Việc sát nhập Lê Me bắt đầu đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tập đoàn nông nghiệp này ghi nhận doanh thu 1.889 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu mảng trái cây đạt 1.005 tỷ đồng, tăng tới 74% so với quý 3/2022, đóng góp 53,2% tổng doanh thu. Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, điều này chủ yếu đến từ việc kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Lê Me được hợp nhất vào Hoàng Anh Gia Lai. Lê Me hiện sở hữu 5.000 ha đất trồng trái cây tại Campuchia, gồm 3.000 ha trồng xoài và chuối đã có khả năng sinh lời từ năm 2022.
Trước đây, Lê Me phát sinh khoản nợ trị giá 3.300 tỷ đồng đối với Hoàng Anh Gia Lai và khoản nợ này đã được hoán đổi toàn bộ thành cổ phần vào cuối quý 2/2023. Qua đó, Hoàng Anh Gia Lai nắm giữ 98,76% cổ phần Lê Me, đưa công ty này thành công ty con của tập đoàn.
Doanh thu mảng chăn nuôi heo đạt 491 tỷ đồng, giảm 10% so với quý 3/2022, chiếm 26% tổng doanh thu. Doanh thu hai mảng kinh doanh còn lại là bán hàng hoá & cung cấp dịch vụ, và chăn nuôi bò lần lượt tăng 19% và 150% so với quý 3/2022.
Giá vốn hàng bán trong quý 3/2023 của Hoàng Anh Gia Lai giảm 18%, do đó lợi nhuận gộp tăng 85% so với cùng kỳ năm trước, đạt 519 tỷ đồng.
Đối với các khoản chi phí, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận chi phí tài chính tăng 40%, đạt 232 tỷ đồng do không còn ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư dài hạn như cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng tăng 15%, đạt 67 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh, đạt 39 tỷ đồng, khi không còn ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu như cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận khoản lãi khác lên tới 126,5 tỷ đồng trong quý 3/2023 nhờ thanh lý tài sản. Kết quả, tập đoàn này báo lãi ròng đạt 324 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận tổng doanh thu 5.034 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng trái cây đóng góp tỷ trọng nhiều nhất với tỷ lệ 45%, ghi nhận gần 2.279 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không còn khoản hoàn nhập dự phòng, lãi ròng của tập đoàn này chỉ đạt 710 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.
So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn thành hơn 98% mục tiêu doanh thu và gần 63% mục tiêu lãi ròng cả năm nay.
Doanh thu và sản lượng chuối sẽ tăng mạnh trong quý 4/2023
Liên quan đến triển vọng kinh doanh, ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho biết, theo chu kỳ hàng năm, dự kiến doanh thu và sản lượng chuối sẽ tăng mạnh trong quý 4/2023.
Chia sẻ với cổ đông tại hội nghị nhà đầu tư vào tháng 8/2023, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai khẳng định, sau 10 năm thử nghiệm các mô hình kinh doanh thì tập đoàn đã tìm ra hướng đi chính xác với mô hình chủ lực “hai cây - một con”, gồm trồng chuối - sầu riêng và nuôi heo.
Với tình hình kinh doanh khả quan như hiện nay thì dự kiến Hoàng Anh Gia Lai sẽ có lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng trong năm nay, giúp xoá được một phần lỗ luỹ kế và kể từ năm 2024, lợi nhuận sẽ không dưới 2.000 tỷ đồng/năm, giúp xoá sạch lỗ luỹ kế, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết.
Được biết, Hoàng Anh Gia Lai hiện đang có khoảng 7.000 ha chuối, 1.200 ha sầu riêng, 600.000 heo, và 1.000 ha trái cây khác. Hoàng Anh Gia Lai hiện kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ sự bùng nổ nhu cầu tiêu thụ trái cây của Trung Quốc. Hiện tập đoàn này đã xuất khẩu chính ngạch chuối và sầu riêng sang Trung Quốc.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt 21.496 tỷ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm nay. Nguyên nhân chủ yếu do tài sản cố định tăng 46% đạt 5.598 tỷ đồng với việc ghi nhận thêm gần 1.900 tỷ đồng giá trị cây trồng lâu năm và vật nuôi.
Về phía nguồn vốn, tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hoàng Anh Gia Lai đạt 7.779 tỷ đồng, giảm gần 5% so với hồi đầu năm, chiếm 36% tổng nguồn vốn.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 3/11, thị giá cổ phiếu HAG đạt 8.200 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 13% so với thời điểm đầu năm nay.