Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE) vừa cho biết sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vào cuối tháng 4/2024 với dự kiến thời gian tổ chức trong khoảng từ ngày 20 - 30/4/2024 tại TP.Đà Nẵng.
Theo đó, Cao su Đà Nẵng sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội vào ngày 20/3/2024. Trong năm 2023 vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.495 tỷ đồng và lãi ròng 247 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,2% và giảm 19,3% so với năm 2022. Nguyên nhân đến từ sự sụt giảm cả về sản lượng và giá bán của dòng lốp Bias và Radial do nhu cầu yếu.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Cao su Đà Nẵng đã có tín hiệu phục hồi khi lãi ròng trong quý 4/2023 đã tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 96 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đã đẩy mạnh kênh xuất khẩu với tổng sản lượng xuất khẩu tăng khoảng 7% trong năm 2023, riêng thị trường Mỹ tăng trưởng đến 25%.
Trong năm 2024, Cao su Đà Nẵng tạm thời đặt mục tiêu doanh thu khoảng 5.400 tỷ đồng, tăng 20% so với mức thực hiện của năm 2023. Chia sẻ về mục tiêu này, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng Giám đốc Cao su Đà Nẵng cho biết, các khách hàng của công ty sẽ tăng thêm nhiều trong năm 2024, nhất là tại thị trường Mỹ, do đó việc đạt mức tăng trưởng doanh thu cao là hoàn toàn có cơ sở.
Ngay trong quý 1/2024, Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 1.160 tỷ đồng và 55 tỷ đồng, lần lượt tương ứng 104% và 190% so với mức thực hiện của cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, hoạt động kinh doanh của Cao su Đà Nẵng sẽ tăng tốc trở lại khi nhu cầu săm lốp tại các thị trường trọng điểm như Brazil và Mỹ đã có tín hiệu tích cực từ quý 3/2023; trong khi đó, giá nguyên vật liệu đầu vào dự kiến sẽ duy trì ổn định.
Đáng chú ý, Giai đoạn 3 của Nhà máy lốp xe Radial đã chính thức được Cao su Đà Nẵng đưa vào vận hành từ tháng 12/2023 và sẽ hoạt động tối đa công suất từ quý 2/2024, giúp tổng công suất lốp Radial tăng thêm 67%, đạt 1.000.000 lốp/năm. Với xu hướng dịch chuyển từ lốp Bias sang lốp Radial trong nước cùng nhu cầu lốp Radial tại các thị trường xuất khẩu duy trì mức tốt, Cao su Đà Nẵng dự kiến sẽ không gặp trở ngại trong việc tiêu thụ phần công suất lốp Radial tăng thêm, theo đánh giá của hãng chứng khoán Vietcombank (VCBS).
Bên cạnh đó, đơn hàng đối với sản phẩm lốp PCR của Cao su Đà Nẵng đang tăng lên đáng kể trong những quý gần đây. Cao su Đà Nẵng dự kiến sẽ đầu tư thêm máy móc để sản xuất lốp PCR trong quý 1/2024, với công suất lắp đặt khoảng 1 triệu lốp/năm. Suất đầu tư dự kiến sẽ không đáng kể do công ty có thể tận dụng nhà máy có sẵn từ dây chuyền Radial.
Lốp PCR là sản phẩm thuộc phân khúc xe tải nhẹ và xe con, quy mô thị trường gấp khoảng 6 lần so với thị trường xe tải tại Mỹ và gấp 5 lần so với tại Việt Nam. Hiện nay, lốp PCR đang trong giai đoạn thử nghiệm thị trường, tuy nhiên bước đầu khảo sát nhu cầu tại Ấn Độ và Brazil ở mức khả quan và sắp tới công ty sẽ triển khai bán tại thị trường nội địa, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết.
Thị phần của Cao su Đà Nẵng tại Mỹ có thể tăng đáng kể trong thời gian tới, theo BSC Equity Research. Cụ thể, vào ngày 30/11/2023, Mỹ bỏ phiếu tiếp tục điều tra chống bán phá giá lốp TBR Thái Lan và dự kiến kết quả sẽ được công bố vào tháng 03/2024.
Hiện tại, Thái Lan đang chiếm thị phần xuất khẩu lốp TBR vào Mỹ lớn nhất với khoảng 28% tương ứng 6,8 triệu lốp TBR/năm và Việt Nam chiếm 12% thị phần tương đương 5,9 triệu lốp TBR/năm.
Trong kịch bản khả quan, Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá sản phẩm lốp TBR thì sản phẩm lốp TBR của Việt Nam sẽ tăng sức cạnh tranh và tăng được thị phần xuất khẩu. Với vị thế nhà xuất khẩu lốp TBR hàng đầu Việt Nam, Cao su Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi và sản lượng tiêu thụ TBR sẽ tăng trưởng tích cực.