Chính thức ban hành cơ chế mới, điện mặt trời tiếp tục được hỗ trợ giá bán

Đáng chú ý, trong cơ chế mới đã mở rộng phạm vi người mua và người bán điện mặt trời mái nhà, so với Quyết định 11 về điện mặt trời trước đó.

Ngày 06 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng tiếp theo Quyết định 11.

Theo đó, đối với các dự án hoặc phần dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019, và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020:

Giá bán điện tương đương 7,09 UScent/kWh đối với các dự án điện mặt trời nối lưới mặt đất.

Giá bán điện tương đương 7,69 UScent/kWh đối với các dự án điện mặt trời nối lưới nổi.

Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Riêng đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện mặt trời là 2.086 đồng (tương đương 9,35 UScents/kWh), áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW.

Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Giá bán điện nối lưới mặt đất là 7,09 UScent/kWh và giá bán điện nối lưới nổi là 7,69 UScent/kWh
Giá bán điện nối lưới mặt đất là 7,09 UScent/kWh và giá bán điện nối lưới nổi là 7,69 UScent/kWh, riêng các dự án của Ninh Thuận được áp dụng giá 2.086 đồng (9,35 UScent/kWh)

Đối với điện mặt trời mái nhà, được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc tổ chức, các nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của EVN.

Giá bán điện mặt trời mái nhà cho EVN tương đương 8,38 UScent/kWh, áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện.

Trường hợp Bên mua điện không phải là EVN hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền, giá mua điện và hợp đồng mua điện do các bên thỏa thuận phù hợp quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, phạm vi của người mua và người bán đều đã mở rộng hơn so với Quy định tại Quyết định 11. Người mua có thể là EVN hoặc không phải là EVN. Người bán có thể là chủ mái hoặc không phải là chủ mái công trình.

Quy định này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trong thời gian tới góp phần tăng nguồn cung cấp điện tại chỗ, giảm tổn thất hệ thống truyền tải và phân phối.

Quy định về hiệu suất tế bào quang điện và tấm quang điện (tối thiểu là 16% và 15%) vẫn được duy trì như quy định tại Quyết định 11. Trên thực tế, các dự án điện mặt trời quy mô lớn ngày càng có hiệu suất cao dần lên so với quy định hiệu suất tối thiểu, hiệu suất cao hơn mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho chủ đầu tư.

Sau năm 2020, các dự án điện mặt trời nối lưới sẽ áp dụng cơ chế lựa chọn cạnh tranh nhằm phát triển điện mặt trời với chi phí cạnh tranh, bám sát xu hướng phát triển của thị trường công nghệ và giá thiết bị trên thế giới.

Thy Thảo