Công chức sẽ phải cạnh tranh để có vị trí việc làm?

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội về nội dung liên quan tới chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp, trong đó có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Về tinh giản biên chế, các Nghị quyết Trung ương 6, 7 Khóa XII, Nghị quyết 39/NQ-TW và Kết luận 17-KL/TW của Bộ Chính trị đều khẳng định: thực hiện tinh giản biên chế trong cả hệ thống chính trị đến năm 2021 phải đạt 10%; đồng thời thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đối với viên chức phải đạt tối thiểu 65% làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Chính phủ luôn chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

Tại khối Chính phủ quản lý, tính đến năm 2019, biên chế công chức đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; biên chế viên chức giảm 3,87% so với năm 2015. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng 68 đã thực hiện tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP từ năm 2015 đến 31/12/2018 là 41.268 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 10 tháng đầu năm 2018: 10.907 người).

Tuy nhiên, thực tế mới thực hiện giảm số lượng đơn thuần (số lượng giảm hầu hết là nghỉ hưu trước tuổi), chưa gắn việc giảm số lượng với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Biên chế sự nghiệp y tế và giáo dục thừa, thiếu cục bộ.

Trước những tồn tại như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp:

- Quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đã được phân công, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương tinh giản biên chế, chính sách tinh giản biên chế đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, trong đó chú trọng công tác hoàn thiện thể chế;

- Rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trước mắt, Chính phủ sẽ bổ sung biên chế sự nghiệp y tế, giáo dục cho một số địa phương tăng dân số cơ học để bảo đảm nguyên tắc có học sinh có giáo viên đứng lớp, có người bệnh có cán bộ y tế theo Kết luận của Bộ Chính trị.

- Có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời". Kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

- Chú trọng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực chất; tăng cường tự thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Thực hiện nghiêm túc việc phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tản Viên