Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Cơ hội đi cùng thách thức

Với sự hợp tác hỗ trợ từ các đối tác phát triển, quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng đang được đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện trên cơ sở khả thi, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Định hướng chuyển dịch năng lượng rõ ràng

Phát biểu tại Phiên Đối thoại về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững. Quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng đang được Chính phủ đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.

Vấn đề tái cấu trúc ngành điện và ngành năng lượng được chỉ đạo quyết liệt cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước các đơn vị phát điện, xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được phê duyệt, hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh, triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, chuẩn bị cho giai đoạn thị trường bán lẻ cạnh tranh sau năm 2022. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 3. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

Tuy nhiên, chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà quan trọng là chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward nhận định, Việt Nam là nền kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, nếu đặt ra lộ trình cụ thể thì hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính. 

Báo cáo phân tích quá trình chuyển dịch năng lượng tại 21 quốc gia của Tổ chức Tín dụng Quốc tế (IFC) cho thấy, giai đoạn 2020-2030, ước tính việc phát triển kinh tế xanh sẽ giúp mang lại cơ hội đầu tư lên tới 413 tỷ USD và khoảng 4,2 triệu việc làm mới được tạo ra tại Việt Nam.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mức đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường và có thể tăng đóng góp lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.

Bên cạnh năng lượng tái tạo, các biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng như các giải pháp sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững đóng vai trò quan trọng trong thực hiện NDC của Việt Nam. 

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward

Mục tiêu là vậy, nhưng rõ ràng phát triển năng lượng theo hướng bền vững, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguồn điện năng với giá thành hợp lý luôn là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

Nhiều năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam đều ở mức 2 con số, thường từ 1,5-1,8 lần tốc độ tăng trưởng GDP: giai đoạn 2000-2010 là 13%, 2011-2019 là 10,5% (trừ 2020 tăng trưởng thấp do dịch Covid-19). 

Các tính toán của Bộ Công Thương cho thấy nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế trong những năm sắp tới. Vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển ngành năng lượng khả thi, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế đang trở thành nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất của Việt Nam.

Đa dạng hóa cơ cấu nguồn điện gắn với đảm bảo an ninh năng lượng

Thời gian qua, Chính phủ và Nhà nước đã ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết và cơ chế chính sách khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. 

Nhờ vậy, đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) đã đạt trên 18.000MW, chiếm tỷ lệ 25% tổng công suất toàn hệ thống 69.000MW của Việt Nam. Trong đó, điện mặt trời nổi và điện mặt trời mặt đất có 148 dự án, công suất trên 8.800MW; điện mặt trời mái nhà có hơn 105.000 dự án, công suất gần 9.300MW; điện gió có 11 dự án, công suất trên 500MW; công suất các dự án điện sinh khối, điện rác đạt khoảng 350MW.

Nếu tính cả 20.600MW thủy điện, công suất lắp đặt nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã chiếm 55,17% công suất lắp đặt toàn quốc. 

Phiên Đối thoại về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam
Phiên Đối thoại về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

Theo Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), trong cơ cấu công suất nguồn điện Việt Nam, nhiệt điện than giảm tỷ trọng từ 29% năm 2020 xuống còn 27% năm 2030, điện khí từ 13% năm 2020 lên 21% năm 2030; trong khi điện mặt trời và điện gió sẽ tăng lên lần lượt đạt 14% và 13% trong cơ cấu năm 2030.

Năm 2045, nhiệt điện than tiếp tục giảm còn 18%, điện khí tăng lên 24%, điện gió và điện mặt trời đạt tổng 42%.

Với cơ cấu nguồn điện này, năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ đạt khoảng 15-20% tổng cung năng lượng sơ cấp, tương ứng tỷ lệ điện năng trong tổng sản xuất toàn quốc là khoảng 30%. Tới năm 2045, các tỷ lệ này lần lượt sẽ đạt khoảng 25-30% và 40%.

Đặc biệt, Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu phát triển thêm các nguồn tích năng như thủy điện tích năng, pin tích năng, động cơ đốt trong, với quy mô khoảng 2,6-2,8MW vào năm 2030. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để gỡ bỏ rào cản kỹ thuật hiện đang vướng trong phát triển năng lượng tái tạo về dài hạn.

Như vậy, Quy hoạch Điện VIII sẽ có sự dịch chuyển về cơ cấu nguồn điện theo hướng tăng cường tính đa dạng hóa, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện, đáp ứng các cam kết của Việt Nam với quốc tế về môi trường trong khi vẫn hướng tới mục tiêu chi phí sản xuất điện ở mức thấp nhất.

Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu các cơ chế như đấu thầu, mua bán điện trực tiếp (DPPA),… đồng thời hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại hình năng lượng tái tạo.

Phiên Đối thoại về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

Chia sẻ với nỗ lực này, các đối tác phát triển vẫn cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn đối với phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi - lĩnh vực mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Các đối tác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam không chỉ về tài chính mà còn có thể chia sẻ các kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật về năng lượng tái tạo.

“Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng vào những chính sách cụ thể và mạnh mẽ hơn để có thể yên tâm về mức độ an toàn, ổn định của thị trường Việt Nam khi tham gia phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại đây”, bà Virginia Foote - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cho biết.

Nâng cao khả năng huy động vốn đầu tư phát triển lưới điện

Giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai đầu tư và đóng điện 1.127 công trình lưới điện, trong đó có 52 công trình 500kV, 170 công trình 220kV và hơn 900 công trình 110kV. Tổng chiều dài đường dây khoảng 13.831km, tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 9.280MVA. Tổng mức đầu tư trong giai đoạn là 5.530 tỷ đồng (tương đương hơn 4,7 tỷ USD).

Theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, giai đoạn 2021-2030 cần xây dựng thêm tổng cộng khoảng 86GVA công suất trạm 500kV và gần 13.000km ĐZ, giai đoạn 2031-2045 cần xây dựng thêm khoảng 103GVA công suất trạm 500kV và gần 6.000km ĐZ. 

Lưới điện 220kV tương ứng cần xây dựng 95KVA, gần 21.000km ĐZ và 108GVA, hơn 4.000km ĐZ. 

Như vậy, ước tính giai đoạn 2021-2030 Việt Nam cần đầu tư khoảng 33,4 tỷ USD cho phát triển lưới điện, trong đó 14,7 tỷ USD cho lưới truyền tải và 18,7 tỷ USD cho lưới phân phối.

Phiên Đối thoại về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng đây là khối lượng đầu tư cực lớn nhưng cũng tương ứng với thực tiễn tại Việt Nam, đặc biệt nếu xét đến sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo trong khoảng 3 năm gần đây và dự báo về mức tăng gấp đôi của tổng công suất phát điện tại Việt Nam trong 10 năm tới. 

Bên cạnh bổ sung thêm các đường dây và trạm biến áp mới, một giải pháp quan trọng các chuyên gia đưa ra là Việt Nam cần đầu tư nâng cấp các tiêu chuẩn và tính linh hoạt của lưới điện hiện có. Những lựa chọn như đường dây HVDC (đường dây một chiều) nên được ưu tiên hơn so với HVAC (đường dây xoay chiều) để kiểm soát phụ tải chính xác và đảm bảo truyền tải điện đường dài an toàn, ổn định; hay hệ thống lưu trữ năng lượng BESS cho phép các dự án điện tái tạo có thể liên tục nối lưới mà không lo gây áp lực lên hệ thống quốc gia.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần đầu tư nâng cao khả năng quản lý lưới điện phức tạp, bao gồm tăng cường năng lực dự báo; phát triển thị trường cung cấp các sản phẩm phụ trợ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh trong đo đạc, giám sát, kiểm soát hệ thống theo thời gian thực; đào tạo đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật để điều hành các hệ thống hiện đại.

Câu hỏi đặt ra, là nguồn tài chính nào cho đầu tư phát triển lưới điện, khi tất cả những chi phí này không hề nhỏ. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển và các Bộ, ban, ngành phía Việt Nam để tìm kiếm thêm nhiều gói tín dụng hỗ trợ phát triển các dự án truyền tải năng lượng trọng điểm.

Đồng thời, Bộ cũng thúc đẩy xã hội hóa lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn theo các hình thức khác bên cạnh vay vốn ODA, trong đó yêu cầu EVN và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn tổ chức đánh giá, xếp hạng tín dụng quốc tế để có thể tiếp cận nguồn vay quốc tế mà không cần có sự bảo trợ của Chính phủ.

Thy Thảo