
Ngày 9/7, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được đã chủ trì buổi làm việc với 36 xã, phường thuộc khu vực tỉnh Bình Dương (cũ) nhằm đánh giá tình hình hoạt động sau khi sắp xếp bộ máy tổ chức và giải quyết các kiến nghị từ địa phương.
Tại buổi làm việc, bên cạnh các ý kiến từ địa phương, ông Phạm Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã cổ phiếu BCM - sàn HoSE) đề nghị chính quyền TP.Hồ Chí Minh đẩy nhanh thủ tục pháp lý đối với các dự án đang dang dở từ trước khi tỉnh Bình Dương hợp nhất vào TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt là sau thời điểm chính quyền hai cấp bắt đầu vận hành từ ngày 1/7.
Trong đó, Becamex IDC đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.Hồ Chí Minh sớm hoàn tất việc xác định giá đất để tính nghĩa vụ tài chính tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng (380 ha, trong tổng quy mô mở rộng 1.000 ha) và Khu công nghiệp Cây Trường (700 ha).
Becamex IDC đã tiến hành khởi công hai khu công nghiệp trên vào giữa tháng 5/2025 và các dự án này được định hướng phát triển theo mô hình khu công nghiệp xanh, phát thải thấp theo chuẩn quốc tế, đồng thời tích hợp yếu tố đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0 và năng lượng tái tạo.

Hai khu công nghiệp này cũng được kỳ vọng sẽ giúp Becamex IDC đón đầu nhu cầu của làn sóng FDI thời gian tới, tạo ra cú hích về tăng trưởng trong trung và dài hạn trong bối cảnh thiếu vắng các dự án quy mô lớn trong những năm gần đây và các dự án hiện hũu đã đạt tỷ lệ lấp đầy cao.
Cũng liên quan đến việc phát triển các khu công nghiệp, lãnh đạo Becamex IDC đề xuất UBND TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí để Tổng công ty lập quy hoạch phân khu cho các dự án Khu công nghiệp Lai Hưng và Khu công nghiệp Bình Dương Reverside ISC.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2024, hai dự án khu công nghiệp Lai Hưng và Bình Dương Reverside ISC sẽ được thành lập mới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.
Dự kiến mỗi khu công nghiệp sẽ có quy mô 600 ha và sẽ là nơi đón các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp di dời từ TP.Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Ngọc Thuận cũng đề nghị chính quyền TP.Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 theo Nghị quyết 45 để triển khai hợp đồng BOT; đồng thời, đề nghị tiếp tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn theo hình thức PPP, nhất là đoạn 15,3 km kết nối với Vành đai 3.
Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh cho biết tỉnh Bình Dương (cũ) đã giao Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện quy hoạch 06 khu công nghiệp, trong đó có các khu công nghiệp do Becamex IDC đề xuất. UBND tỉnh Bình Dương (cũ) cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 02 cụm công nghiệp và đang rà soát 08 cụm khác, chủ yếu từ quỹ đất cao su.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp, đề nghị các bên liên quan phối hợp giải quyết.
Về phát triển công nghiệp, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh khu vực tỉnh Bình Dương (cũ) được quy hoạch là thủ phủ công nghiệp, do đó tiến tới phải quy hoạch quỹ đất để tiếp nhận các khu công nghiệp ở trung tâm TP.Hồ Chí Minh đang quả tải.