Năng lượng tái tạo phát triển tích cực
Trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và chính sách của nhà nước và các cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo của Chính phủ, các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là mặt trời đã và đang được đầu tư, phát triển mạnh.
Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, đến thời điểm hiện tại, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.500 MWp (trong đó có gần 9.400 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW điện xoay chiều, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của toàn hệ thống điện quốc gia, đây là những đóng góp hết sức tích cực và kịp thời, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Với kết quả đạt được nêu trên, hiện nay, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời cao nhất trong khu vực châu Á.
Để đảm bảo cung cấp điện năm 2021, ngày 31/12/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3598/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch vận hành và cung cấp điện cho năm 2021.
Theo kế hoạch được duyệt, nhu cầu phụ tải điện toàn hệ thống năm 2021 dự kiến đạt 262,41 tỷ kWh, tăng trưởng 6,71% so với năm 2020. Các nguồn điện sẽ được huy động hợp lý nhằm đáp ứng đủ nhu cầu điện.
Trong đó, đặc biệt là tổng sản lượng điện phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo năm 2021 dự kiến đạt khoảng 23,4 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 8,9% tổng sản lượng điện phát và nhập khẩu của toàn hệ thống điện quốc gia.
Trên cơ sở cân đối cung - cầu điện, hệ thống điện quốc gia trong năm 2021 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, sự phát triển nhanh và quy mô công suất lớn của các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời đã phát sinh một số khó khăn trong công tác vận hành, điều độ kinh tế - kỹ thuật hệ thống điện quốc gia, đòi hỏi phải có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp cả về quy định kỹ thuật, công cụ xử lý và đội ngũ vận hành.
5 giải pháp vận hành hệ thống điện hiệu quả
Theo Cục Điều tiết điện lực, thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức nhiều cuộc họp và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để kịp thời xử lý tồn tại, tháo gỡ khó khăn phát sinh trong công tác vận hành, điều độ kinh tế - kỹ thuật hệ thống điện quốc gia, cũng như các thắc mắc từ phía các chủ đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo.
Để hạn chế tối đa các ảnh hưởng không tích cực đến huy động và giải tỏa các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là nguồn điện năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp lớn.
Một là, kịp thời ban hành sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình kỹ thuật liên quan đến công tác thử nghiệm, nghiệm thu, vận hành, điều độ; đảm bảo các nhà máy điện khi đấu nối, vận hành trong hệ thống điện phải đảm ứng các yêu cầu kỹ thuật, tuân thủ nghiêm các quy định vận hành, điều độ hệ thống điện.
Hai là, trong năm 2021, dự kiến sẽ không nhập khẩu điện từ Trung Quốc để khai thác tối đa nguồn điện trong nước, đặc biệt là nguồn điện năng lượng tái tạo.
Ba là, đôn đốc, chỉ đạo EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các đơn vị có liên quan tập trung nguồn lực để hoàn thành đóng điện các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm để đảm bảo giải tỏa công suất phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo.
Bốn là, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị ngành điện tích cực phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện năng lượng tái tạo để kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chạy thử, nghiệm thu đảm bảo công trình được đưa vào vận hành đúng tiến độ được phê duyệt.
Năm là, chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) thực hiện nghiêm túc các quy định về lập lịch, huy động, vận hành và điều độ các nhà máy điện trong hệ thống điện; phối hợp với các đơn vị phát điện trang bị và kết nối đầy đủ hệ thống điều khiển công suất phát tự động (AGC) của nhà máy điện qua đó đã hỗ trợ rất hiệu quả công tác điều độ, vận hành tối ưu trong thời gian thực các nguồn điện tái tạo trong trường hợp phụ tải giảm thấp xảy ra tình huống thừa nguồn hoặc quá tải lưới điện khu vực.
Đồng thời, chỉ đạo EVN xây dựng, hoàn thiện chi tiết nguyên tắc lập lịch, huy động, vận hành và điều độ thời gian thực các nhà máy điện trong hệ thống điện.
Năm 2021, dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo vẫn trên đà phát triển nhanh. Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu EVN và các đơn vị có liên quan rà soát, hoàn thiện các Văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với tình hình vận hành thực tế của hệ thống điện.
Đặc biệt, sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu EVN nghiên cứu, xây dựng nguyên tắc huy động, điều độ hệ thống điện tổng thể trong cả ngắn hạn và dài hạn trên cơ sở rà soát, tính toán kỹ và kiểm tra, đánh giá với các tình huống và kịch bản cơ cấu nguồn điện khác nhau trong vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Tuy nhiên, dù sửa đổi thế nào thì vẫn phải tuân thủ nguyên tắc là an toàn vận hành hệ thống điện phải luôn được bảo đảm trong mọi trường hợp. Các nhà máy điện (trong đó có các nguồn điện năng lượng tái tạo) phải tuyệt đối tuân thủ lệnh điều độ trong các trường hợp thừa nguồn, thiếu nguồn, quá tải đường dây và trạm. Điều này đã được nêu rõ trong các quy định hiện hành về điều độ hệ thống điện.
Những vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành các nguồn điện năng lượng tái tạo đã, đang và sẽ được Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, A0 và các đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện các công cụ hỗ trợ, áp dụng các giải pháp công nghệ kỹ thuật cao trong vận hành điều độ hệ thống điện, đồng thời xây dựng các kế hoạch, phương thức vận hành trên cơ sở nguyên tắc huy động tối đa, hiệu quả các nguồn điện năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh hệ thống điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Việc đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo giai đoạn vừa qua là tín hiệu đáng mừng, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo. Năm 2021 dự kiến sẽ tổ chức nhiều sự kiện chính trị - văn hóa quan trọng, đặc biệt là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ thường xuyên, liên tục đôn đốc, chỉ đạo EVN và các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp cụ thể, xử lý kip thời các phát sinh (nếu có) trong quá trình vận hành hệ thống điện, đặc biệt là các nguồn điện năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn, tin cậy trong các dịp Lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa lớn trong năm 2021.