Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Phân loại hạ tầng thương mại là cần thiết và gắn với yêu cầu thực tiễn

TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã chia sẻ với Tạp chí Công Thương một số đánh giá liên quan đến Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến.
TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

TCCT: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tính cần thiết của việc ban hành một quy chuẩn chung để quản lý và phân loại hạ tầng thương mại?

TS. Nguyễn Minh Phong: Việc có quy định phân loại, bao quát quản lý là cần thiết đối với tất cả các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó đặc biệt là vấn đề quản lý thị trường, trong quản lý thị trường có quản lý các hoạt động kinh doanh thương mại, các cơ sở hạ tầng thương mại. 

Hiện nay, chúng ta thấy cả về luật cũng như về triển khai thực tế còn thiếu, nên các hoạt động thương mại gắn với cơ sở hạ tầng này đang làm tương đối tự phát thể hiện ở 2 vấn đề: Một là phân cấp quản lý chưa thật “tới”; Hai là tình trạng nhộn nhạo, mập mờ giữa tên gọi các loại hình kinh doanh thương mại cùng những quy chuẩn, tiêu chuẩn kèm theo nó để đáp ứng được yêu cầu văn minh thương mại cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khiến cho nhiều hạn chế, bất cập, tranh chấp nảy sinh.

Đó là chưa kể trong quá trình hội nhập chúng ta sẽ tiến tới những hoạt động giao thương xuyên quốc gia mạnh hơn, với những loại hình thương mại cũng ngày càng phát triển, thì yêu cầu nhận dạng, chuẩn hóa, đưa ra các hướng dẫn để quản lý là rất cần thiết.

TCCT: Ông có thể chia sẻ một số nhận định, đánh giá về dự thảo Thông tư mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến?

TS. Nguyễn Minh Phong: Dự thảo này của Bộ Công Thương không hoàn toàn mới. Nó được tích hợp và kế thừa một số những quy định cũ hiện hành, đặc biệt về phân hạng một số loại hình hạ tầng thương mại như siêu thị, trung tâm thương mại; khái niệm cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã có quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết luật thương mại và luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhưng chưa quy định tiêu chí cụ thể. 

Dự thảo Thông tư cũng dựa trên yêu cầu của các quy định về luật khác liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như một số yêu cầu phát triển bền vững. Đồng thời, nó thể hiện sự nhất quán, liên tục, kế thừa các quy định và có những cố gắng để bao quát thêm, đưa thêm những yêu cầu mới và cụ thể hóa những yêu cầu này trong nhận diện, định danh, đưa ra những yêu cầu cho từng chủng loại cơ sở hạ tầng và việc phân cấp quản lý.

Đặc biệt, Dự thảo này được đưa ra cũng rất tốt khi khá cụ thể hóa các tiêu chí về lượng cho từng loại hình cụ thể. Dù ở đâu đó các tiêu chí vẫn mang tính định tính nhưng cũng đã có một số định lượng cụ thể như về số lượng mặt hàng, chỗ gửi xe hay diện tích mặt bằng,…

Hơn thế, nó cũng có những yêu cầu hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhiều hơn, ví dụ như hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng, quy trình xử lý tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,… Dự thảo Thông tư cũng hướng tới việc bảo vệ môi trường và phát triển xanh.

Tuy nhiên, ở đây cũng còn một số điểm phải rút kinh nghiệm và tiếp tục hoàn thiện.

Một là, trong tư tưởng chỉ đạo không cứng nhắc ở những loại hình như hiện nay, cần nhận diện, bổ sung thêm các loại hình như thương mại điện tử, bán hàng qua mạng xã hội,… Những cơ sở hạ tầng gắn với các hoạt động kinh doanh thương mại này là gì, cũng cần được định danh. 

Hai là, những yêu cầu về diện tích và về mặt hàng không nên quá cứng nhắc, có thể gây khó cho quản lý. Phải có những giải thích rõ, cụ thể về các khái niệm đưa ra, như diện tích, mặt bằng kinh doanh gắn với các yêu cầu về sản phẩm bày hàng,…

Ví dụ, yêu cầu diện tích trên 80 mét vuông, vậy diện tích này là diện tích thế nào? Diện tích mặt đất hay diện tích cả các kệ hàng? Hay mặt bằng chỉ 40 mét thôi nhưng có hàng chục tầng, mỗi tầng bao nhiêu giá, mỗi giá lại bao nhiêu tầng nữa, thì diện tích của nó là bao nhiêu?…

Dự thảo hiện nay chưa đảm bảo tính hồi tố, tính liên tục của các hoạt động thương mại, chưa tính đến vấn đề cấp phép, định danh, quản lý các cơ sở đó.

Nhìn chung, Thông tư này là tốt, cần ghi nhận sự tích cực, tinh thần, chủ trương nội dung, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên cũng cần bao quát thực tiễn để thể chế hóa tốt hơn nữa, bám sát hơn vào Luật Thương mại và các quy định pháp luật liên quan, bám sát vào cung - cầu của hoạt động kinh doanh thương mại để đưa ra được những hướng dẫn phù hợp.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Việt Hằng - Thy Thảo (thực hiện)