Ngành Thép Việt Nam tăng cường đổi mới công nghệ đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế

Tổng công ty Thép Việt Nam (TCT) là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm thép, được thành lập theo Quyết định số 91/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7 tháng 3

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu hội nhập, Tổng công ty Thép VN nói riêng và ngành thép Việt Nam nói chung còn phải nỗ lực vượt qua nhiều thử thách, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới tổ chức quản lý, tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và khu vực.

Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép, TCT Thép Việt Nam đóng vai trò trung tâm của ngành thép cả nước. Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thép trong việc mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và nước ngoài. Hiện tại, TCT Thép VN đang sở hữu một đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, đã được thử thách và tôi luyện trong sản xuất. Tham gia hội nhập sẽ tạo cho TCT có điều kiện nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, phương pháp quản lý hiện đại, giúp TCT rút ngắn thời gian hiện đại hoá các cơ sở sản xuất của mình. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra cho TCT Thép Việt Nam nhiều thách thức mới.

Hiện tại, các cơ sở sản xuất của TCT tuy lớn, nhưng dây chuyền thiết bị công nghệ đã cũ và lạc hậu so với thế giới và khu vực (trừ một số nhà máy mới được đầu tư, nâng cấp). Vì vậy, các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật ở các đơn vị thuộc TCT vẫn còn thấp kém so với các đơn vị liên doanh cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới. Chỉ đơn cử các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật trong khâu luyện thép bằng lò điện đã cho thấy, các chỉ tiêu này đều kém hơn so với các nước có nền công nghiệp thép tiên tiến trên thế giới (xem bảng 1)

Mặt khác, sản phẩm thép của TCT vẫn chưa đa dạng mà tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thép xây dựng. Công tác dự báo tình hình biến động giá thép trên thị trường còn hạn chế, TCT chưa xây dựng được hệ thống thông tin độc lập dự báo biến động thị trường phục vụ cho công tác điều hành sản xuất – kinh doanh.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời chuẩn bị cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế đạt hiệu quả cao, trong giai đoạn tới, TCT Thép Việt Nam tập trung vào một số giải pháp sau:

1. Đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh:

- TCT sẽ chủ động đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm tiêu hao, hạ giá thành sản phẩm.

- Nâng cao năng lực nghiên cứu, phân tích thị trường trong nước và thế giới để có những dự báo kịp thời chính xác phục vụ công tác điều hành sản xuất kinh doanh của TCT.

- Tăng cường công tác marketing, xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống mạng lưới tiêu thụ… Đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhằm giảm sức ép trên thị trường nội địa.

- Từng bước thu hẹp SX tại các cơ sở có thiết bị cũ, lạc hậu, kém hiệu qủa, đồng thời tiếp tục phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng định mức kỹ thuật tiên tiến kèm theo các giải pháp khả thi để giảm chi phí trong các khâu sản xuất.

- Phấn đấu đến năm 2010 đưa sản lượng thép cán của TCT từ 1,3 triệu tấn (năm 2006) lên gần 2 triệu tấn/năm, sản lượng phôi thép từ 755.000 tấn (năm 2006) lên 1,5 triệu tấn.

2- Đầu tư đổi mới công nghệ:

Những năm qua, các dự án đầu tư cải tạo tại các Công ty Gang thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, Thép Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả.

Các Công ty Thép miền Nam, Gang thép Thái Nguyên đã duy trì tốt việc sử dụng gang Mg-l xây tường lò điện, sản xuất nhiều mác thép chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật trong khâu luyện thép khá ổn định. Lò luyện 15 tấn của Công ty Thép Đà Nẵng đã đi vào hoạt động tốt, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đạt được yêu cầu đề ra.

Ngoài ra, Văn phòng TCT và các đơn vị như Công ty Gang thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, Viện luyện kim đen… đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ phục vụ sản xuất đạt hiệu quả, đã được Hội đồng Khoa học Bộ nghiệm thu và đánh giá cao. TCT còn tham gia góp ý về 13 tiêu chuẩn ngành, 3 tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thép. Năm 2004, TCT đã phối hợp với Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường – Chất lượng xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thép phế liệu dùng làm nguyên liệu sản xuất thép (TCVN7342: 2004).

Trong giai đoạn 2006 –2010, để trở thành một TCT mạnh, giữ vai trò chủ đạo của ngành Thép Việt Nam, TCT sẽ tập trung cải tạo nâng cấp các cơ sở luyện cán thép hiện có, chuyển hướng đầu tư sản xuất sản phẩm thép dẹt như: Thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội, thép tấm, tôn mạ kẽm, mạ màu…và đặc biệt là chú trọng vào khâu sản xuất hạ nguồn như: Khai thác quặng sắt làm nguyên liệu cho khâu luyện thép và cán ra sản phẩm…

Một số dự án đầu tư quan trọng của TCT Thép VN giai đoạn này là:

- Dự án mở rộng sn xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái nguyên: sản xuất phôi thép từ quặng sắt, công suất 500.000 tấn/năm, vốn đầu tư trên 3.800 tỷ đồng.

- Dự án Liên doanh Khai thác mỏ sắt Quý Sa và xây dựng Nhà máy Thép Lào Cai: 1,5 triệu tấn quặng sắt và 500.000 tấn phôi thép/năm; Vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng.

- Dự án Nhà máy Thép cuộn cán nóng: Công suất 1,5-2 triệu tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 525 triệu USD.

- Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê: 5-10 triệu tấn/năm, vốn đầu tư khoảng trên 300 triệu USD.

- Dự án xây dùng Nhà máy Thép Liên hợp Hà Tĩnh, công suất 4,5 triệu tấn/năm; Vốn đầu tư: 3,5 tỷ USD (100% vốn nước ngoài hoặc LD)…

Để đáp ứng nhu cầu vốn lớn như vậy, bản thân TCT sẽ không thể tự lo được mà sẽ phải áp dụng các biện pháp như: Gọi đầu tư vốn từ phía các đối tác trong và ngoài nước, các nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng nước ngoài, phát hành trái phiếu đầu tư, cổ phần hoá các đơn vị thành viên…

3- Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp:

- Tiếp tục thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới doanh nghiệp, sẽ nhanh chóng chuyển hoạt động của TCT sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với các mục tiêu:

+ Công ty mẹ phải đủ mạnh, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, để có thể chi phối các Công ty con và tổ chức phối hợp với các công ty liên kết, duy trì vai trò nòng cốt trong ngành Thép. Chủ động đầu tư về vốn, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất thép, từng bước tạo tiền đề hình thành Tập đoàn Thép VN có đủ năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

+ Việc kiện toàn Công ty mẹ gắn liền với điều kiện tập trung tháo gỡ khó khăn nội tại các đơn vị thành viên hiện nay, tạo ra sự phát triển trên cơ sở khai thác tối đa năng lực đã được đầu tư. Mục tiêu của TCT đến năm 2010 sẽ trở thành tập đoàn kinh tế đa sở hữu, triển khai đồng bộ các dự án đầu tư mới, tham gia đầu tư vốn, công nghệ, nhân lực...vào các dự án khác trong ngành Thép nhằm mở rộng qui mô liên kết trong SX - KD, tạo động lực phát triển công ty mẹ.

Song song với hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, các đơn vị trực thuộc công ty mẹ sẽ được tiến hành cổ phần hoá và tiến tới cổ phần hóa công ty mẹ (cổ phần toàn TCT, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối) và chuyển sang mô hình tập đoàn kinh tế từ sau năm 2008.

4- Xây dựng nguồn nhân lực:

Để có được đội ngũ lao động có đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu về đầu tư phát triển trong tương lai và yêu cầu về kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, TCT sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:

- Tiến hành sắp xếp, bố trí một cách hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý và lao động hiện có ở các đơn vị trực thuộc và văn phòng TCT. Phát hiện và đào tạo những người có năng lực, để bố trí vào những công việc phù hợp với chuyên môn, cán bộ quản lý trong tương lai.

         - Tạo sự gắn bó về quyền lợi và trách nhiệm của người lao động với doanh nghiệp (bảo đảm công ăn việc làm, được đào tạo, chế độ tiền lương, thưởng thỏa đáng...).

Khi đã tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc tranh chấp, kiện tụng quốc tế sẽ không tránh khỏi. Để đứng vững được trên thương trường, giảm thiểu rủi ro và tránh bị thua ngay trên sân nhà, TCT Thép VN cũng như các công ty thành viên cần phải thực hiện tốt những biện pháp như: Đảm bảo chất lượng sản phẩm theo chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật; mở rộng thị trường và lựa chọn những đối tác có uy tín, có tiềm lực về tài chính; hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành; nắm vững luật pháp trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Với đội ngũ hơn 15.000 lao động trong toàn ngành Thép Việt Nam, trong đó có hàng nghìn kỹ sư, với bề dày lịch sử hơn 45 năm trong sự nghiệp sản xuất gang thép, sẽ là một lợi thế rất lớn để TCT phấn đấu trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh.
  • Tags: