Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản gửi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Ngân hàng Vietcombank, mã cổ phiếu: VCB – sàn: HoSE) cho biết, đã nhận được tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu trả cổ tức của ngân hàng này.
Đây là một trong những thủ tục cuối cùng để ngân hàng Vietcombank tiến hành phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Nhiều khả năng, ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng sẽ được ngân hàng Vietcombank thông báo trong vài ngày tới đây.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho phép ngân hàng Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 181 cổ phiếu mới), từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và năm 2020 đã được Đại hội đồng cổ đông thương niên năm 2022 thông qua.
Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức xong, ngân hàng Vietcombank sẽ vượt ngân hàng Vietinbank và ngân hàng BIDV để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau ngân hàng VPBank.
Trong quý 1/2023, tổng thu nhập hoạt động kinh doanh của ngân hàng Vietcombank đạt khoảng 18.500 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022, trên cơ sở tăng trưởng tín dụng 14%. Nhưng tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng Vietcombank lại giảm 22 điểm cơ bản so với cùng kỳ, xuống mức 3,4%, khi ngân hàng này liên tục giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, nhờ chi phí tín dụng thấp hơn, lợi nhuận ròng trong quý 1/2023 của ngân hàng Vietcombank vẫn tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này vượt trội so với mức tăng bình quân 6% của 25 ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, hầu hết các chỉ số tài chính của ngân hàng Vietcombank hiện nay đều vượt trội so với các ngân hàng khác. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Vietcombank giữ nguyên ở mức 0,8% tại cuối quý 1/2023; trong khi tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành tăng lên 1,9% tại cuối quý 1/2023 (so với mức 1,4% tại cuối quý 1/2022).
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng Vietcombank đi ngược xu thế ngành khi cải thiện nhẹ từ 317% tại cuối năm 2022 lên mức 321% cuối quý 1/2023. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của top 15 ngân hàng niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán giảm từ 150% vào cuối năm 2022 xuống còn 130% vào cuối quý 1/2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/7, giá cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank đạt 100.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị vốn hoá thị trường của ngân hàng này hiện đạt hơn 473.000 tỷ đồng.