"Có nuối tiếc nhưng chúng tôi rất tự hào"

“26 năm gắn bó với liên doanh này, chúng tôi đã học được nhiều điều và chúng tôi rất tự hào vì những gì mình đã làm được”.
tang minh son
"Chúng tôi rất đỗi tự hào"- ông Tăng Minh Sơn xúc động nói

Đó là chia sẻ của ông Tăng Minh Sơn – Trưởng phòng sản xuất của Công ty Thép Việt – Sing (NatSteelVina) trong buổi làm việc cuối cùng trước khi liên doanh NatSteelVina chính thức chuyển đổi mô hình sang công ty TNHH hai thành viên, sau 26 năm hoạt động.

Ông Sơn bảo, “tôi đã làm việc ở đây cả một thời tuổi trẻ, từ lúc còn thanh niên đến giờ đã sắp nghỉ hưu, Công ty này cũng là máu thịt của những người như chúng tôi – những người đã gắn bó với liên doanh ngay từ ngày đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nó”.

Khó khăn sao vẫn tự hào!

Nụ cười hiền lành với khuôn mặt hiền khô, mới trò chuyện, ông Sơn khá dè dặt. Có lẽ đó là đặc tính của “dân kỹ thuật” mà ông lại là người phụ trách. Ký ức ùa về, những câu chuyện của ông Sơn như một thước phim quay chậm, để người nghe có thể tưởng tượng như mình đang được quay trở về 26 năm về trước, khi mà hai tiếng “liên doanh” nghe còn là một khái niệm rất mơ hồ.

Hồi đó, trong Chiến lược phát triển của Tổng công ty Thép Việt Nam, cần yếu tố nước ngoài cho ngành Thép, nên Công ty Liên doanh NatSteelVina được thành lập với đối tác là Tập đoàn NatSteel Holdings – tập đoàn thép nổi tiếng khu vực châu Á, có chủ sở hữu là người Singapore. Trong giai đoạn đó, liên doanh là một từ rất mơ hồ, trừu tượng, nhiều người, không chỉ là người lao động mà ngay kể các lãnh đạo cũng chưa thể hình dung hết mô hình hoạt động này nó sẽ thế nào.

Và những hạt nhân ưu tú của Gang thép Thái Nguyên thời đó được “chọn mặt, gửi vàng” để sang liên doanh, cùng đội ngũ chuyên gia của đối tác nước ngoài xây dựng nhà máy liên doanh sản xuất thép đầu tiên tại Việt Nam.

“Giai đoạn đầu xây dựng nhà máy là chuỗi ngày mà gần 50 anh em chúng tôi từ Gang thép sang phải gồng mình theo sức ép của dự án. Từ xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền, đến vận hành sản xuất, mỗi bước đều có những áp lực rất lớn, buộc chúng tôi phải cố gắng đến 200% sức lực. Nhưng tuổi trẻ và nhiệt huyết đã giúp chúng tôi vượt qua được khó khăn ban đầu, mang theo tinh thần đó vượt qua những khó khăn của sau này, cho đến nay đạt được những thành công nhất định” – ông Sơn chia sẻ.

Hồi đó, mỗi bên liên doanh cử 40-50 người để cùng triển khai dự án. Phía Tập đoàn NatSteel Holdings, họ đã có một nền sản xuất thép với hệ thống quản trị hiện đại từ lâu, trong khi người của mình thì rất bỡ ngỡ. Mặc dù, chuẩn bị cho dự án này, phía Tổng công ty Thép đã cử anh em CBCNV đi học ngoại ngữ từ trước đó, nhưng khi vào việc, ngôn ngữ là một rào cản lớn để phía Việt Nam đón nhận chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia nước ngoài.

Nhưng “vì mầu cờ sắc áo”, vì sĩ diện của bản thân khi được Tổng công ty lựa chọn và đặt lòng tin, vì sự thành công của liên doanh, anh em kỹ thuật của liên doanh cũng làm việc ngày đêm, tìm mọi cách khắc phục yếu điểm về ngôn ngữ để cùng chuyên gia nước ngoài lắp đặt nhà máy, vận hành các dây chuyền sản xuất. Đó là đề nghị chuyên gia cung cấp các bản vẽ bằng tiếng Anh để tự nghiên cứu, cái gì không biết thì mang tài liệu đến hỏi các thầy cơ khí trong các trường đại học danh tiếng. Thậm chí, có những vấn đề, giáo trình trong nước chưa cập nhật, đến thầy giáo cũng chịu thì bám chặt các chuyên gia hỏi cho bằng hiểu thì thôi.

Nhưng mọi chuyện thật chẳng dễ dàng. Có những vấn đề hai bên tranh cãi gay gắt, không tìm được tiếng nói chung. Vậy là quyết định mỗi bên làm theo cách của mình để xem kết quả thế nào. Nếu kết quả vẫn vậy tức là chỉ sai mỗi góc nhìn. Từ đó, phải cùng ngồi lại với nhau để thống nhất cách làm việc sao cho hiệu quả nhất. “Bởi suy cho cùng, anh em bên mình cũng giỏi lắm, họ học rất nhanh và chuyên môn rất vững, vì thế nếu phía chuyên gia áp đặt là cũng găng nhau. Tuy vậy, mọi nỗ lực đều vì kết quả chung cuối cùng cho Công ty. Mình cũng phải tự hào là 26 năm qua, về chuyên môn kỹ thuật công nghệ trong ngành Thép mình có thể ngẩng cao đầu, không thua kém bất kỳ chuyên gia nước ngoài nào trong liên doanh này” – ông Sơn không giấu giếm niềm tự hào.

 

hoi y chop nhoang
Nhớ mãi những giây phút hội ý chớp nhoáng 

Xây dựng được nhà máy rồi, để vận hành dây chuyền sản xuất ra được sản phẩm cũng là bước đường rất gian truân. Một số anh em sau khi hoàn thành dự án lựa chọn quay trở lại Gang thép Thái Nguyên. Số khác, quyết định “liều” mình thử sức ở một môi trường hoàn toàn mới, đầy rủi ro và thử thách, trong đó có ông Sơn. Những năm đó (năm 1994-1995), trình độ công nhân của mình khi tiếp cận với công nghệ mới đều không đáp ứng được và gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, đội ngũ kỹ thuật của nhà máy đều phải vừa làm vừa đào tạo cho các em, dần dần mới đứng máy vận hành được.

Chưa kể hồi đó, Việt Nam cũng chưa phát triển ngành tự động hóa như bây giờ. Khi vận hành dây chuyền, việc bảo trì, bảo dưỡng cũng vô cùng khó. Một thiết bị có khi phải chờ hàng tháng mới có hàng từ hãng chuyển về, không chủ động được sản xuất. Đội ngũ bảo trì của nhà máy cũng phải nỗ lực gấp đôi, vận dụng hết năng lực của mình, tìm tới các nhà sản xuất cơ khí có tiếng trong nước nhờ hỗ trợ, nhằm hạn chế tối đa thời gian dừng máy vì sự cố. Vì thế, sản xuất của nhà máy tăng dần, những sản phẩm thép cuộn đầu tiên do Việt Nam sản xuất đã lăn đến các công trình, cái tên NatSteelVina đã bắt đầu được nhắc đến như một điểm sáng trong mô hình liên doanh thời bấy giờ.

Kết thúc cũng có nghĩa là mở ra

Vì đối tác là một tên tuổi lớn trên bản đồ ngành Thép thế giới, nên điều mà ông Sơn tâm đắc trong 26 năm làm việc ở đây là hệ thống quản trị hiện đại của liên doanh, coi con người là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Trong quá trình làm việc, Công ty đặc biệt đào tạo, gièn rũa mỗi cá nhân khả năng làm việc nhóm, chia sẻ thông tin và cùng nhau giải quyết. Ông Sơn tâm sự, “chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc họp, đưa ra vấn đề để lấy ý kiến đóng góp. Người trong một nhóm không cùng lĩnh vực và không phân biệt vị trí, chức vụ, nhằm thu thập góc nhìn đa chiều. Sau đó, khi tổng hợp lại, chúng tôi sẽ biết được, với một vấn đề như vậy, người lãnh đạo mong muốn điều gì, người lao động mong muốn như thế nào, và làm thế nào để giải quyết được. Vì thế, mọi mâu thuẫn đều được hóa giải, chúng tôi rất đoàn kết vì mục tiêu chung là liên doanh phát triển vững mạnh”.

Chưa kể, làm trong liên doanh, hàng năm, Tập đoàn còn bỏ rất nhiều chi phí mua các gói đào tạo để cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ cấp phòng ban trở lên đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những cái mới nhất trong công nghệ và quản trị. Định kỳ 2 năm/lần, một bên thứ 3 sẽ tiến hành khảo sát lấy ý kiến tất cả người lao động (nhưng không cần cung cấp danh tính), đánh giá rất nhiều tiêu chí về Công ty, về Tập đoàn. Trên cơ sở đó, Công ty cũng đánh giá được mức độ gắn kết, mức độ hài lòng của người lao động với Công ty để có điều chỉnh kịp thời, phù hợp. Tại các phòng, ban, phân xưởng luôn treo tấm bảng to địa chỉ email, điện thoại của SpeakUp - một dịch vụ độc lập hoạt động 24/7, tiếp nhận mọi ý kiến phản ánh của người lao động, kể cả thư viết bằng tiếng Việt. Nhờ đó, người lao động ở đây ai cũng cảm thấy hài lòng, hầu hết đã gắn bó với Công ty nhiều năm và đều không muốn rời đi nơi khác.

tap trung cao do
Phòng điều khiển theo dõi các thông số của sản xuất 

Ông Sơn chia sẻ, 26 năm, chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình vì nền sản xuất thép bền vững. Chỉ tiếc là chưa được 30 năm theo như ký kết lúc đầu, mới 26 năm đã chuyển đổi chủ sở hữu. Trong môi trường mới, điều chúng tôi hy vọng và mong muốn là một môi trường làm việc công khai, minh bạch đã thành nề nếp sẽ vẫn tiếp tục được phát huy. Một nơi làm việc mà mình luôn được tạo điều kiện để cập nhật kiến thức theo kịp thế giới.

Điều mà chúng tôi tự hào trong suốt những năm qua, là dù nền sản xuất thép của Việt Nam kém hơn Tập đoàn, nhưng bằng tình yêu công việc và năng lực thực tế, các kỹ sư, công nhân của chúng tôi rất được đối tác coi trọng. Không như nhiều liên doanh khác sau một thời gian là bị nước ngoài thôn tính, chúng  tôi đã cùng nhau vun đắp để xây dựng một thương hiệu liên doanh vững mạnh cho đến thời điểm đối tác thoái vốn, chuyển chủ sở hữu sang người Việt Nam hoàn toàn. Vì thế, thực sự khi liên doanh này chấm dứt, cảm xúc của chúng tôi rất khó tả, vừa tự hào, vừa tiếc nuối, có chút bâng khuâng, không biết những ngày sắp tới đây, việc quản trị Công ty thay đổi như thế nào.

“Dù sao thì, điều cuối cùng tôi muốn nói là, chúng tôi đã không uổng phí một thời tuổi trẻ, chúng tôi tự hào vì những gì mình đã làm được” – ông Sơn trải lòng.

Hồ Nga