Việt Nam và Ba Lan không chỉ là hai đất nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời mà còn chia sẻ nhiều tương đồng trong tiến trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường và hội nhập thành công vào kinh tế quốc tế.
Sau khi gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) năm 2004, nền kinh tế Ba Lan đã nhanh chóng hòa nhập và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Liên tục từ năm 2004 tới 2019 khi đại dịch Covid-19 diễn ra, Ba Lan duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 5,3% thuộc hàng cao nhất trong EU. GDP năm 2021 tăng gấp 3 lần năm 2004 đạt xấp xỉ 650 tỷ USD, đứng thứ 21 trên thế giới.
Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Ba Lan là các loại ô tô và linh kiện, đồ gỗ, pin, nông sản, thực phẩm… Bạn hàng lớn nhất của Ba Lan là Đức, các nước EU, Nga, Hoa Kỳ… (xấp xỉ 85% tổng kim ngạch). Các nước châu Á chiếm tỷ trọng nhỏ trong xuất khẩu của quốc gia này. Đơn cử Trung Quốc 1,3%, Hàn Quốc 0,4%, Nhật Bản 0,3% và Việt Nam 0,17%.
Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm ô tô và linh kiện, nhiên liệu, đồ điện tử, dệt may,… Bên cạnh các nước EU là bạn hàng truyền thống, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc nằm trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Ba Lan.
Thương mại Việt Nam - Ba Lan không ngừng phát triển
Trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan không ngừng phát triển song hành với những thành tựu trong phát triển kinh tế mỗi nước. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan tăng mạnh trong những năm gần đây nhờ nhóm hàng điện thoại, điện tử đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 ngoài Liên minh châu Âu (EU) của Ba Lan đồng thời là bạn hàng lớn nhất của Ba Lan tại Đông Nam Á. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan đạt trên 2,5 tỷ USD và nhập khẩu trên 400 triệu USD.
Kim ngạch thương mại song phương hàng năm theo thống kê của Ba Lan có số lượng cao hơn khá nhiều so với thống kê của Việt Nam. Đơn cử năm 2022, trong khi số liệu xuất khẩu của bạn tương đương với số liệu thống kê của ta thì số liệu nhập khẩu của bạn là 3,6 tỷ USD cao hơn 1,1 tỷ USD so với số liệu của Tổng cục Hải quan. Nguyên nhân được cho bởi phương pháp thống kê của bạn dựa trên xuất xứ nên một mặt hàng xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào EU qua cửa khẩu một quốc gia thành viên (thông thường Đức, Hà Lan, Tiệp…) rồi từ đó mới vào Ba Lan vẫn tính là nhập khẩu từ Việt Nam.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Ba Lan bao gồm điện thoại, điện tử, dệt may, giày dép, nông - thủy sản. Các mặt hàng nhập khẩu từ Ba Lan bao gồm: máy móc, thiết bị, dược phẩm, sữa và sản phẩm sữa, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, cao su, sản phẩm từ sắt thép, chế phẩm thực phẩm, đồ nội thất…
Việt Nam - thị trường tiềm năng cho hàng hóa Ba Lan
Là một quốc gia có diện tích lớn, nông nghiệp phát triển, Ba Lan là nhà xuất khẩu hàng đầu: táo, thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, các loại thực phẩm chế biến… với thị trường chính là EU. Hiện các nhà sản xuất Ba Lan đang ngày càng quan tâm quảng bá sản phẩm tới các thị trường mới ở Châu Á, trong đó có Việt Nam thông qua việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Việt Nam đang nổi lên là thị trường nhập khẩu tiềm năng cho các loại hoa quả ôn đới, thịt bò…
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi đã tạo lợi thế cho các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản của Ba Lan tiếp cận thị trường Việt Nam. Đơn cử, năm 2021, Việt Nam là nhà nhập khẩu táo hàng đầu thế giới với số lượng trên 90 ngàn tấn, trong đó nhập khẩu từ Ba Lan khoảng 32 ngàn tấn.
Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp đã tận dụng EVFTA để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản được cắt giảm thuế. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Ba Lan năm 2022 tăng 80% so với năm 2021 đạt 187 triệu USD. Con số giá trị tuyệt đối không lớn nhưng đó là thu nhập ròng do các nhà sản xuất Việt tạo ra và thu về. Đồng thời nó còn có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội khi đem lại thu nhập cho nông dân.
Thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng Việt vào Ba Lan
Thời gian tới, trong triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, việc quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam tại thị trường Ba Lan là một trong số ưu tiên hàng đầu.
Trước hết, đây là những mặt hàng chúng ta được hưởng lợi thế tiếp cận thị trường so với các đối thủ cạnh tranh nhờ EVFTA. Sản phẩm trong nước ngày càng đa dạng. Các nhà sản xuất trong nước cũng đã nhận thức rõ sự cần thiết phải áp dụng các quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe nếu muốn vào các thị trường cao cấp. Đơn cử tại hội chợ thực phẩm vừa qua tại Vac-sa-va, gian hàng của Đại sứ quán Việt Nam rất tấp nập người nếm, thử các loại hoa quả sấy dẻo do doanh nghiệp Việt giới thiệu thăm dò thị trường.
Thứ hai, đặc thù thị trường Ba Lan là các doanh nghiệp Việt hoạt động khá mạnh trong lĩnh vực phân phối và nhà hàng. Các nhà hàng Việt có số lượng lớn và thu hút không chỉ khách hàng Việt mà còn đông đảo thực khách Ba Lan do đó tiêu thụ lượng lớn thực phẩm trong nước. Các siêu thị, cửa hàng Việt cũng phân phối đa dạng sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước. Bởi vậy, khai thác tiềm năng của đội ngũ doanh nghiệp Việt kiều là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Ba Lan.
Nguyễn Sơn, Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan