Kỳ vọng lãi ròng quý 4/2023 phục hồi mạnh
Kết thúc quý 3/2023, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần 3.215 tỷ đồng, giảm 17,2% so với quý 3/2022. Lãi ròng cũng giảm sâu, chỉ đạt 64 tỷ đồng, giảm 93,5% so với quý 3/2022 và giảm 36,5% so với quý 2/2023.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, lãi ròng của Đạm Phú Mỹ đã giảm 90,4% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành gần 19% mục tiêu cả năm nay.
Bóc tách dữ liệu cho thấy, so với quý 2/2023, mức giảm lãi ròng trong quý 3/2023 của Đạm Phú Mỹ chủ yếu là do doanh thu tài chính giảm mạnh, chỉ còn hơn 27 tỷ đồng (giảm 85% so với quý 2/2023). Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy lãi tiền gửi, tiền cho vay của Đạm Phú Mỹ đã giảm, trong khi số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng trong quý 3/2023 chỉ giảm 11% so với quý 2/2023.
Điều này có thể liên quan đến kỳ hạch toán tiền gửi của Đạm Phú Mỹ theo thời điểm thực nhận lãi. Do đó, khoản doanh thu tài chính có thể sẽ tăng trở lại trong quý 4/2023 khi tiến hành hạch toán, giúp hỗ trợ lãi ròng của Đạm Phú Mỹ phục hồi.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Đạm Phú Mỹ đã có tín hiệu phục hồi theo quý với biên lợi nhuận gộp trong quý 3/2023 đạt 12,7%, so với mức 10,5% của quý 2/2023.
Mặc dù sản lượng kinh doanh phân ure trong quý 3/2023 đã giảm 25% so với quý 2/2023 nhưng mức giảm này mang tính chất thời vụ do thông thường nhu cầu phân bón trên cả nước sẽ xuống thấp trong quý 3. Trong khi đó, giá bán phân ure của Đạm Phú Mỹ trong quý 3/2023 đã tăng 7% so với quý 2/2023 trong bối cảnh Trung Quốc yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.
Ngoài ra, mảng tự doanh phân bón nhập khẩu của Đạm Phú Mỹ cũng đã được cải thiện với lợi nhuận gộp đạt 36 tỷ đồng trong quý 3/2023, so với mức lỗ gộp 48 tỷ đồng trong quý 2/2023.
Chi phí khí đầu vào có thể giảm trong thời gian tới
So với cùng kỳ năm trước, sản lượng tiêu thụ phân ure trong quý 3/2023 của Đạm Phú Mỹ đã tăng tới 12% nhưng doanh thu và lãi ròng giảm sâu do giá bán ure đã giảm 35% và giá bán NH3 giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những mức giảm so mức đỉnh lịch sử của năm 2022.
Trong khi đó, chi phí giá khí đầu vào lại không giảm mặc dù giá dầu đã giảm 14% so với quý 3/2022. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp quý 3/2023 giảm còn 12,7%, so với mức 38% của quý 3/2022.
Trong những tháng vừa qua, Đạm Phú Mỹ chủ yếu chỉ nhận khí từ bể Nam Côn Sơn và Cửu Long khác (có chi phí vận chuyển cao hơn) khiến giá khí bình quân nửa đầu năm 2023 đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do Đạm Phú Mỹ phải tăng tỷ trọng sử dụng khí từ các mỏ khí giá cao do trữ lượng từ các mỏ khí giá thấp đang sụt giảm liên tục và nhu cầu huy động điện khí cao khiến khí giá thấp được ưu tiên phân bổ cho các nhà máy điện khí.
Theo hợp đồng cung ứng khí, Đạm Phú Mỹ có thể huy động tối đa 30% lượng khí đầu vào từ Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi. Dữ liệu cho thấy doanh nghiệp gần như không sử dụng khí từ hai nguồn giá rẻ này trong nửa đầu năm. BSC Research hiện nhận định Đạm Phú Mỹ sẽ tăng tỷ trọng huy động khí từ hai mỏ trên trong những tháng cuối năm nay, giúp chi phí khí đầu vào giảm đáng kể so với nửa đầu năm nay, từ đó cải thiện biên lợi nhuận.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 3/11, thị giá cổ phiếu DPM đạt 31.600 đồng/cổ phiếu.