Hỗ trợ và kết nối để doanh nghiệp thích ứng được với sự thay đổi của thị trường và công nghệ

Trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tăng cường các hoạt động hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam học được những kỹ năng cần thiết để nhanh chóng thích ứng được với sự thay đổi của thị trường và công nghệ - hai yếu tố chính luôn biến động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Suy giảm tổng cầu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham quan nhà máy sản xuất của Công ty Honda Việt Nam. Ảnh: Báo chinhphu.vn

Khuyến khích phát triển công nghiệp nền tảng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo thường đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm 2,1% (cùng kỳ tăng 8,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm ở 11 địa phương trên cả nước, trong đó có những địa phương là trọng điểm sản xuất của cả nước.

Tuy nhiên, nhìn trên dòng thời gian, sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, chỉ số IIP tháng 4 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng trong tháng 4 đã kéo chậm đà suy giảm của 4 tháng đầu năm. Nếu chỉ số IIP quý I giảm 2,2%, đến 4 tháng đầu năm chỉ còn giảm 1,8%.

Tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp là kết quả trực tiếp từ chính sách phát triển công nghiệp nền tảng và triển khai các hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI mà Bộ Công Thương kiên trì theo đuổi trong những năm qua. Điều này thể hiện rất rõ trong Chương trình hành động của thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP các năm 2022, 2023.

Trong bối cảnh suy giảm tổng cầu thế giới, bám sát các chỉ đạo tại Nghị quyết 01, năm 2023, Bộ Công Thương đang hoàn thiện các thể chế về phát triển công nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phù hợp phục vụ cho sản xuất.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, Bộ Công Thương luôn cổ vũ, động viên và có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những ngành công nghiệp nền tảng. Phát biểu trong cuộc thăm và làm việc với An Phát Holdings - một tập đoàn sản xuất công nghiệp với 17 công ty thành viên, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tại hơn 50 thị trường xuất khẩu - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá An Phát là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện những định hướng chiến lược ngành Công Thương, tập trung phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ và tiến tới là công nghiệp vật liệu, công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế tạo - 3 trong 6 ngành công nghiệp có tính chất nền tảng hiện nay.

Bộ trưởng cũng khuyến khích An Phát Holding xây dựng một chiến lược mới phù hợp hơn, tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ thông qua đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến phát triển các sản phẩm nguyên liệu, linh kiện cho ngành công nghiệp chế tạo, cơ khí, điện tử bên cạnh các sản phẩm tiêu dùng thế mạnh như hiện nay. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời trong quá trình thực hiện ý tưởng và chiến lược phát triển của An Phát Holdings.

Trong các cuộc làm việc với đối tác quốc tế, như buổi tiếp và làm việc với ngài Marc E. Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Ann Måwe, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, ngài Jozef Sikela Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc, ngài Sandeep Arya, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, Đại sứ Katherine Tai - Trưởng Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ngài Philipp Rösler - Nguyên Phó Thủ tướng Đức, nguyên Giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới và Đoàn doanh nghiệp từ CHLB… Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đều mời gọi các đối tác thông qua hợp tác đầu tư hoặc kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, luyện kim, hóa chất.. Đồng thời, các bên phối hợp chặt chẽ để chống đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực và trên thế giới.

Suy giảm tổng cầu

Kết nối với tập đoàn đa quốc gia

Nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng chuỗi giá trị, thời gian qua Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Samsung, Toyota triển khai các chương trình hợp tác nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Là doanh nghiệp tham gia vào Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương với Samsung trong đào tạo chuyên gia tư vấn lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, Công ty Cơ khí Nhật Long đã có những  sản phẩm được các doanh nghiệp lớn đặt hàng. Là doanh nghiệp nhỏ, nhưng các sản phẩm về linh kiện phụ tùng của Công ty đã vươn xa sang Hàn Quốc, Nhật Bản và cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Tương tự, chỉ riêng 3 công ty là nhà cung ứng cấp I cung cấp linh kiện, sản phẩm cho các nhà máy khác nhau của Samsung gồm: Công ty sản xuất và XNK Bao bì Thăng Long (3 nhà máy), Công ty TNHH Nam Á (2 nhà máy), Công ty Thương mại cơ khí và ứng dụng công nghệ thông minh Việt Nam (Smart Tech Vina) (2 nhà máy) đã có tổng doanh thu cấp cho Samsung tính đến cuối năm 2022 đạt hơn  trên 100 triệu USD.

Sự hợp tác Bộ Công Thương - Toyota Việt Nam trong những chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng đem lại những kết quả khả quan. Trong 6 tháng triển khai, các doanh nghiệp tham gia Dự án đã được tư vấn, cải tiến trong nhiều lĩnh vực như cải tiến hiện trường nhà máy, sắp xếp dòng chảy sản xuất loại bỏ lãng phí, lắp đặt thiết bị tự động phục vụ dây chuyền sản xuất… giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng năng suất cũng như cải thiện môi trường làm việc của người lao động.

Các chương trình hợp tác của Bộ Công Thương với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, mà thông qua đó, doanh nghiệp Việt Nam học được những kỹ năng cần thiết để nhanh chóng thích ứng được với sự thay đổi của thị trường và công nghệ - hai yếu tố chính luôn biến động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyễn Văn