Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (Ngân hàng SHB, mã cổ phiếu: SHB - sàn: HoSE) vừa thông báo Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho phép Ngân hàng SHB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.971,6 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ năm 2022 và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Như vậy, sau khi thực hiện việc tăng trên, tổng vốn điều lệ của Ngân hàng SHB sẽ tăng lên mức 36.645 tỷ đồng; qua đó, giữ vững vị trí Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Trong năm nay, Ngân hàng SHB đưa ra hai kịch bản kinh doanh. Theo kịch bản 1, nếu hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 được cấp ở mức 10%, mục tiêu tổng tài sản là 600.106 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 10.285 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,93% và 6,15% so với mức thực hiện trong năm 2022. Đối với kịch bản 2, nếu hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp là 14%, mục tiêu tổng tài sản là 606.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 10.626 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,09% và 9,67% so với mức thực hiện năm 2022. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu ở cả hai kịch bản đều ở dưới mức 2%. Đồng thời, Ngân hàng SHB dự kiến chi trả cổ tức năm 2023 ở mức 15%.
Kết thúc quý 1/2023, tổng tài sản của Ngân hàng SHB đạt 570.194 tỷ đồng. Đáng chú ý, Ngân hàng này ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 6.204 tỷ đồng và lãi thuần đạt đạt 4.994 tỷ đồng, lần lượt tăng 32,2% và 35% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có tăng trưởng lãi thuần cao nhất toàn hệ thống trong quý 1/2023. Với kết quả trên, dù trích lập dự phòng rủi ro gấp gần 3 lần cùng kỳ, Ngân hàng SHB vẫn đạt lợi nhuận trước thuế 3.620 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua.
Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan trong lộ trình thoái 100% vốn theo thỏa thuận thương vụ được hai bên ký kết hồi tháng 8/2021.
Trong ba năm tiếp theo, Ngân hàng SHB sẽ tiến hành chuyển nhượng toàn bộ 50% số cổ phần còn lại tại SHB Finance cho Krungsri. Krungsri hiện là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan xét theo quy mô tổng tài sản, dư nợ và tiền gửi; đồng thời, là một thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn tài chính MUFG (Nhật Bản).
Giá trị thương vụ này không được hai bên tiết lộ. Tuy nhiên, tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) dẫn lời một nguồn tin tại Krungsri cho biết giá trị thương vụ vào khoảng 156 triệu USD, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng (theo tỷ giá tại thời điểm ký kết hợp đồng chuyển nhượng). Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SHB, khẳng định "Giá trị bán theo như thoả thuận thì chưa công bố được nhưng cao nhất trong số các thương vụ tài chính mà Việt Nam thoái vốn ra nước ngoài".
Nguồn tài chính từ thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp Ngân hàng SHB tăng cường bộ đệm vốn, một trong những cơ sở để đẩy nhanh lộ trình triển khai Basel III và áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, giá cổ phiếu SHB của Ngân hàng SHB đạt 12.600 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá thị trường của ngân hàng này đạt 38.643 tỷ đồng.