Vừa qua, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường với nhiều thông tin đáng lưu ý về kế hoạch đầu tư trong năm 2024 và chiến lược phát triển mảng NPK trong thời gian tới.
Cụ thể, Đạm Cà Mau dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng trong năm 2024. Trong đó, khoảng 600 tỷ đồng được dùng để mua lại Nhà máy Phân bón Hàn - Việt (KVF). Dự án này sẽ giúp nâng gấp đôi tổng công suất sản xuất NPK của Đạm Cà Mau lên mức 660.000 tấn/năm.
Khoảng 900 tỷ đồng vốn đầu tư còn lại sẽ được Đạm Cà Mau dùng để thực hiện loạt dự án lớn, bao gồm: việc phát triển hạ tầng kho bãi tại một số vùng miền để gia tăng khả năng tích trữ nguyên liệu và hàng hoá nhằm gia tăng lợi thế kinh doanh; Dự án thu hồi CO2 để chế biến thành CO2 thực phẩm; Dự án sản xuất khí công nghiệp tại nhà máy hiện hữu; đầu tư hệ thống xuất hàng xá để tiết kiệm chi phí bốc dỡ, bao bì khi thực hiện xuất khẩu…
Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau nhận định: “Công ty đang trong thời điểm thuận lợi để thực hiện công tác đầu tư, mở rộng sản xuất, hoàn thiện hệ thống tồn trữ và phân phối, đảm bảo nguồn hàng luôn sẵn sàng và kịp thời ở các thị trường trọng điểm. Việc đầu tư sẽ mang lại hiệu quả và tạo lợi thế để công ty phát triển bền vững trong thời gian tới”.
Theo đánh giá hiện nay của nhiều tổ chức tài chính, việc thâu tóm thành công Nhà máy KVF sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho Đạm Cà Mau. So với các doanh nghiệp sản xuất NPK khác, Đạm Cà Mau đang có lợi thế là tự chủ được nguồn phân ure đầu vào.
Bên cạnh đó, vị trí, hệ thống kho bãi, và mạng lưới phân phối sẵn có của Nhà máy KVF tại Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh) sẽ cho phép Đạm Cà Mau mở rộng hiện diện tại thị trường tiềm năng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Chia sẻ về chiến lược phát triển mảng NPK thời gian tới, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, mặc dù sản lượng kinh doanh NPK năm 2023 chỉ hoàn thành 95% kế hoạch được giao nhưng trong thời gian qua, mảng này đã ghi nhận tăng trưởng mạnh, từ 41.000 tấn trong năm 2021 lên 152.000 tấn trong năm 2023.
“Hiện tại nguyên liệu để sản xuất NPK đa số phải nhập khẩu và giá bán NPK chủ yếu xác định trên giá nguyên liệu, vì vậy làm tốt khâu nguyên liệu, chủ động và ký hợp động nhập khẩu nguyên liệu cùng với sản phẩm chủ lực ure sẽ là lợi thế cho công ty. Ngoài ra, việc sản xuất và kinh doanh NPK còn là đòn bẩy để công ty phát huy hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm phân bón khác”, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau chia sẻ.
Để chuẩn bị cho việc mở rộng mảng NPK, từ những năm qua, Đạm Cà Mau đã triển khai các hoạt động marketing, xâm nhập thị trường, tạo được lợi thế cạnh tranh nhất định.
Cũng tại Đại hội, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau dự báo giá ure trong năm nay sẽ ít biến động và không thay đổi nhanh như năm 2023. Đồng thời, sản lượng ure xuất khẩu từ Trung Quốc có thể giảm do giá urê nội địa tại Trung Quốc cao hơn giá xuất khẩu và Chính phủ Trung Quốc ưu tiên an ninh lương thực quốc gia.
Về vấn đề quyết toán chi phí khí đầu vào, Đạm Cà Mau đã quyết toán xong giá khí và hoàn nhập lại khoảng 40 tỷ đồng. Đối với giá khí đầu vào năm 2023, Đạm Cà Mau vẫn đang thực hiện việc quyết toán. Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau kỳ vọng việc quyết toán sẽ là tiềm năng hỗ trợ cho lợi nhuận trước thuế sơ bộ của công ty trong năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 11/1, thị giá cổ phiếu DCM đạt 32.350 đồng/cổ phiếu.