải quyết hậu quả của chiến tranh phá hoại, đưa sản xuất đi vào thế ổn định và phát triển, đưa công tác quản lý vào nền nếp, tận dụng những năng lực sản xuất hiện có của xí nghiệp, tăng năng suất lao động, tăng sản lượng, nâng cao phẩm chất hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao mức doanh lợi và tích lũy cho Nhà nước.

Trong cải tiến công tác kế hoạch hoá xí nghiệp, các cơ quan chủ quản được yêu cầu xác định lại cho thật rõ phương hướng sản xuất và ở những nơi có điều kiện, xác định sơ bộ kế hoạch dài hạn cho xí nghiệp vào khoảng 2 - 3 năm; trước mắt chủ yếu là xác định có cơ sở vững chắc các mặt hàng chính và loại mặt hàng phụ để xí nghiệp có điều kiện chuẩn bị kỹ thuật cho một thời gian dài.

Về hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch: Vẫn giữ hệ thống các chỉ tiêu bao gồm cả chỉ tiêu pháp lệnh và chỉ tiêu tính toán (hướng dẫn) mà Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đang cho thi hành.

Tiến hành xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kỹ thuật, tài vụ ở xí nghiệp. Phải thống nhất kế hoạch hóa hiện vật và tài chính ngay từ cơ sở làm cho kế hoạch hiện vật phải đi đôi với kế hoạch tài chính. Việc xây dựng tất cả các kế hoạch ở xí nghiệp phải tổng hợp vào một đầu mối (Phòng Kế hoạch).

Lập kế hoạch tiến bộ kỹ thuật cùng một lần với kế hoạch sản xuất để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch trang bị bổ sung và mở rộng sau này. Chú ý cân đối vật tư theo yêu cầu sản xuất với chất lượng cao hơn. Xí nghiệp phải có kế hoạch tác nghiệp toàn diện để bảo đảm thực hiện kế hoạch từng quý, từng tháng.

Trong việc cải tiến phương pháp lập kế hoạch, bao gồm việc cân đối từ cơ sở và tổng hợp theo ngành, thực hiện chế độ bảo vệ kế hoạch theo trình tự mà Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã quy định: thực hiện việc ký kết hợp đồng kinh tế trực tiếp với khách hàng ngay trong khi xây dựng kế hoạch sản xuất.

Đào Mạnh Đức