Chuyện bình ổn giá cả thời kháng chiến chống Pháp

Bộ Kinh tế (nay là Bộ Công Thương) đề xuất nhiều chính sách, giải quyết được vấn đề điều hòa thị trường được xem là một thắng lợi lớn không chỉ về mặt kinh tế mà cả về chính trị trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Thông qua việc bình ổn giá, nhân dân ngày càng thêm tin tưởng vào Đảng và Chính phủ, góp phần củng cố vững chắc nền kinh tế vùng tự do.
Bình ổn giá cả
Ngay cả khi chiến dịch Điện Biên Phủ triển khai, nhu cầu hàng hóa và chi tiêu tập trung rất lớn trên một số địa bàn tại Việt Bắc, nhưng tình trạng đột biến giá không xảy ra. (Ảnh minh hoạ từ báo điện tử Quân khu IV: Đoàn xe thồ Thanh Hóa phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ)

Cơ sở tính giá

Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010” xuất phát từ các yêu cầu thực tế trong điều kiện chiến tranh khiến việc điều tra, nghiên cứu yếu tố hình thành giá trên thị trường bị hạn chế, Bộ Kinh tế (nay là Bộ Công Thương) đề xuất lấy giá lúa gạo làm cơ sở tính giá do hoạt động nông nghiệp vẫn chiếm chủ đạo trong nền kinh tế vùng tự do, đa số người dân vẫn là nông dân với sản phẩm chính là lúa gạo; nguồn thu nhập và sức mua của nông dân chủ yếu là từ tiền bán lúa gạo. Bộ Kinh tế cũng điều chỉnh giá một số loại nông sản cần thiết để khuyến khích nông dân đẩy mạnh canh tác như bông, mía đường…

Đối với giá hàng công nghiệp tiêu dùng, Bộ Kinh tế tham khảo các quan hệ giá giữa những loại hàng công nghiệp thiết yếu nhất so với giá gạo. Đồng thời, có những điều chỉnh phù hợp để cải thiện đời sống người nông dân. Mức giá gạo được dùng làm cơ sở để xác định giá các loại hàng công nghiệp tiêu dùng là mức giá trên thị trường vùng tự do Việt Bắc lúc này.

Đối với các loại lâm thổ sản chuyên xuất khẩu, việc định giá thu mua căn cứ vào giá xuất khẩu để khuyến khích nhân dân đẩy mạnh sản xuất, khai thác và khuyến khích thương nhân tham gia thu mua, xuất khẩu.

Mức giá cụ thể của một số mặt hàng thiết yếu được dùng làm cơ sở để bình ổn vật giá lúc này như sau: Gạo: 400 đồng/kg; Vải diềm bâu: 1.600 đồng/mét; Dầu hỏa: 1.200 đồng/lít.

Các mức giá cũng được tính toán để duy trì chênh lệch giá ở mức hợp lý giữa các vùng và giữa giá bán buôn với giá bán lẻ nhằm dành cho thương nhân một mức lãi thích đáng, khuyến khích họ mở rộng giao thương, khơi thông các luồng hàng quan trọng và đẩy mạnh việc phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng. Các mức chênh lệnh giá này được Bộ Kinh tế tính toán cẩn thận dựa theo từng loại hàng, tính chất hàng, mức độ khó khăn trong vận chuyển, trong thu mua… nhằm tránh cho người tiêu dùng phải chi trả quá cao.

Chính sách giá mới này đã phát huy tác dụng, hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất tiểu thủ công nghiệp diễn ra ổn định tại vùng tự do. Đời sống của người nông dân được cải thiện hơn khi chênh lệch giữa giá nông sản và giá hàng công nghiệp tiêu dùng được thu hẹp về mức hợp lý hơn. Nhiều luồng hàng muối, vải, gạo… từ Liên khu IV, Liên khu III lên Việt Bắc, luồng hàng lâm thổ sản từ Việt Bắc về Liên khu III hay ra các cửa khẩu được khơi thông và phát triển nhộn nhịp.

Tận dụng mạng lưới thương nhân

Song song với việc xây dựng chính sách bình ổn giá cả, Bộ Kinh tế xây dựng các giải pháp chống đột biến giá, điều hòa thị trường thông qua hệ thống mậu dịch quốc doanh. Phương châm hoạt động của Sở Mậu dịch trong thời kỳ này là “nắm hàng chính, nắm thị trường chính, nắm bán buôn là chính”, tận dụng mạng lưới thương nhân để điều hòa giá trên toàn thị trường.

Thương nhân được tổ chức thành các tổ, nhóm. Cán bộ mậu dịch sinh hoạt thường kỳ để cung cấp các thông tin quân sự, kinh tế, chính trị mới, nhằm định hướng, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của họ, cũng như lắng nghe ý kiến phản ánh của thương nhân về chính sách và thu thập các thông tin thị trường thực tế.

Ngoài mặt hàng gạo, muối và chất đốt, Sở Mậu dịch gần như không bán lẻ trực tiếp đại trà các loại hàng hóa cho nhân dân, mà chỉ tập trung cung ứng hàng hóa cho các đơn vị nhà nước, bán buôn hàng hóa cho thương nhân để thương nhân trực tiếp phân phối cho người tiêu dùng với mức chênh lệch giá hợp lý.

Bên cạnh đó, Sở Mậu dịch đứng ra thu mua trong nhân dân các loại hàng hóa mà thương nhân cần cho kinh doanh tại vùng tạm bị địch chiếm. Thông qua đó, Sở Mậu dịch điều hòa thị trường, điều chỉnh hoạt động của thương nhân phù hợp với định hướng của Nhà nước, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế vùng tự do.

Dự trữ hàng hoá

Sở Mậu dịch chủ động dự trữ những mặt hàng chính, thiết yếu nhằm xử lý tình trạng mất cân đối tạm thời, đặc biệt là đối với mặt hàng gạo và muối. Lực lượng mậu dịch được giao nhiệm vụ dự trữ lúa gạo theo tình hình cung - cầu, tình hình canh tác của các địa phương, gom mua khi vào vụ thu hoạch và bán ra khi vào thời điểm giáp hạt, bố trí kế hoạch vận chuyển để sẵn sàng bổ sung hàng cho những nơi có nhu cầu tăng đột xuất. Với những biện pháp trên, từ năm 1952, ta đã nhanh chóng khắc phục được những vụ đột biến giá gạo xảy ra ở một số nơi như Phú Thọ, Thanh Hóa và Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, Bộ Kinh tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và Bộ Quốc phòng để tính toán cân đối tiền - hàng tại các địa phương chuẩn bị có chiến dịch quân sự lớn. Sở Mậu dịch căn cứ vào lượng tiền dự kiến chi ra để chuẩn bị lượng hàng bán ra tương ứng, hút tiền về. Các mặt hàng được chuẩn bị kỹ theo nhu cầu mà bộ đội, dân công và nhân dân hay mua trong các hoạt động quân sự.

Kết quả là ngay cả khi chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với chiến dịch Điện Biên Phủ được ta triển khai, nhu cầu hàng hóa và chi tiêu tập trung rất lớn trên một số địa bàn tại Việt Bắc, nhưng tình trạng đột biến giá không xảy ra.

Hệ thống mậu dịch quốc doanh ngày càng đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo cung ứng đầy đủ những loại hàng hóa thiết yếu cho các cơ quan nhà nước, bình ổn giá và điều hành giới Thương nhân phân phối hàng hóa hiệu quả cho nhân dân. Điều này được thể hiện qua khối lượng hàng hóa được hệ thống mậu dịch quốc doanh thu mua và phân phối cho quân đội, cơ quan nhà nước cũng như nhân dân tăng cao qua các năm.

Hiệu quả rõ rệt

Công tác bình ổn giá cả được thực hiện hiệu quả đã giúp tốc độ tăng giá hàng năm chậm lại, cụ thể: giá năm 1951 so với năm 1950 tăng 3,6 lần; năm 1952 so với năm 1951 tăng 3,35 lần; năm 1953 so với 1952 tăng 1,17 lần; đến năm 1954 giảm, so với năm 1953 chỉ còn bằng 0,97 lần.

Trong đó, giá muối năm 1953 so với năm 1952 tại khu vực Thượng du giảm 32%, Trung du giảm tới 52%. Giá vải tại Việt Bắc giảm chỉ còn 1 mét vải tương đương 10 kg gạo, so với mức 15 - 20 kg gạo trước đây. Tốc độ tăng giá cũng giảm mạnh so với tốc độ phát hành tiền mặt, cụ thể: 5 tháng đầu năm 1951, tiền mặt phát hành tăng 1 lần thì giá tăng 2,6 lần; năm 1952 giá tăng không tới 1 lần và đến năm 1953 giá chỉ còn tăng 0,7 lần.

Giải quyết được vấn đề điều hòa thị trường được xem là một thắng lợi lớn không chỉ về mặt kinh tế mà cả về chính trị trong giai đoạn này. Thông qua việc bình ổn giá, triệt để ngăn chặn đột biến giá, nhân dân ngày càng thêm tin tưởng vào Đảng và Chính phủ, góp phần củng cố vững chắc nền kinh tế vùng tự do.

Đặng Duy Quang - Đào Mạnh Đức