Thị trường EVFTA: Những con số ấn tượng
Tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường EVFTA của Việt Nam khiến Đại sứ, Giorgio Aliberti ngạc nhiên trong bối cảnh toàn cầu phức về địa chính trị, lạm phát và giá năng lượng tăng cao, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá nhiên liệu thế giới tăng cao và nguồn cung lương thực thiếu hụt, Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hai con số và tổng kim ngạch thương mại toàn cầu đạt 732 tỷ USD.
Vị Đại sứ tin chắc rằng, thị trường EVFTA đã góp phần quan trọng vào thành công này. Để chứng minh, ông dẫn số liệu của Eurostat trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2022. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của EU sang Việt Nam tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 9,2 tỷ Euro trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EVFTA đã tăng hơn 32%, lên gần 37,9 tỷ Euro.
Một con số khác mà vị Đại sứ hết sức ấn tượng, đó là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan sang thị trường EVFTA, thông qua sử dụng C/O: 14,8% vào năm 2020, tăng lên 20,2% vào năm 2021 và lên 24,5% trong sáu tháng đầu năm 2022 theo một khảo sát với 500 công ty Việt Nam của VCCI.
Đại sứ Giorgio Aliberti dẫn lời nhiều nhà phân tích độc lập cho rằng, những thách thức toàn cầu hiện nay có thể đã gây ra những tác động tồi tệ hơn nhiều đối với nền kinh tế nếu như không có các FTA quan trọng như EVFTA. Thị trường EVFTA đã đóng vai trò như một đệm đỡ hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ bất ổn toàn cầu.
Một số liệu khác từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 2 năm thực hiện EVFTA, tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O mẫu EUR.1 sang thị trường EVFTA là 18,7 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU.
Tuy nhiên, con số 20% kim ngạch hàng hóa được cấp C/O mẫu EUR.1 không có nghĩa là 80% kim ngạch còn lại đang phải chịu thuế cao. Bởi có những dòng thuế trong WTO đã bằng 0, không cần phải có giấy chứng nhận xuất xứ. Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu đi EU có thể có một lựa chọn khác là hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ thuế quan phổ cập GSP của EU dành cho các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tự chứng nhận xuất xứ cho những lô hàng mà có kim ngạch trị giá từ 6000 euro trở xuống.
Thúc đẩy xuất khẩu bền vững
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6% so với năm 2022, Bộ Công Thương tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng XNK. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng số nhằm đẩy mạnh phân phối hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Chú trọng quản lý nhập khẩu.
Đối với hoạt động khai thác các thị trường FTAs, tiếp tục chủ trì đôn đốc, phối hợp với các đơn vị và Bộ, ngành trong việc sửa đổi, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm thực thi cam kết trong Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động XTTM mở rộng thị trường theo hướng ưu tiên triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào với các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu Covid-19; tập trung đẩy mạnh hoạt động XTTM đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam. Lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoạt động XTTM, xây dựng kế hoạch, lộ trình XTTM theo chuỗi, có tính dài hạn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức XTTM Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp. Xây dựng, triển khai kế hoạch XTTM theo định hướng chiến lược về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, tận dụng các cơ hội phục hồi thị trường quốc tế.
Đồng thời, xây dựng, triển khai các hoạt động XTTM tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng, tăng cường sự kết hợp nguồn lực trong cả nước cho các hoạt động XTTM từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, du lịch; tập trung các hoạt động nâng cao năng lực XTTM gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường FTAS, từng bước tham gia vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu là những tấm đệm hữu hiệu trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng, khó đoán định.