Căng thẳng địa chính trị khiến giá dầu thô chạm mức cao kỷ lục

Trong tuần vừa qua, giá dầu thô thế giới đã tăng vọt, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014 trước lo ngại căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông và giữa Nga với Ukraine leo thang có thể khiến nguồn cung dầu thô bị gián đoạn khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu tiếp tục phục hồi tốt.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Giá dầu thô Brent giao tháng 3/2022 hiện được giao dịch trên mức 88,5 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 2/2022 đạt trên 87 USD/thùng. Đây là những mức giá cao nhất kể từ hồi cuối năm 2014. 

Đầu tuần này, nhóm phiến quân Houthi từ Yemen đã bất ngờ tấn công sân bay quốc tế Abu Dhabi và một nhà máy lọc hoá dầu của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Ngay sau đó, liên quân do Ả-rập Xê-út đứng đầu đang tham chiến tại Yemen đã tiến hành không kích trả đũa lực lượng phiến quân. Phiến quân Houthi thường xuyên thực hiện các vụ tấn công sang lãnh thổ Ả-rập Xê-út nhưng ít khi tiến hành tấn công tương tự nhằm vào UAE.

Những động thái này khiến giới đầu tư lo ngại vòng xoáy xung đột vũ trang gia tăng có thể khiến nguồn cung dầu thô từ khu vực Trung Đông bị gián đoạn. Đặc biệt, cuộc tấn công của phiến quân Houthi có thể gây tác động tiêu cực đến tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran với Hoa Kỳ và các cường quốc hạt nhân trên thế giới. Phương Tây thường xuyên cáo buộc Iran hỗ trợ các hoạt động của phiến quân Houthi.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết, một trong những yếu tố cốt lõi của cuộc đàm phán này là việc Iran yêu cầu Hoa Kỳ phải chấm dứt các biện pháp cấm vận nhắm vào nước này, bao gồm các biện pháp hạn chế Iran xuất khẩu dầu thô. Giới phân tích nhận định nếu Hoa Kỳ chấp thuận điều kiện này thì sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran có thể quay trở lại mức 2,5 triệu thùng/ngày như giai đoạn 2017 – 2018. Do đó bất kỳ thông tin tiêu cực nào về quá trình đàm phán giữa Iran và Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ đà tăng của giá dầu thô.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường dầu mỏ thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

Tổng sản lượng khai thác dầu thô của Ả-rập Xê-út, UAE và Iran hiện chiếm đến 55% sản lượng khai thác của toàn Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), và chiếm đến hơn 70% lượng công suất dự phòng để gia tăng sản lượng của OPEC. Hiện nguồn cung dầu thô từ OPEC chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Sản lượng
 Mức sản lượng và công suất dự phòng của các quốc gia thành viên khối OPEC theo dữ liệu của Bloomberg và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA)

Bên cạnh đó, đà tăng của giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraine khi Nga liên tục có động thái tăng cường quân đội tại vùng biên giới với Ukraine. Bất kỳ xung đột quân sự nào giữa hai quốc gia này sẽ khiến dòng chảy năng lượng, đặc biệt là khí đốt tại Châu Âu bị rối loạn nghiêm trọng, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Châu Âu tăng vọt.

Hiện Châu Âu phụ thuộc đến hơn 60% nguồn cung khí đốt vào Nga và Ukraine là khu vực trung chuyển khí đốt quan trọng từ Nga sang Châu Âu. Dữ liệu cho thấy sản lượng khí đốt đi qua vùng Velke Kapusany (Slovakia) – khu vực phân phối khí đốt đến các nước Châu Âu sau khi được chuyển từ Nga đến Ukraine, đã giảm đến 70% trong những ngày gần đây. Giá khí đốt giao tháng 2/2022 tại Châu Âu đã tăng mạnh.

Bên cạnh đó, giới đầu tư còn lo ngại Nga chỉ có thể nâng sản lượng khai thác thêm 60.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức 100.000 thùng/ngày theo kế hoạch đề ra do thiếu hụt đầu tư và các khó khăn về bảo dưỡng. Trong giai đoạn vừa qua, Nga đã liên tục gia tăng nguồn cung để bù lại phần sản lượng thiếu hụt của các quốc gia thành viên khác trong liên minh OPEC+ như Nigeria và Angola.

Sản lượng dầu thô của Nga hiện chiém 10% tổng sản lượng dầu thô toàn cầu. Do đó việc thiếu hụt nguồn cung tăng thêm từ Nga có thể khiến giá dầu thô tăng mạnh trong thời gian tới. Hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức OPEC và chuyên gia phân tích nhận định xu hướng tăng của giá dầu thô sẽ còn kéo dài trong vài tháng tới và giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 90 USD/thùng.

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.

  • Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
  • Website: https://saigonfutures.com
  • Hotline: 0903.352.961
Duy Quang