Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) vừa cho biết doanh thu tiêu thụ tháng 1/2024 đạt 523 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây được xem là khởi đầu tích cực với doanh nghiệp dệt may này trong bối cảnh nhiều tổ chức tài chính nhận định triển vọng kinh doanh chung của toàn ngành dệt may Việt Nam trong năm nay sẽ hồi phục dần nhưng chưa thể tăng tốc ngay sau tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài xuyên suốt năm 2023.
Theo đánh giá của SSI Research, triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ và châu Âu.
Đồng quan điểm như trên, Quỹ đầu tư VinaCapital nhận định, hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2024 vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức; trong đó, nhu cầu từ thị trường Mỹ còn yếu sẽ kìm hãm quá trình phục hồi của ngành dệt may.
Quỹ đầu tư VinaCapital dẫn các nguồn tin thị trường cho biết, các đối tác quốc tế đã thông báo cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay, nhưng các đơn hàng này lại được chia nhỏ hoặc ở dưới dạng đơn giao gấp nhiều hơn thay vì kế hoạch nhập hàng trước từ 6 - 12 tháng như trước đây.
Đối với hoạt động kinh doanh của Dệt may TNG, kết thúc năm 2023 vừa qua, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 7.095 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 279 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Dệt may TNG hoàn thành 104,3% mục tiêu doanh thu và 93,3% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Mặc dù mức lợi nhuận thực hiện chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng kết quả này vẫn được xem là điểm sáng trong ngành dệt may khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm sâu từ 20 - 50%. Khoảng 98% doanh thu của Dệt may TNG là đến từ kênh xuất khẩu. Các thị trường trọng điểm của doanh nghiệp này trong năm 2023 là Hoa Kỳ (chiếm 53,17% tổng doanh thu), Liên minh châu Âu (chiếm 22,25%), và Nga (chiếm 6,08%).
Đáng chú ý, doanh thu năm 2023 của Dệt may TNG là mức doanh thu cao nhất lịch sử 45 năm hoạt động của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, Dệt may TNG đã đảm bảo việc làm cho hơn 18.000 lao động với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng, tương đương như năm 2022.
Theo đánh giá mới nhất của BSC Equity Research, Dệt may TNG hiện có triển vọng hồi phục tốt hơn các doanh nghiệp cùng ngành khi thị trường dệt may dần bước vào pha phục hồi trong giai đoạn 2024 - 2025 nhờ doanh nghiệp này đã duy trì được quy mô doanh thu trong giai đoạn khó khăn nhất.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Dệt may TNG đạt 5.251 tỷ đồng, gần như không đổi so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho giảm mạnh 30%, còn hơn 888 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đã tăng 49%, lên hơn 701 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Dệt may TNG giảm gần 7% so với hồi đầu năm, còn 3.390 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn giảm 7%, còn 1.891 tỷ đồng, tương đương 36% tổng nguồn vốn. Dệt may TNG không phát sinh dư nợ vay dài hạn.