Theo báo cáo mới nhất của SSI Research, dự kiến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (Ngân hàng Tiên Phong, mã cổ phiếu: TPB – sàn: HoSE) trong năm nay sẽ chỉ đạt 3,73%, giảm đến 30 điểm cơ bản so với năm 2022. Đồng thời, ngân hàng này sẽ đối mặt với gánh nặng gia tăng áp lực dự phòng với ước tính trích lập dự phòng năm nay có thể tăng tới 22% so với năm 2022.
NIM suy yếu kết hợp với áp lực gia tăng dự phòng sẽ khiến lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Tiên Phong trong năm 2023 có thể chỉ đạt 8.202 tỷ đồng, tăng 4,7% so với mức nền thấp của năm 2022, theo SSI Research.
Trong quý 1/2023, NIM của Ngân hàng Tiên Phong đã giảm 20 điểm cơ bản xuống 3,63%, thậm chí còn thấp hơn mức trước thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng huy động lãi suất cao thời điểm đầu năm nhưng lãi suất cho vay lại đang có xu hướng giảm, cùng với đó là chất lượng tài sản và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng này sụt giảm.
Cụ thể, việc Ngân hàng Tiên Phong huy động với lãi suất cao trong quý 4/2022 và quý 1/2023 đã tác động tiêu cực đến chi phí vốn. Theo SSI Research, lãi suất huy động trung bình của ngân hàng này trong quý 1/2023 đã tăng 125 điểm cơ bản so với quý 4/2022. Tác động của việc này được kỳ vọng đã được phản ánh hầu hết vào kết quả kinh doanh trong quý 1/2023 và tác động sẽ giảm dần trong quý 2/2023.
SSI Research ước tính rằng hơn 50% tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Tiên Phong trong quý 1/2023 sẽ được áp dụng mức lãi suất thấp hơn trong quý 2/2023. Nhìn chung, áp lực từ lãi suất huy động cao sẽ còn tiếp tục tác động đến kết quả kinh doanh quý 2/2023 của Ngân hàng Tiên Phong và kỳ vọng sẽ giảm dần từ nửa cuối năm 2023.
Trong khi đó, xu hướng giảm lãi suất cho vay đang gây áp lực lên NIM. SSI Research cho biết, lãi suất cho vay của Ngân hàng Tiên Phong đối với các khoản vay kinh doanh dao động quanh mức 12,5%, tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của khách hàng, so với khoảng 14,5% trong quý 4/2022.
Ngân hàng Tiên Phong đang đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà từ 9% đến 12% trong năm đầu tiên, tuy nhiên lãi suất sau ưu đãi vẫn đang ở mức cao mặc dù đã giảm 150 điểm cơ bản so với đầu năm. Sau các đợt hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước gần đây, lãi suất cho vay và huy động của các ngân hàng thương mại nói chung sẽ được điều chỉnh theo và làm cho lãi suất cho vay trở nên thấp hơn trong thời gian tới. Do đó, NIM của Ngân hàng Tiên Phong có thể sẽ bị ảnh hưởng thêm một quý nữa trước khi trở về mức bình thường trong nửa cuối năm 2023.
Đồng thời, chất lượng tài sản giảm sút và CASA sụt giảm tăng thêm gánh nặng cho NIM. SSI Research nhận định một lượng lớn thu nhập lãi của Ngân hàng Tiên Phong đã được thoái khi nợ quá hạn tăng vọt trong quý 1/2023. Phân khúc bán lẻ với các khoản vay mua nhà và mua ô tô là yếu tố chính khiến nợ quá hạn của Ngân hàng Tiên Phong tăng mạnh.
Hơn nữa, tỷ lệ CASA của ngân hàng này đã giảm từ mức 18% trong quý 4/2022 xuống còn 14,2% trong quý 1/2023 do lãi suất tăng. Đây cũng là lý do khiến NIM của Ngân hàng Tiên Phong bị thu hẹp trong quý 1/2023.
Liên quan đến dự án The Grand Manhattan thuộc Tập đoàn Nova, với tư cách là ngân hàng tài trợ vốn cho dự án này, nợ quá hạn của Ngân hàng Tiên Phong liên quan đến The Grand Manhattan có thể sẽ giảm dần trong bối cảnh dự án được tái khởi công và được kỳ vọng sẽ bàn giao đúng thời hạn cho người mua nhà.
Nhìn chung, NIM của Ngân hàng Tiên Phong được kỳ vọng sẽ chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 trước khi quay về mức bình thường trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, do lãi suất cho vay có xu hướng giảm và thị trường bất động sản về cơ bản vẫn chưa có nhiều cải thiện, mức phục hồi của NIM của ngân hàng này có thể sẽ không mạnh trong nửa cuối năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/6, giá cổ phiếu TPB của Ngân hàng Tiên Phong đạt 18.500 đồng/cổ phiếu.