Thu nộp ngân sách 1,2 tỷ đồng
Ngay từ đầu năm, Cục QLTT Hà Tĩnh đã xây dựng các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Với sự quyết tâm cao, đoàn kết nội bộ và những đổi mới của tập thể Lãnh đạo Cục bằng nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp trong chỉ đạo, điều hành, tham mưu các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hình thức, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng. Cùng với đó, hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm quyết liệt nên hiệu quả công tác quản lý thị trường ngày càng được nâng cao và toàn diện trên các mặt.
Kết quả, trong Quý I năm 2024, Cục QLTT Hà Tĩnh đã kiểm tra 249 vụ, xử lý 244 vụ với 261 hành vi; thu nộp ngân sách 1,2 tỷ đồng đạt 33,4% kế hoạch năm 2024. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Hàng lậu; hàng giả; hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về Quyền sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá, mã số mã vạch; lĩnh vực an toàn thực phẩm; lĩnh vực nông nghiệp; lĩnh vực y tế; lĩnh vực giá.
Ký cam kết với 267 doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Bên cạnh đó, Cục QLTT Hà Tĩnh cũng ký cam kết với 267 doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật liên quan hoạt động kinh doanh xăng dầu; giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với 239 cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh; dán thông báo đường dây điện thoại nóng tại các cửa hàng xăng dầu; tổ chức hội nghị tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về thương mại điện tử và một số hoạt động công vụ khác cho công chức; thực hiện quay phóng sự, viết tin bài về các hoạt động của cơ quan, đơn vị đăng tải lên cổng thông tin điện tử Tổng cục, Cục QLTT.
Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác QLTT, Cục QLTT Hà Tĩnh sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ trọng tâm kế hoạch đề ra tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành sớm các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại với nhiều hình thức.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm, vi phạm về niêm yết giá, vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, kinh doanh vàng bạc, phụ tùng xe đạp .v.v.; chú trọng tập trung các tổ chức các nhân kinh doanh trên thương mại điện tử, nền tảng số.