Công ty Điện lực Vĩnh Phúc: Thành công nhờ áp dụng lưới điện thông minh

Vĩnh Phúc hiện là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp hàng đầu khu vực phía Bắc và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh những khu sản xuất công nghiệp lớn như Honda,

Chiến lược nhất quán

Nhằm theo kịp xu thế vận hành lưới điện theo hướng tự động hóa và hiện đại hóa, cuối năm 2015, PC Vĩnh Phúc đã đưa vào sử dụng Hệ thống lưới điện thông minh Mini Scada để phục vụ công tác quản lý kỹ thuật, vận hành, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đồng thời phục vụ cho công tác sản xuất, kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển của mình, lãnh đạo Công ty luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đầu tư. Riêng giai đoạn 2014-2015, PC Vĩnh Phúc đã triển khai các dự án lớn như: Xây dựng và đóng điện trạm 110kV Hội Hợp, trạm 110kV Vĩnh Yên 2 với tổng mức đầu tư 222 tỷ đồng; dự án KFW 2 với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Ngoài yêu cầu về bảo đảm cung ứng điện, Công ty còn hướng đến những mục tiêu cao hơn về nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng thông qua việc áp dụng nhiều công nghệ mới, trong đó không thể không kể tới lưới điện thông minh.

Đặc biệt, PC Vĩnh Phúc là đơn vị đầu tiên của Tổng công ty Điệc lực miền Bắc (EVNNPC) đã triển khai lắp đặt 100 công tơ điện tử RF và xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu từ xa giúp khách hàng dễ dàng phát hiện rò điện tại các thiết bị sử dụng lâu năm, chất lượng cách điện suy giảm, bảo đảm chính xác và minh bạch trong chỉ số tiêu thụ. Khoa học đã chứng minh rằng, so với công tơ điện cơ, công tơ điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội như: Độ chính xác công tơ điện tử đến ± 1%, cao hơn so với công tơ điện cơ (± 2%); công tơ 1 pha RF có dải dòng làm việc rộng từ 5 đến 80A (trong khi công tơ điện cơ chỉ có dải dòng từ 5 đến 20 A) nên hạn chế được tối đa sự cố cháy hỏng công tơ, dễ dàng phát hiện các bất thường trong hệ thống đo đếm bằng chức năng cảnh báo trên công tơ, khắc phục kịp thời, đảm bảo lợi ích của người tiêu dung, công tơ điện tử hoạt động tin cậy, ổn định; kết cấu nhỏ gọn, thuận tiện trong việc lắp đặt; có khả năng mở rộng và tích hợp thêm các module rời nhằm bổ sung các tiện ích riêng theo nhu cầu của người sử dụng; đo đếm đa chức năng và đặc biệt là có các cổng giao tiếp dữ liệu cho phép kết nối vào các hệ thống thu thập dữ liệu tự động từ xa qua các mạng truyền dẫn phổ biến như RF, PLC, GSM, GPRS, CDMA, 3G, Wifi… Đối với khách hàng sử dụng điện, việc ghi chỉ số công tơ được thực hiện từ xa bằng thiết bị đọc chỉ số công tơ di động, toàn bộ số liệu được ghép tự động vào chương trình kinh doanh điện năng, do đó loại bỏ được các sai sót khách quan cũng như chủ quan từ người ghi điện. Đồng thời, khách hàng không phải “chờ ghi điện” vì nhân viên ghi điện không phải vào nhà khách hàng như trước. Ngoài ra, khách hàng được thông báo ngay lượng điện năng tiêu thụ và số tiền điện sẽ phải thanh toán. Đối với ngành điện, việc ứng dụng công nghệ vào việc tự động ghi chỉ số và nhập chỉ số công tơ là bước cải tiến cơ bản so với cách ghi chữ thông thường, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động do trèo trụ gây ra, đồng thời tăng năng suất lao động. Nhận thức về “lợi ích kép” như vậy, thực hiện chủ trương của toàn ngành Điện, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã kỳ vọng vào Công ty Điện lực Vĩnh Phúc và những kỳ vọng này thật không uổng phí.

Máy nhập số liệu từ công tơ điện tử

Đến nay, PC Vĩnh Phúc đã lắp đặt và vận hành 50.926 công tơ điện tử 1 pha và 3 pha RF tại 9 điện lực trực thuộc, trong đó lắp đặt tập trung tại Điện lực thành phố Vĩnh Yên và Điện lực thị xã Phúc Yên được 45.363 công tơ điện từ RF thuộc 188 trạm biến áp công cộng. Công ty đã đưa vào khai thác giám sát, ghi chỉ số công tơ, ra hóa đơn hàng tháng với sản lượng bình quân tháng đạt 11,97 triệu kWh, chiếm khoảng 9,03% sản lượng điện thương phẩm toàn Công ty. Thực hiện ghi chỉ số theo phương thức bán tự động bằng thiết bị cầm tay HHU-RF tại 167 TBA công công với với khối lượng 37.980 công tơ RF. Ghi chỉ số tự động hoàn toàn qua bộ tập trung (hệ thống AMR) tại 21TBA công cộng với khối lượng 7.383 công tơ RF. Đối với công tơ đo đếm tổng TBA công cộng đã lắp công tơ 3 pha điện tử 1 giá RF có thể dùng HHU-RF hoặc hệ thống AMR để ghi chỉ số công tơ đầu cực phục vụ việc theo dõi sản lượng, tính toán tổn thất của TBA nhanh chóng, chính xác.

Xu hướng tất yếu

Qua quá trình vận hành cho thấy, công tơ điện tử 1 pha RF hoạt động ổn định, chính xác, hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa đầy đủ, tin cậy. Hệ thống đã đáp ứng yêu cầu quản lý đo đếm điện năng, nâng cao hiệu quả công tác kinh doanh bán điện, đồng thời đảm bảo quyền giám sát của khách hàng sử dụng điện đối với việc ghi chỉ số công tơ và tiêu thụ điện năng nên đã tạo được sự đồng thuận lớn từ phía khách hàng sử dụng điện.

Thực tế, việc ứng dụng công tơ điện tử vào đo đếm điện năng giúp ích cho cả hai bên mua và bán điện. Ông Lê Đức Thuận - Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Điện lực Vĩnh Phúc khẳng định: “Với các tính năng tiên tiến, công tơ điện tử RF và hệ thống đo xa tự động AMR do Công ty Điện lực Vĩnh Phúc triển khai đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với khách hàng như: Biết được phụ tải thực tế đang sử dụng qua các thông số điện áp và dòng điện để điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; dễ dàng giám sát được chỉ số và điện năng, hoàn toàn đảm bảo tính chính xác và minh bạch”.

Ông Lê Đức Thuận - Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Điện lực Vĩnh Phúc khẳng định: “Với các tính năng tiên tiến, công tơ điện tử RF và hệ thống đo xa tự động AMR do Công ty Điện lực Vĩnh Phúc triển khai đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với khách hàng".

Còn người dân Vĩnh Phúc, sau khi hiểu rõ tính năng, tác dụng của công tơ RF, đã hoàn toàn yên tâm sử dụng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, ngõ 2 đường Lý Thường Kiệt, Đồng Tâm, Vĩnh Yên chia sẻ: “Sử dụng công tơ điện tử có lợi cho cả đôi bên, vừa giảm công sức cho ngành Điện, lại vừa giảm rắc rối trong việc ghi chỉ số, nhận hóa đơn, trả tiền điện cho khách hàng. Công tơ điện tử thực sự tiện lợi như những gì ngành Điện đã thông tin. Chúng tôi tin tưởng vào công tơ điện tử, vào ngành Điện”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung nói về sự hài lòng khi sử dụng công tơ điện tử

Từ kết quả khả quan đó, năm 2016, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã tin tưởng giao cho Công ty Điện lực Vĩnh Phúc nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn nữa. Đó là phân bổ thêm công tơ điện tử 1 pha có tính năng đo xa RF cho Công ty Điện lực Vĩnh Phúc để triển khai thay thế toàn bộ công tơ cơ khí cho phần còn lại của thị xã Phúc Yên (gồm các phường, xã: Ngọc Thanh, Cao Minh, Đồng Xuân, Xuân Hòa, Nam Viêm, Tiền Châu) với gần 12.000 công tơ. Đồng thời với việc thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã thực hiện kết hợp chỉnh trang lưới điện đô thị trên địa bàn và đồng bộ việc đo xa khối lượng công tơ trên với hệ thống đo xa tự động đang áp dụng.

Đến hết tháng 7/2016, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã vận hành hệ thống đo xa tự động hoàn toàn với hơn 57.000 công tơ điện tử RF để bán điện cho toàn bộ khách hàng sau TBA công cộng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên. Được biết, trong các năm tiếp theo, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục từng bước thay thế công tơ 1 pha RF tại các khu vực còn lại do Công ty quản lý.

Như vậy có thể khẳng định, phát triển lưới điện thông minh đã giúp Công ty Điện lực Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, mang lại những phản ứng tích cực từ phía khách hàng. Nhận thấy tiềm năng của đơn vị, Tổng công ty Điện lực miền Bắc sẽ tiếp tục ủng hộ và bố trí nguồn vốn cho Công ty Điện lực Vĩnh Phúc triển khai mở rộng việc thay thế công tơ khí bằng công tơ điện tử RF ở các khu vực thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn hơn, nhằm phát triển hơn nữa việc hiện đại hóa hạ tầng đo đếm, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh. Đây là một thuận lợi rất lớn của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc trong giai đoạn tiếp theo.