Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội: Kết quả và định hướng phát triển trong thời gian tới

Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) là hoạt động hỗ trợ phát triển của thành phố Hà Nội đã có từ trên 5 năm nay. Cơ sở khoa học của chương trình này là quy luật phát triển mộ
Nội dung chính của chương trình phát triển SPCNCL Hà Nội là đánh giá, xét chọn đúng các sản phẩm công nghiệp có nhiều lợi thế so sánh. Sau đó tập trung hỗ trợ phát triển chúng, nhằm tạo ra đột phá mới, thúc đẩy toàn ngành Công nghiệp phát triển. 

Quan điểm phát triển công nghiệp thông qua các SPCNCL đã sớm hình thành và được nhấn mạnh trong đường lối, chính sách phát triển Thủ đô qua các thời kỳ. Ngay từ Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị năm 2000 về phát triển Thủ đô giai đoạn 2001-2010 đã vạch ra yêu cầu: “Phát triển công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành hàng và sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, ưu tiên vào một số sản phẩm công nghiệp chủ lực thuộc các ngành điện - điện tử, tin học; cơ - kim khí; dệt – may - da giầy; chế biến thực phẩm; vật liệu mới”. Pháp lệnh Thủ đô năm 2005 cũng xác định: “Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm mới, có hiệu quả kinh tế, có sức cạnh tranh, ít gây ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh hàng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu”. Trên cơ sở đó, từ năm 2005, UBND thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa phát triển SPCNCL bằng các quyết định cụ thể về kế hoạch triển khai, qui chế đánh giá, qui chế xét chọn và qui chế hỗ trợ,… Văn bản gần đây nhất của UBND thành phố Hà Nội vừa được rà soát điểu chỉnh lại là Quyết định 75/2009/QĐ-UBND, ngày 29/5/2009 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quy chế đánh giá, xét chọn và hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội. Văn bản này đã đưa ra 4 nhóm chính sách hỗ trợ trong các lĩnh vực đất đai; tài chính; xúc tiến thương mại; nghiên cứu khoa học công nghệ, đồng thời qui định việc bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm cho phát triển SPCNCL. 

Với trên 5.000 doanh nghiệp (DN) thuộc 22 nhóm ngành, Công nghiệp Hà Nội đã hình thành và tạo phân khúc khá rõ các ngành và sản phẩm thế mạnh gắn với tên tuổi các DN cụ thể. Có tới trên 80% kết quả sản xuất toàn ngành công nghiệp Hà Nội là do tốp 20% DN đứng trên trong bảng tổng sắp tạo ra. Trong 5 năm trở lại đây, tốp 20% các DN đứng trên đã đạt tăng trưởng gấp 3 lần so với tốp 80% số DN còn lại. Đây là thuận lợi để Hà Nội nắm bắt và lựa chọn các SPCNCL cho phát triển ngành Công nghiệp.
Đến năm 2010, Hà Nội đã xét chọn và công nhận được 53 SPCNCL gắn với 47 DN. Cùng với việc xét chọn, Thành phố Hà Nội đã có những hoạt động hỗ trợ khá cụ thể cho các DN tham gia SPCNCL. Về mặt đất đai: Phần lớn các DN này đã được bố trí mặt bằng, bố trí di rời, bố trí mở rộng mặt bằng sản xuất tại các khu cụm công nghiệp của Thành phố. Về xúc tiến thương mại: Các DN sản xuất SPCNCL được hưởng ưu đãi khi tham gia Hội chợ triển lãm do Thành phố tổ chức, được cung cấp thông tin, tham dự hội thảo giao thương, các khóa đào tạo miễn phí. Một số DN được hỗ trợ một phần kinh phí đi khảo sát hợp tác với nước ngoài. Các DN sản xuất SPCNCL cũng được Thành phố thông tin tuyên truyền với thời lượng lớn trên truyền hình, báo chí, trang Web của Sở Công Thương,… 

Các SPCNCL Hà Nội được lựa chọn như máy biến thế, nhà thép tiền chế, cửa nhựa nhôm hợp kim lõi thép, dây và cáp điện, máy tính, vải tuyn, bia, sữa, sơ mi xuất khẩu, ô tô, xe máy,… đã nằm trong nhóm sản phẩm dẫn đầu cả nước, có sức cạnh tranh lớn và uy tín thương hiệu cao. Các DN có SPCNCL như Tổng Cty rượu – Bia - Nước giải khát Hà Nội, Dệt 10/10, Xuân Kiên, Xuân Lộc Thọ, T&T, CMS, Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa, Cơ điện Trần Phú, Cáp điện Thượng Đình, Cửa số nhựa Châu Âu, Nhà thép tiền chế Zamin,…cũng đã có tên trong Bảng tổng sắp 500 DN lớn nhất Việt Nam. Nhiều DN sản xuất SPCNCL đã tiên phong, tạo ra bước đột phá về công nghệ như: Ứng dụng công nghệ thiết kế bằng máy quét và phần mềm 3D trong sản xuất khuôn mẫu; Ứng dụng công nghệ robots trong công nghệ hàn, cắt, dập cơ khí; Ứng dụng thiết bị kiểm định công nghệ cao trong ngành sản xuất sơn công nghiệp, gia công cơ khí chính xác, thực phẩm,... Nhìn chung, các DN sản xuất SPCNCL được Thành phố công nhận cũng là các DN có giá trị sản xuất lớn, mức tăng trưởng cao, thực sự đóng vai trò đầu tầu, góp phần quan trọng tạo nên sự tăng trưởng của toàn ngành Công nghiệp. Các DN này cũng là các DN tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng nhiều đến nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đời sống của người lao động được bảo đảm, có thu nhập khá; chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Sở Công Thương Hà Nội đang đánh giá tổng kết lại chương trình phát triển SPCNCL của Thành phố giai đoạn 2005-2010 và đề ra nội dung cho giai đoạn 2011-2015. Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ Thành phố năm 2010 đã đề ra các định hướng mới, là: “Hướng mạnh vào kinh tế tri thức, phát triển công nghiệp trình độ công nghệ và hàm lượng chất xám cao, giảm thiểu thấp nhất ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững, gắn với xây dựng Hà Nội xanh sạch đẹp”. Đây là căn cứ rất quan trọng để Hà Nội lựa chọn và hỗ trợ cho phát triển SPCNCL trong bối cảnh mới của nền kinh tế hội nhập. Việc lựa chọn SPCNCL theo các tiêu chí về tăng trưởng, qui mô, năng suất, chất lượng, trình độ công nghệ, bảo vệ môi trường, hiệu quả, khả năng thúc đẩy các ngành kinh tế khác,… sẽ phải được xem xét dựa trên những yêu cầu mới mà Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố đã đề ra. 

Yêu cầu mới cũng tạo ra những thách thức mới. Theo đó, sẽ có đòi hỏi cao hơn đối với SPCNCL của Hà Nội khi đánh giá, xét chọn. Chẳng hạn, trong nhóm sản phẩm dây và cáp điện, sẽ ưu tiên cho các sản phẩm cao cấp như dây điện cho ô tô xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong nhóm sản phẩm cơ khí chính xác, sẽ ưu tiên cho sản phẩm có độ khó, độ chính xác và phức tạp như chế tạo các loại khuôn mẫu kích thước lớn cho ngành công nghiệp ô tô và xe máy. Trong nhóm sản phẩm ô tô, sẽ ưu tiên cho dòng xe con có tỷ lệ nội địa hóa cao thay cho các dòng xe tải thông thường. Các sản phẩm sơn xây dựng sẽ ưu tiên cho dòng sản phẩm công nghệ nano… Cũng như vậy, yêu cầu về bảo vệ môi trường sẽ phải đạt được tiêu chuẩn cao hơn. Ví dụ, trong nhóm sản phẩm bia, sẽ yêu cầu xử lý nước thải phải đạt tiêu chuẩn Việt Nam loại A, thay cho loại B trước đây. Một số sản phẩm công nghệ cao, mang tính dẫn đường như chế tạo máy gia công CNC, chế tạo robot công nghiệp,… cũng sẽ được ưu tiên. Bên cạnh đó, Chương trình phát triển SPCNCL của Thành phố sẽ được lồng ghép, phối hợp đồng bộ hơn với các chương trình hỗ trợ khác như: Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”; Chương trình “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”; Chương trình “Sản xuất sạch hơn”,… để đạt được hiệu quả cao hơn.