NIM được duy trì nhờ tỷ trọng bán lẻ cao trong danh mục cho vay
Theo đánh giá mới nhất của MB Securities (MBS), dự kiến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (mã cổ phiếu: VIB - sàn: HoSE) trong năm nay đạt 4,6%, chỉ giảm nhẹ 10 điểm cơ bản so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động tiền gửi khách hàng của ngân hàng này được dự báo ở mức lần lượt là 15,2% và 20,9%.
Hiện chính sách của Ngân hàng Nhà nước và và xu hướng chung toàn ngành ngân hàng đều cố gắng giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, tăng trưởng toàn ngành ngân hàng đang đối mặt với nhiều thách thức. Những nhân tố này đang khiến NIM của nhiều ngân hàng chịu áp lực lớn. Tuy nhiên, việc tỷ trọng bán lẻ chiếm gần 90% danh mục cho vay đang giúp Ngân hàng VIB duy trì được NIM ở mức tích cực.
Cụ thể, cơ cấu danh mục cho vay theo ngành của Ngân hàng VIB hiện gồm 3 mảng chính: cho vay mua nhà, mua xe và cho vay kinh doanh, chiếm 90% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, cho vay mua nhà chiếm 50-55% tổng dư nợ cho vay và 99,5% các khoản vay mua nhà đều có tài sản thế chấp do ngân hàng tập trung cho vay phân khúc nhà phố đã có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Cho vay mua xe của Ngân hàng VIB chiếm khoảng 6% thị phần mảng này trên thị trường, đứng thứ 2 toàn ngành sau Ngân hàng VPBank. Ngoài ra, cho vay thẻ tín dụng chiếm 8% tổng danh mục cho vay hiện tại của Ngân hàng VIB.
Tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) của nhóm bán lẻ trong danh mục cho vay của Ngân hàng VIB đạt tới 27% trong 10 năm trở lại đây, đưa tỷ lệ này từ mức 54,2% tại cuối năm 2013 lên 89,6% như hiện tại. Nhờ đó, NIM của ngân hàng này cũng gia tăng mạnh theo, từ mức 3,1% lên 4,7% trong cùng giai đoạn.
Trong quý 1/2023, NIM của Ngân hàng VIB đạt 4,7%, đi ngang so với Q4/2022 dù chi phí vốn (COF) đã tăng đáng kể từ 4,3% lên 4,8%. Với mảng cho vay chủ lực là mua nhà và mua xe, các khoản vay của ngân hàng này chủ yếu là trung và dài hạn (chiếm 69,7% danh mục cho vay tại cuối quý 1/2023) với lãi suất được thả nổi theo biên độ, do đó NIM sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự gia tăng của lãi suất huy động.
Ngoài ra, việc huy động được một lượng vốn giá rẻ từ thị trường liên ngân hàng cũng giúp NIM của Ngân hàng VIB được cải thiện nhẹ. Ngân hàng VIB vừa hoàn thành việc huy động khoản vay hợp vốn với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trị giá 100 triệu USD với kỳ hạn 5 năm, giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn giá rẻ để đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân trong mảng vay mua nhà, sửa chữa nhà ở.
Thu nhập ngoài lãi duy trì đà tăng trưởng
Đáng chú ý, Ngân hàng VIB đang tận dụng danh mục cho vay bán lẻ lớn để tăng cường hoạt động bán chéo và tung ra các sản phẩm thẻ có tính sáng tạo nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng mảng kinh doanh thẻ.
Hoạt động thanh toán là hoạt động tạo ra nguồn thu ngoài lãi lớn nhất, chiếm 58,2% tổng thu nhập ngoài lãi của Ngân hàng VIB trong quý 1/2023. Số lượng thẻ lưu hành của ngân hàng này tại cuối Q1/2023 đạt 637.000 thẻ, tăng tới 42,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ tăng trưởng số lượng thẻ lưu hành của Ngân hàng VIB trong 3 năm gần nhất đạt 50,7%. Đặc biệt, chi tiêu thẻ mỗi quý cũng tăng lên gần 4 lần từ mức 5.000 tỷ/quý trong quý 1/2020 lên 19.000 tỷ/quý tại cuối quý 1/2023.
Sự gia tăng mạnh của mảng thu phí thanh toán đã bù đắp lại sự sụt giảm của mảng banca, qua đó giúp thu nhập ngoài lãi (NOI) của Ngân hàng VIB trong quý 1/2023 chỉ giảm nhẹ 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn thu ngoài lãi dồi dào cũng là yếu tố quan trọng giúp ROE của Ngân hàng VIB được duy trì ở mức cao so với toàn ngành trong nhiều quý liên tục (29-30%) do nguồn thu này được phát sinh trên nguồn vốn chủ có sẵn mà không cần gia tăng thêm nguồn vốn chủ sở hữu. Trong đó, việc tận dụng nguồn thu phí từ thẻ sẽ tận dụng được các hiệu quả về chuyển đổi số trên nền tảng khách hàng bán lẻ lớn của ngân hàng sẽ là một ưu thế lớn.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6, giá cổ phiếu VIB của Ngân hàng VIB đạt 23.300 đồng/cổ phiếu.