Con đường tiến tới “nền kinh tế xanh” vẫn còn nhiều thách thức

Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH hiện nay không chỉ là đòi hỏi cấp thiết đối với các cấp quản lí, các doanh nghiệp mà đó còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính tr

PGS.TS Dương Hồng Sơn - Phó Viện trưởng Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường  

PV: GS.TS cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường của Việt Nam hiện nay và những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm?

PGS.TS Dương Hồng Sơn: Ô nhiễm làng nghề là tác nhân chính hủy hoại môi trường và đe dọa tới sức khỏe của cộng đồng dân cư. Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy, có đến 46% số làng nghề có môi trường (không khí, nước, đất hoặc cả ba dạng trên) bị ô nhiễm nặng và có 27% ô nhiễm vừa.

Hầu hết các hồ ao nội thành ở các thành phố Việt Nam đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước hồ có mầu đen và gây mùi hôi. Chất lượng nước các đoạn sông sau khi chảy qua các khu đô thị, vùng tập trung các hoạt động sản xuất công nghiệp giảm sút rõ rệt, nhiều chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn cho phép nhiều lần.

Những năm gần đây, mỗi năm, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư khoảng 250 triệu đô la Mỹ vào công tác xử lý nước thải đô thị. Dự tính từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần đầu tư khoảng 8,3 tỉ đô la Mỹ vào thu gom xử lý nước thải đô thị.

Về môi trường đất, nguy cơ hủy hoại môi trường từ việc lệ thuộc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV là một trong những nguyên nhân dẫn tới gây ô nhiễm môi trường, làm nguồn nước, đất đai bị nhiễm độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người và cây trồng. Tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Việt Nam cũng đã được giới khoa học cảnh báo từ rất lâu. Nhu cầu đi lại, quá trình đô thị hóa nhanh, trong khi chưa có biện pháp thích hợp đã khiến chất lượng không khí đang giảm xuống, đặc biệt là ở các đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra theo Báo cáo môi trường quốc gia 2010, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu còn do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng và công nghiệp. Trong đó hoạt động giao thông góp 70% lượng khí thải gây ô nhiễm, 85% lượng khí CO (một khí không màu, gây ngạt thở, nhói ở mũi, cổ họng), 95% lượng VOCs (các chất hữu cơ bay hơi có thể gây khô da, ảnh hưởng xấu đến hệ tuần hoàn, tiêu hóa, gan thận) và các loại khí độc hại khác.

PV: Ô nhiễm môi trường sẽ tác động đến đời sống kinh tế - xã hội ra sao thưa ông?

PGS.TS Dương Hồng Sơn: Ngân hàng Thế giới (WB) vừa rồi công bố số liệu cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hằng năm. Và con số này sẽ không ngừng tăng nếu chúng ta không thực hiện những biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Hàng năm, chúng ta đã phải chi gần 800 triệu đô la cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên. Cũng theo Ngân hàng Thế giới thì ở Việt Nam có đến 80% những ca bệnh lỵ và tiêu chảy đều do nguồn nước ô nhiễm mà ra. Trong bốn năm qua, có đến 6 triệu trường hợp bệnh lỵ và tiêu chảy là có liên quan đến nguồn nước ô nhiễm. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 quốc gia có chất lượng không khí tệ nhất trên thế giới. WHO đã báo động, 90% các trường hợp nhiễm dioxin là từ thực phẩm. Các chuyên gia ước tính thiệt hại do ô nhiễm môi trường tới kinh tế Việt Nam khoảng 1,5 - 5% GDP.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào hai nhân tố là vốn và sức lao động trong đó tỷ trọng đóng góp của KHCN (tỷ lệ với mức độ hiện đại của công nghệ, hiệu suất sử dụng năng lượng, tài nguyên) lại thấp hơn nhiều quốc gia khác. Điều đó dẫn tới tốc độ tăng trưởng chưa cao, chất lượng tăng trưởng thấp, thiếu tính bền vững.

PV: Việt Nam cần những giải pháp lâu dài như thế nào để ứng phó với vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, thưa ông?

PGS.TS Dương Hồng Sơn: Nằm trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới, Việt Nam hội tụ những điều kiện thuận lợi từ điều kiện tự nhiên, xã hội đến chủ trương, chính sách để tiến hành xanh hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, con đường tiến tới “nền kinh tế xanh” của Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, cần có nhiều giải pháp được triển khai một cách đồng bộ sau:

Tăng cường công cụ chính sách và pháp luật: Ưu tiên hàng đầu là sửa đổi Luật BVMT về quản lý chất lượng môi trường, xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm. Cần có những văn bản pháp luật quy định chi tiết hơn trong Luật BVMT 2005 về kiểm soát ô nhiễm.

Tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm soát ô nhiễm theo quy định hiện hành như lập báo cáo ĐTM phải đệ trình chi tiết kế hoạch và trang thiết bị xử lý ô nhiễm cho một số ngành đặc thù, tiến tới cần thực hiện việc cấp phép hạn mức phát thải (quota) các chất ô nhiễm cho các doanh nghiệp. Kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất việc tuân thủ các quy chuẩn Việt Nam. Xây dựng quy định phạt nặng hành vi gây ô nhiễm từ các hoạt động KT - XH.

Ban hành và thực thi chính sách thu phí khí thải giao thông và áp dụng chính sách khuyến khích giảm khí thải giao thông, không cho các xe quá cũ vận hành, cấm hoặc giảm lưu lượng xe ở khu vực trung tâm thành phố.

Ban hành chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí như xây dựng các trạm thử nghiệm phát thải từ các phương tiện cơ giới đường bộ.

Tăng cường hệ thống quản lý: Phân định rõ trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp về kiểm soát ô nhiễm cho các bộ ngành, đặc biệt là Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công Thương, Xây dựng, Khoa học Công nghệ.

Tăng cường giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng: Phát huy tối đa hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của toàn xã hội, toàn dân. Phổ cập và nâng cao hiểu biết, cung cấp thông tin và bảo vệ môi trường; cổ động liên tục cho các phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, nêu gương điển hình trong việc bảo vệ môi trường.

Tăng cường giáo dục môi trường trong các trường học. Lồng ghép các kiến thức môi trường một cách khoa học và hợp lý trong các chương trình giáo dục của từng cấp học. Tăng cường cơ chế, chính sách khuyến khích người dân chủ động tham gia công tác bảo vệ môi trường trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác phối hợp với Ban tổ chức chính quyền thành phố, các trường đại học mở các lớp đào tạo về kiến thức quản lý môi trường.

Tăng cường công cụ kinh tế: Ban hành quy định về thu phí khí thải, tăng cường các biện pháp xử phạt trong quản lý chất lượng môi trường, các biện pháp kinh tế nhằm hạn chế số lượng phương tiện giao thông cá nhân vào nội thành, hỗ trợ cho việc thay thế phương tiện cũ bằng phương tiện mới. Bên cạnh đó cần nghiên cứu sử dụng biện pháp dán nhãn xanh cho các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS!