Tính đến cuối quý 1/2023, lượng tiền mặt ròng của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu: DPM - sàn: HoSE) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu Khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu: DCM - sàn HoSE) chiếm lần lượt 54% và 73% vốn hóa thị trường hiện tại.
Với nguồn tiền dồi dào, SSI Research nhận định Đạm Phú Mỹ có thể trả cổ tức bằng tiền mặt lần lượt là 40% và 30% trên mệnh giá cho năm 2023 - 2024, còn Đạm Cà Mau có thể trả cổ tức bằng tiền mặt 30% trên mệnh giá cho năm 2023 – 2024. Theo đó, tỷ suất hoàn vốn (ROI( của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau lần lượt là 11% và 15%.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/6, giá cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ đạt 32.600 đồng/cổ phiếu; giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau đạt 25.000 đồng/cổ phiếu. Nếu so với thời điểm đầu năm nay, giá cổ phiếu DPM và cổ phiếu DCM đã lần lượt giảm 17% và giảm 8%.
Nguyên nhân chủ yếu do triển vọng lợi nhuận năm 2023 của cả hai doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu Việt Nam đều được nhận định sẽ giảm đáng kể so với mức nền cao kỷ lục trong năm 2022 khi giá phân bón sụt giảm mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá urê đã giảm 30% và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới, mặc dù tốc độ giảm sẽ chậm hơn đáng kể so với hồi quý 1/2023.
Trên thực tế, trong quý 1/2023 vừa qua, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.260 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 301 tỷ đồng, lần lượt giảm 44% và giảm 88% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, công ty chỉ hoàn thành lần lượt 19% mục tiêu doanh thu và 11% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.
Đáng chú ý, tỷ suất lợi nhuận gộp của Đạm Phú Mỹ giảm mạnh từ 48% trong quý 1/2022 xuống chỉ còn 16% trong quý 1/2023. Do khí tự nhiên ở các mỏ khí giá rẻ dần cạn kiệt, Đạm Phú Mỹ đã phải sử dụng khí đốt từ mỏ khí có chi phí cao ở bể Cửu Long, điều này đã làm tăng giá vận chuyển từ 2 USD/mmBtu trong quý 1/2022 lên 4,5 USD/mmBtu trong quý 1/2023. Do đó, chi phí khí đầu vào trong quý 1/2023 đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022, lên 10 USD/mmBtu. Chi phí đầu vào tăng cao cộng với giá bán trung bình giảm mạnh đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của Đạm Phú Mỹ tại tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều giảm xuống trong quý 1/2023. Một số mảng hoạt động thậm chí còn ghi nhận biện lợi nhuận gộp âm như mảng phân bón NPK và phân bón thương mại.
Tuy nhiên, thu nhập tài chính thuần của Đạm Phú Mỹ trong quý 1/2023 lại tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 44 tỷ đồng (chiếm 15% lợi nhuận trước thuế), nhờ số dư tiền mặt ròng tăng nhanh và lãi suất tiền gửi tăng. Tính đến cuối quý 1/2023, Đạm Phú Mỹ có số dư tiền mặt ròng là 6.670 tỷ đồng, tương đương 54% tổng vốn hóa thị trường của công ty.
Đối với Đạm Cà Mau, trong quý 1/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 261 tỷ đồng, lần lượt giảm 33% và giảm 84% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, công ty hoàn thành lần lượt 20% mục tiêu doanh thu và 18% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau trong quý 1/2023 chỉ đạt 21%, so với mức 49% trong quý 1/2022, nguyên nhân chủ yếu do giá bán trung bình giảm. Đáng chú ý, mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp giảm ở tất cả các mảng hoạt động nhưng vẫn đạt mức dương.
Đối với mảng urê, giá bán urê trung bình của Đạm Cà Mau trong quý 1/2023 chỉ ở mức 10.270 đồng/kg, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ cũng giảm 10%, xuống còn 223.000 tấn. Mặc dù sản lượng tiêu thụ trong thị trường nội địa trong quý 1/2023 của Đạm Cà Mau đã tăng 31% so với mức nền thấp của năm ngoái, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho sự sụt giảm tới 38% của sản lượng xuất khẩu.
Đối với mảng NPK, giá bán NPK trung bình của Đạm Cà Mau trong quý 1/2023 ở mức 12.400 đồng/kg, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tiêu thụ giảm 52%, xuống còn 5.500 tấn. Do giá NPK giảm nhẹ hơn so với giá urê nên người nông dân đã ưu tiên mua phân bón urê thay vì phân bón NPK, dẫn đến sản lượng tiêu thụ phân bón NPK có mức sụt giảm lớn so với sản lượng tiêu thụ phân bón urê. Điều tương tự cũng được ghi nhận đối với hoạt động kinh doanh của Đạm Phú Mỹ.
Đáng chú ý, khác với Đạm Phú Mỹ, chi phí khấu hao nhà máy NPK của Đạm Cà Mau thấp hơn nhiều nên mảng này vẫn đạt tỷ suất lợi nhuận gộp dương (+3,3%) trong quý 1/2023 mặc dù công suất hoạt động thấp hơn (7% của Đạm Cà Mau so với 28% của Đạm Phú Mỹ), trong khi đó Đạm Phú Mỹ lại ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp âm (-8%). Chi phí đầu tư nhà máy NPK của Đạm Cà Mau chỉ ở mức 780 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 2.200 tỷ đồng của Đạm Phú Mỹ.
Thu nhập tài chính thuần của Đạm Cà Mau trong quý 1/2023 tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 110 tỷ đồng (chiếm 43% lợi nhuận trước thuế) nhờ số dư tiền mặt ròng tăng và lãi suất tiền gửi tăng. Tính đến cuối quý 1/2023, Đạm Cà Mau có số dư tiền mặt ròng là 9.230 tỷ đồng, tương đương 73% tổng vốn hóa thị trường của công ty.