Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa diễn ra, cổ đông Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã cổ phiếu: PHR – sàn: HoSE) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 2.604 tỷ đồng, tăng 52% so với mức thực hiện của năm 2022, nhưng mục tiêu tổng lợi nhuận ròng hợp nhất chỉ ở mức 925 tỷ đồng, tương đương như năm ngoái.
Nguồn thu chính của Cao su Phước Hoà hiện đến từ hai mảng chính là: mảng cao su và gỗ, và mảng bất động sản khu công nghiệp.
Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội, ban lãnh đạo Cao su Phước Hoà cho biết việc đặt mục tiêu lợi nhuận ròng năm 2023 đi ngang so với năm 2022 chủ yếu do công ty vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu lao động, thời tiết diễn biến thất thường, năng suất cây trồng không cao, cùng với đó là giá bán mủ cao su vẫn ở mức thấp. Đồng thời, dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 chưa có nhiều khả quan khi người dân các nước tiếp tục thắt chặt chi tiêu trước áp lực của lạm phát.
Để đạt được kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Cao su Phước Hoà cho biết sẽ tăng cường quản lý khai thác các rừng cao su theo các tiêu chuẩn, chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCs/PEFC; áp dụng chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC CoC) cho 3 nhà máy chế biến gỗ; và đàm phán với các khách hàng truyền thống để đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, trong đó, tích cực nâng cao hợp đồng dài hạn.
Đặc biệt, công ty sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý để sớm triển khai đầu tư các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo đúng định hướng và chiến lược phát triển của công ty trong giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phê duyệt và phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh Bình Dương.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, mặc dù hoạt động kinh doanh của Cao su Phước Hoà gặp một số khó khăn trong năm nay nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ được cải thiện nhờ việc ghi nhận lợi nhuận từ dự án Khu công nghiệp VSIP 3 và Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3, đều tại tỉnh Bình Dương.
Trong đó, Khu công nghiệp VSIP 3 sẽ ghi nhận doanh thu từ việc cho Tập đoàn LEGO thuê đất; Cao su Phước Hoà sẽ có 20% lợi nhuận từ dự án này và có 20% vốn góp tại VSIP 3. Đối với Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3, dự án này mới được cấp phép cho thuê và dự kiến sẽ triển khai cho thuê từ cuối năm nay.
Trong trung và dài hạn, động lực tăng trưởng của Cao su Phước Hoà sẽ đến từ các dự án khu công nghiệp mới, có thời gian thực hiện gối đầu nhau. Cụ thể, diện tích đất cho thuê còn lại của Khu công nghiệp Tân Bình thuộc Cao su Phước Hoà hiện còn khoảng 34 ha, tỷ lệ lấp đầy 86%. Công ty đang triển khai các dự án khu công nghiệp mới như Tân Lập 1 (200 ha) và Tân Bình mở rộng (1.000 ha); hai dự án này dự kiến sẽ đi vào triển khai giai đoạn 2024 - 2025.
Bên cạnh đó, Cao su Phước Hoà cũng đang thành lập mới 3 khu công nghiệp, gồm Hội Nghĩa (715 ha), Bình Mỹ (1.000 ha), và Tân Thành (316 ha). Đáng chú ý, giá thuê đất khu công nghiệp đang có xu hướng tiếp tục tăng và nhu cầu đầu tư tại Bình Dương được nhận định ở mức cao.
Cũng tại Đại hội, cổ đông Cao su Phước Hoà thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2022 ở mức 59,50%/vốn điều lệ. Trong đó, đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 40%/vốn điều lệ, phần cổ tức còn lại chưa phân phối là 19,50%/vốn điều lệ. Cổ tức năm 2023 dự kiến sẽ được chia bằng tiền với tỷ lệ tối thiểu 30%/mệnh giá.
Cao su Phước Hoà hiện là một trong những doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn từ 30 – 40%/năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/7, giá cổ phiếu PHR của Cao su Phước Hoà đạt 47.400 đồng/cổ phiếu.