Đạm Cà Mau: Dự kiến chi cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 30%, có thể triển khai dự án M&A trị giá 850 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với dự kiến chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 30%, có thể triển khai dự án M&A trị giá 850 tỷ đồng.
Cổ phiếu Đạm Cà Mau
Đạm Cà Mau dự kiến nghiên cứu, triển khai 01 dự án mua bán sát nhập (M&A) với tổng mức đầu tư ước tính 850 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, lợi thế thị trường trong dài hạn đối với các dòng sản phẩm phân bón chất lượng cao.

Theo đó, năm nay, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán: DCM – sàn: HoSE) đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất ở mức 13.458,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 1.383,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và giảm 68% so với mức thực hiện năm 2022.

Đạm Cà Mau sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% vốn điều lệ (tương đương 3.000 đồng/cổ phiếu) và phương án chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 16% vốn điều lệ (tương đương 1.600 đồng/cổ phiếu).

Dự kiến Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của công ty sẽ diễn ra vào ngày 12/6/2023 tại TP.Cà Mau.

Về chiến lược sản xuất kinh doanh, Đạm Cà Mau cho biết trong năm nay sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục cải hoán, tối ưu hoá, nâng cao công suất nhà máy; cải tiến, đa dạng hoá sử dụng nguồn nguyên liệu, đa dạng sản phẩm và nâng cao chất lượng khác biệt của phân xưởng NPK.

Công ty sẽ triển khai chính sách bán hàng chủ động, phát triển nâng cao thị phần khu vực Đông Nam Bộ - Tây Nguyên và tại Campuchia. Đồng thời, Đạm Cà Mau sẽ hoàn thành chiến lược phát triển thương hiệu, triển khai phát triển cho các nhóm sản phẩm, hoàn thành chuyển đổi nhận diện thương hiệu Phân bón Cà Mau. Công ty cũng sẽ mở rộng nguồn cung nguyên liệu, sản phẩm phân bón nhập khẩu và tham gia kinh doanh phân bón quốc tế.

Đạm Cà Mau cho biết sẽ nghiên cứu khả năng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài về Nhà máy lên men vi sinh và các chế phẩm lên men vi sinh; đầu tư bước đầu trong mảng khí công nghiệp, tìm hiểu các công nghệ sản xuất và hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án sản xuất khí công nghiệp (Nito và Argon) và CO2 thực phẩm; và nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất Ure từ nguồn khí của Tập đoàn dầu khí quốc doanh Malaysia Petronas.

Các dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Đạm Cà Mau đa dạng hoá sản phẩm, tối ưu nguồn nguyên liệu và các tiện ích Nhà máy, góp phần gia tăng doanh thu và lợi nhuận.  

Đáng chú ý, Đạm Cà Mau dự kiến nghiên cứu, triển khai 01 dự án mua bán sát nhập (M&A) với tổng mức đầu tư ước tính 850 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, lợi thế thị trường trong dài hạn đối với các dòng sản phẩm phân bón chất lượng cao.

Ngoài ra, công ty cũng sẽ nghiên cứu, triển khai thực hiện 01 Dự án Kho tại khu vực miền Trung với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tồn trữ - cung ứng hàng hoá, làm đầu mối giao nhận phục vụ thị trường miền Trung và Tây Nguyên; và 01 Dự án kho bổ sung 12.000 tấn với tổng mức đầu tư 205 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ và xử lý nguyên liệu sơ bộ, kết hợp bổ sung thêm các thiết bị nạp liệu cho phân xưởng NPK.

Giá cổ phiếu Đạm Cà Mau
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: Trading View)

Kết thúc quý 1/2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.734,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 229,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 33% và 85% so với mức nền cao của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 quý gần nhất của Đạm Cà Mau.

Trong năm 2022, giá phân bón Ure đã đạt mức cao kỷ lục khi nguồn cung toàn cầu bị thiếu hụt dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và nhiều quốc gia trên thế giới hạn chế xuất khẩu phân bón, bao gồm cả Trung Quốc. Nhờ vậy, lợi nhuận của Đạm Cà Mau trong năm 2022 tăng đột biến, lập mức cao nhất lịch sử kể từ khi đi vào hoạt động.

Nếu so với kế hoạch kinh doanh dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, sau 3 tháng đầu năm nay, Đạm Cà Mau đã hoàn thành 16,8% mục tiêu doanh thu và 16,6% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/5, giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau giảm 0,2%, đạt 23.850 đồng/cổ phiếu.