Chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình mới: Cần sự chung tay quyết liệt hơn nữa

Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng; nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp và tăng cường sự tham gia của người dân trong việc nhận diện, tố giác các hành vi vi phạm.

Đây là ý kiến chung của các khách mời, chuyên gia tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại" do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng ngày 28/7/2022.

“Nóng” trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại

Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 30.000 vụ việc vi phạm được các lực lượng quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra, xử lý; hơn 17.300 vụ vi phạm; phạt vi phạm hành chính trên 113 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ việc. Trong đó nổi cộm là các vụ buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, những hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch giảm mạnh. Tuy nhiên, nhóm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm lại có xu hướng gia tăng về cả số vụ và trị giá hàng hóa tịch thu. Nhóm mặt hàng vi phạm chủ yếu do lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý là thuốc lá điếu, thực phẩm (đường cát), mỹ phẩm, phân bón, đồ may mặc, đồ chơi trẻ em…

Đáng chú ý, thời tiết chuyển mùa nắng nóng cũng là lúc nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đường, thuốc lá, bia, nước giải khát tăng cao. Việc trở lại hoạt động bình thường các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống kéo theo các vi phạm liên quan đến sử dụng nguyên liệu (thực phẩm) như mỡ, nội tạng và sản phẩm động vật khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm để chế biến thức ăn diễn biến phức tạp.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết: 6 tháng đầu năm nay, tốc độ cũng như quy mô của hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng và đặc biệt là môi trường để cho hàng giả đưa vào lưu thông trở nên dễ dàng.

Ví dụ việc mua bán, trao đổi trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử làm cho việc thông tin về hàng giả cũng như hàng giả dễ dàng được đặt hàng trao đổi hơn, hàng giả bây giờ thậm chí được vận chuyển một cách tương đối công khai do lợi dụng việc chuyển phát của các hãng chuyển phát công khai chính thức, điều này làm cho các lực lượng chức năng rất khó đối phó”, ông Linh chia sẻ.

Linh QLTT
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)

Nhiều hành vi vi phạm mới, tinh vi và phức tạp hơn

Chia sẻ rõ hơn về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT), ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin: Trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, có thể nói thương mại điện tử như là một chiếc phao cứu sinh cho các doanh nghiệp để tồn tại được qua mùa đại dịch và tốc độ phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua từ 25 đến 30%. Tuy nhiên khi mà giá trị giao dịch cũng như số lượng giao dịch gia tăng thì phát sinh cũng đi kèm.

"Những vấn đề hàng giả, hàng nhái cũng như những vấn đề lừa đảo trên môi trường trực tuyến xảy ra do đặc thù của thương mại điện tử là người mua, người bán không gặp nhau nên những hành vi vi phạm trong thương mại điện tử cũng có xu hướng gia tăng, đặc biệt là có những hành vi mới, những thủ đoạn tinh vi hơn, phức tạp hơn", ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cho hay, hiện những hiện tượng mới, tinh vi như: Các đối tượng đăng thông tin hoặc livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho ở một nơi; bán hàng qua các trung gian ở rất nhiều các tỉnh, thành phố khác nhau; các đối tượng thỏa thuận với nhau trên các nhóm mạng xã hội kín sau đó đưa bán trên các sàn TMĐT để lợi dụng dịch vụ vận chuyển của sàn giao hàng rồi xóa dấu vết giao dịch trên sàn… diễn ra phổ biến.

Tuan - TMĐT&KTS
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)

TS.Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh; Trưởng Ban Luật Dân sự, Viện Nghiên cứu Pháp luật Bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng nhận định: Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin thì rõ ràng việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái diễn ra trên mọi mặt trận, phức tạp, tinh vi hơn.

Một bộ phận người tiêu dùng “tiếp tay” cho gian lận thương mại

Lý giải cho việc dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại nhưng tình trạng này vẫn rất nhức nhối, các chuyên gia cho rằng cho nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu hiểu biết, thiếu hợp tác của một bộ phận doanh nghiệp bị xâm phạm quyền lợi và cả sự “tiếp tay” của một bộ phận người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, trên thực tế có không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khi sản xuất ra các sản phẩm, không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, do đó khi xảy ra việc quyền lợi của doanh nghiệp với sản phẩm bị xâm phạm thì không có căn cứ để các cơ quan thực thi pháp luật xử lý những đối tượng vi phạm.

Bên cạnh đó, theo ông Sinh, một số doanh nghiệp còn e ngại việc hợp tác với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý những hành vi vi phạm bởi tâm lý sợ thông tin sản phẩm của mình bị làm giả nhiều thì doanh nghiệp, sản phẩm mất uy tín.

Ví dụ như sản phẩm đồ thực phẩm hoặc là rượu, bia, nước giải khát..., các doanh nghiệp sợ làm lớn chuyện lên sẽ bị người tiêu dùng cho rằng sản phẩm giả nhiều quá, doanh thu bị sụt giảm”, ông Sinh cho hay.

Sinh - HH chong hang gia
Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP)

Trong khi đó, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh: Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng thu nhập còn thấp nhưng sở thích, tâm lý lại muốn dùng hàng có thương hiệu, thậm chí là thương hiệu nổi tiếng thế giới nên dù biết là hàng giả nhưng vẫn mua với giá rẻ. Do vậy hiển nhiên dẫn đến việc còn tiếp tục có hiện tượng kinh doanh, mua bán những hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Đồng nhận định này, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng: Đôi khi người tiêu dùng biết là hàng giả, hàng nhái nhưng do chuộng thương hiệu đó và vẫn muốn sử dụng vì giá rẻ, vô tình đã tiếp tay cho việc hàng giả, hàng nhái gia tăng. Hoặc là khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng không xem xét những đánh giá của người tiêu dùng trước về sản phẩm đó, mức độ uy tín của doanh nghiệp đó trên thị trường, do vậy mà vô tình có thể mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cuộc chiến lâu dài, không của riêng ai

Thực tế cho thấy mặt trận ngăn chặn vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại diễn ra rất quy mô, phức tạp và tinh vi. Để phòng chống hay xử lý vấn đề này cần tiếp cận ở tất cả những khía cạnh cũng như chủ thể liên quan.

Trước hết đối với công tác quản lý nhà nước, theo ông Trần Hữu Linh, đi đầu vẫn phải có một chế tài đủ mạnh và đủ sức răn đe. Trong những năm vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tập trung công sức sửa đổi, bổ sung những quy định pháp lý, những chế tài xử lý vi phạm đối hàng giả đều là kịch khung; có những mức xử phạt rất cao đối với cá nhân và doanh nghiệp vi phạm. Riêng với QLTT, phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận trên môi trường TMĐT là hai nội dung được toàn bộ lực lượng QLTT đặt trọng tâm một cách đặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý trong thời gian qua.

Ông Linh cho biết: Nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương và cụ thể Tổng cục QLTT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ 3 đề án rất quan trọng tập trung vào công tác chống hàng giả. Thứ nhất là đề án về xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm để có thể chống hàng giả, hàng nhái một cách căn cơ, tận gốc, dự án này dự kiến sẽ trình Chính phủ trong năm nay. Thứ hai là đề án chống gian lận thương mại trên môi trường TMĐT và thứ ba là đề án nâng cao năng lực thực thi cho lực lượng quản lý thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn thông tin thêm: Ngay từ giai đoạn 2018 - 2020, Bộ Công Thương đã ban hành và triển khai kế hoạch tăng cường công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử, trong đó chủ công là Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã phát hiện rất nhiều những vụ việc liên quan đến mua bán hàng giả trên môi trường TMĐT.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng nếu chỉ có Bộ Công Thương thì sẽ không thể nào đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại được mà phải có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan chức năng. Đặc biệt là đặc thù của môi trường TMĐT có sự giao thoa và đan xen giữa rất nhiều các ngành, các lĩnh vực khác nhau. Những vấn đề liên quan đến về nội dung giao dịch, về quản lý các tên miền thì có vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông. Vấn đề đấu tranh thực thi pháp luật thì có vai trò của Tổng cục QLTT cũng như cơ quan công an; đối với việc quản lý hàng hóa tại các cửa khẩu thì có vai trò của lực lượng hải quan và liên quan đến lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng.... Chính vì vậy mà phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng mới giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái tương đối triệt để.

Từ góc độ luật pháp, TS.Bùi Kim Hiếu nhận định: Vấn đề đặt ra là cần phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và khi phát hiện ra các hành vi vi phạm thì phải áp dụng các chế tài hành chính, thậm chí là chế tài nghiêm khắc nhất là hình sự đối với các hành vi vi phạm để có cái tính chất giáo dục, răn đe, mang tính chất phòng ngừa chung cho những cái cái chủ thể khác.

Đương nhiên trong quá trình hoạt động thì cũng phải có sự phối kết hợp của chính quyền địa phương, của cảnh sát kinh tế và quản lý thị trường. Đây là những chủ thể mà trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thể hiện được vai trò kiểm tra, giám sát, như vậy sẽ có tính răn đe”, TS.Hiếu khẳng định.

TS.Bui Kim Hieu
TS.Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh; Trưởng Ban Luật Dân sự, Viện Nghiên cứu Pháp luật Bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Doanh nghiệp cần chủ động tự bảo vệ mình

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Sinh cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng với các doanh nghiệp để có những giải pháp chống hàng giả, hàng nhái. Trước tiên là tuyên truyền các doanh nghiệp phải tự bảo vệ lấy mình, bằng cách khi sản xuất ra các sản phẩm thì phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, ví dụ như đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ về các sản phẩm của mình.

Khi đã được cơ quan quản lý nhà nước công nhận sản phẩm để các cơ quan thực thi pháp luật căn cứ xử lý những hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bị xâm phạm quyền lợi, bị làm giả sản phẩm cần có tinh thần chủ động, hợp tác phối hợp hơn nữa với các cơ quan chức năng để kịp thời, triệt để ngăn chăn và xử lý những hành vi vi phạm.

Đồng tình với ý kiến của Lãnh đạo Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam rằng doanh nghiệp cần chủ động tự bảo vệ mình giữa vấn nạn hàng giả, hàng nhái, ông Phạm Quốc Lộc - Thành viên Ban lãnh đạo Công ty TNHH URC Việt Nam, Giám đốc Nhà máy URC Hà Nội cho biết: Vấn nạn hàng giả, hàng nhái làm lệch lạc, giảm uy tín của doanh nghiệp và đối tác, đồng thời xâm phạm quyền lợi của khách hàng mua phải những hàng giả, hàng nhái.

Để bảo vệ thương hiệu của mình trên thị trường, URC Việt Nam luôn cập nhật, đăng tải những thông tin chi tiết về sản phẩm của công ty trên website chính thức giúp khách hàng dễ dàng nhận biết được sản phẩm chính hãng. Thứ hai, thông qua những kênh truyền thông như hotline, fanpage, website của công ty công ty tiếp nhận được những phản hồi của khách hàng về sản phẩm, từ đó xác định được những khách hàng đã mua phải sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Công ty cũng đẩy mạnh những chiến dịch truyền thông giới thiệu, phổ biến thiết kế về bao bì, mẫu mã, tên gọi của từng sản phẩm do công ty URC sản xuất.

Đối với những kênh phân phối, Công ty cũng hướng dẫn cách xác định được hàng giả, hàng nhái nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như của nhà phân phối. Nhân viên phân phối phải sát sao với thị trường để phát hiện kịp thời những hàng giả, hàng nhái để công ty báo cáo với các cơ quan chức năng khi phát hiện ra những nhãn hiệu bao bì của Công ty có dấu hiệu bị xâm phạm để cùng các cơ quan quản lý nhà nước có hướng xử lý và hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, nhà phân phối và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về công nghệ, Công ty áp dụng công nghệ hiện đại trong khâu truy vết nguồn gốc để khách hàng dễ dàng phát hiện và phân biệt giữa sản phẩm thật của Công ty URC với sản phẩm bị làm nhái trong quá trình lựa chọn mua sắm. Công ty cũng áp dụng những công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất bao bì, nhãn mác để làm sao đối tượng dù muốn cũng rất khó làm giả sản phẩm của chúng tôi trong một thời gian ngắn...”, ông Lộc cho hay.

Loc URC Vietnam
Ông Phạm Quốc Lộc - Thành viên Ban lãnh đạo Công ty TNHH URC Việt Nam, Giám đốc Nhà máy URC Hà Nội

Nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan

Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ chính sách pháp chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật liên quan đến ngăn chặn, xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái, các chuyên gia lưu ý cần chú trọng nhóm giải pháp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tất cả các chủ thể liên quan.

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật về TMĐT và các kỹ thuật nghiệp vụ liên quan đến đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, chỉ khi có năng lực trình độ đáp ứng mới có thể đối phó hiệu quả với những hành vi vi phạm.

Thứ hai, phải tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp không nên coi việc đấu tranh chống hàng giả là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà phải nhận thức đấy cũng chính là nhiệm vụ của chính bản thân doanh nghiệp.

Thứ ba, đặc biệt cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi tham gia mua sắm hàng hóa cũng như tinh thần chủ động tố giác tội phạm, những hành vi vi phạm.

Theo ông Trần Hữu Linh, để thay đổi thói quen của một bộ phận người tiêu dùng trong việc lựa chọn sử dụng hàng giả thương hiệu với giá rẻ là rất khó, phải mất thời gian, do đó công tác tuyên truyền, vận động đến gần 100 triệu người tiêu dùng trên cả đất nước để kiên quyết không thỏa hiệp với việc sử dụng hàng giả là công tác rất quan trọng.

"Nhưng truyền thông phải đa dạng hóa nhiều hình thức để cho người dân, người tiêu dùng dễ tiếp cận, dễ tiếp thu, phải rất cụ thể để giúp người dân biết cách phòng tránh, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng biết địa chỉ mua được những sản phẩm thật... đây là những vấn đề rất là quan trọng trong thời gian tới để có thể đấu tranh hiệu quả hơn trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái”, ông Linh nhấn mạnh.

toa dam chong hang gia

Rõ ràng, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn còn là một cuộc chiến lâu dài và sẽ cần đến sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, đặc biệt là siết chặt các chế tài xử lý vi phạm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, của người dân.

Về phần mình, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức của mình hơn nữa, nắm chắc quyền và nghĩa vụ của mình để chủ động xây dựng được những biện pháp chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu của chúng ta.

Việt Hằng