Phát triển thị trường điện cạnh tranh đúng lộ trình
Cục Điều tiết điện lực đã chủ trì phối hợp tích cực, chặt chẽ của các đơn vị điện lực đưa thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành từ ngày 1/7/2012 đến ngày 31/12/2018. Đây là bước cải cách lớn của ngành điện khi đã thành công trong việc chuyển đổi khâu phát điện tại Việt Nam sang vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường cạnh tranh.
Tính đến thời điểm kết thúc thị trường phát điện cạnh tranh vào ngày 31/12/2018, số lượng các nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường là 90 nhà máy điện với tổng công suất đặt là 22.870,5 MW, gấp gần 3 lần so với thời điểm mới vận hành vận hành thị trường phát điện cạnh tranh vào tháng 7/2012.
Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành và có chiến lược trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị. Hệ thống điện tiếp tục được vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Ngay sau đó Cục Điều tiết điện lực đã tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ ngày 1/1/2019.
Với việc vận hành thị trường thị trường bán buôn điện, đơn vị mua buôn điện đã có thêm 5 Tổng công ty Điện lực (Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.
Như vậy, đến nay, tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện đã từng bước được mở rộng về quy mô, với sự tham gia cạnh tranh của 100 nhà máy điện với tổng công suất 27.526 MW và 6 đơn vị mua điện.
Đặc biệt, Cục Điều tiết điện lực đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ triển khai thực hiện chuyển chu kỳ điều độ và chu kỳ giao dịch trong thị trường bán buôn điện từ 1 tiếng xuống còn 30 phút từ ngày 1/9/2020.
Đến nay, Cục đã trình lãnh đạo Bộ Công Thương ban hành Quyết định phê duyệt Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong đó nêu các nguyên tắc, cơ chế vận hành, các điều kiện tiên quyết để triển khai thị trường bán lẻ điện, phù hợp với hiện trạng ngành điện Việt Nam cũng như lộ trình phát triển thị trường điện theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở mô hình thị trường bán lẻ điện, Cục Điều tiết điện lực đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đề xuất các công tác tái cơ cấu ngành điện cần thiết để triển khai thị trường bán lẻ điện. Các công tác triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ tiếp tục được thực hiện theo đúng lộ trình phát triển thị trường điện.
Đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng
Công tác giám sát cung cấp điện và vận hành hệ thống điện đã được Cục Điều tiết điện lực thực hiện hiệu quả, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, tin cậy, ổn định.
Định kỳ hàng năm, Cục thực hiện chức năng nhiệm vụ thẩm định và trình Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện làm cơ sở để chỉ đạo điều hành cung ứng điện hàng tháng, đặc biệt là các tháng mùa khô.
Cục Điều tiết điện lực cũng đã tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ để có những chỉ đạo điều hành đảm bảo cung ứng điện. Chủ động đề xuất Lãnh đạo Bộ nhiều giải pháp và chỉ đạo kịp thời, góp phần đảm bảo an toàn cung ứng điện cho các sự kiện quan trọng, mùa khô và cả năm; thực hiện điều tiết nước hồ chứa thuỷ điện cho phát điện và đảm bảo nhu cầu cấp nước hạ du.
Đáng chú ý, Triển khai Đề án phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam đạt được một số kết quả tích cực, trong đó:
- Nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện (các chỉ số thời gian, số lần mất điện giảm còn xấp xỉ 50% so với năm 2015);
- Triển khai các trung tâm điều khiển xa, các trạm biến áp không người trực và từng bước tự động hóa lưới điện phân phối giúp nâng cao hiệu quả, tối ưu trong công tác vận hành, điều độ hệ thống điện;
- Nâng tỷ lệ công tơ điện từ từ 18% của năm 2015 lên 52%, đồng thời triển khai công nghệ đo xa từng bước nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của các đơn vị điện lực.
Việc cung ứng điện các năm vừa qua và năm 2020 của toàn hệ thống điện quốc gia về cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện.
Điều hành giá điện công khai, minh bạch
Công tác điều tiết giá điện là một trong những nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Cục Điều tiết điện lực trong thời gian qua, được tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả theo đúng quy định tại Luật điện lực; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cục đã xây dựng, trình Bộ Công Thương ban hành đầy đủ các quy định về giá điện, gồm: phương pháp xác định giá phát điện, ban hành khung giá phát điện; quy định về biểu giá chi phí tránh được; giá truyền tải điện; quy định về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; quy định phương pháp xác định giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Ngoài ra, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền ban hành khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các giai đoạn 2016-2020. Điều chỉnh giá bán lẻ điện các năm 2017, 2019.
Bên cạnh việc thực hiện kiểm tra, họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh của EVN hàng năm, Cục Điều tiết điện lực cũng cung cấp thông tin, triển khai tốt công khai minh bạch về hoạt động kinh doanh điện, đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
Mới đây nhất, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Cục Điều tiết điện lực đã tham mưu và trình Bộ Công Thương ban hành văn bản hướng dẫn hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào hai lần trong năm 2020, với tổng mức tiền hỗ trợ khoảng trên 12 nghìn tỷ đồng.
Thanh, kiểm tra các đơn vị điện lực
Trong giai đoạn 2016-2020, Cục Điều tiết điện lực đã hoàn thành các chương trình thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật theo kế hoạch đối với 124 đơn vị điện lực và 10 Sở Công Thương được Bộ giao, bao gồm: thanh tra 16 đơn vị điện lực; kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật tại 118 đơn vị.
Các chương trình thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật được tiến hành theo đúng thời hạn, trình tự, thủ tục theo quy định và bảo đảm hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Trong các năm qua, Cục Điều tiết điện lực cũng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ hợp tác quốc tế được các đối tác đánh giá cao như: các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác của Ủy ban điều phối mua bán điện tiểu vùng sông Mê Kong mở rộng (RPTCC); Mạng lưới các cơ quan Điều tiết năng lượng ASEAN (AERN); Hợp tác với Hiệp hội các nhà Điều tiết dịch vụ công Hoa Kỳ (NARUC); Cơ quan điều tiết năng lượng Australia (AER).
Bên cạnh đó, việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các đối tác phát triển và tổ chức quốc tế khác như WB, ADB, EU, USAID, GIZ, NEDO và Đan Mạch cũng luôn được Cục chú trọng và phát triển.
Cải cách hành chính mạnh mẽ
Giai đoạn 2016-2020, Cục Điều tiết điện lực đã đề xuất Bộ Công Thương bãi bỏ 15 TTHC (từ 26 TTHC xuống còn 11 TTHC). Cắt giảm và đơn giản hóa 82 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực điện lực. Thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh giai đoạn 2019-2020.
Đồng thời, triển khai ứng dụng Hệ thống xử lý văn bản điện tử (iMOIT), triển khai thực hiện gửi và nhận văn bản có ký số giữa các cơ quan hành chính, giữa các đơn vị trong cơ quan Bộ và các đơn vị liên thông. Thực hiện chủ trương của Bộ Công Thương, từ tháng 3/2017 đến nay, 100% tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến Cục khai báo hồ sơ cấp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương.
Năm 2021, Cục Điều tiết điện lực sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực và thị trường điện, trong đó đặc biệt hoàn thiện và trình ban hành mới hoặc sửa đổi nhiều cơ chế, văn bản pháp luật như sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực; cơ chế bù chéo, cơ chế thuế VAT đối với các giao dịch thông qua hợp đồng CfD trong thị trường điện; cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; Chương trình thí điểm Cơ chế DPPA;…