Đã xuất khẩu hết lượng sầu riêng thu hoạch
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8/2023 với 660 tỷ đồng doanh thu thuần. Trong đó, mảng cây ăn trái đem lại doanh thu lớn nhất với 338 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 51,2%); theo sau là mảng chăn nuôi với 182 tỷ đồng (chiếm 27,5%) và mảng phụ trợ với 140 tỷ đồng (chiếm 21,3%).
Về sản lượng tiêu thụ, Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã tiêu thụ được gần 32.600 con heo và 30.900 tấn chuối.
Như vậy, sau khi không công bố kết quả kinh doanh của tháng 7/2023, Hoàng Anh Gia Lai đã nối lại việc cung cấp thông tin hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, báo cáo của tháng 8/2023 không công bố chi tiết sản lượng chuối xuất khẩu và chuối dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi heo như các báo cáo trước đây.
Trước các thông tin về một số lô hàng chuối, mít, sầu riêng… bị Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tạm dừng xuất khẩu sang Trung Quốc do bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, Hoàng Anh Gia Lai cho biết các lô hàng chuối và sầu riêng của doanh nghiệp này vẫn đang được xuất khẩu bình thường và không có bất kỳ hạn chế hoặc vướng mắc gì.
Theo Hoàng Anh Gia Lai, các sản phẩm chuối và sầu riêng của doanh nghiệp là các loại trái cây thuộc danh sách trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các sản phẩm này được thu hoạch từ những vùng trồng đã được cấp mã nhằm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đại diện tập đoàn này cho biết sầu riêng của Hoàng Anh Gia Lai đã thu hoạch xong vụ mùa đầu tiên nên không còn hàng để xuất khẩu.
Tại hội nghị nhà đầu tư diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai khẳng định con đường kinh doanh chủ lực là “hai cây - một con”: trồng chuối - sầu riêng và nuôi heo, và với tình hình kinh doanh khả quan như hiện nay thì đến năm 2024, lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai sẽ không dưới 2.000 tỷ/năm. Hoàng Anh Gia Lai hiện đang có khoảng 7.000 ha chuối, 1.200 ha sầu riêng, 600.000 heo, và 1.000 ha trái cây khác.
Kỳ vọng hưởng lợi từ sự bùng nổ nhu cầu trái cây của Trung Quốc
Xét về triển vọng kinh doanh, Hoàng Anh Gia Lai được nhận định là doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ việc nhu cầu tiêu thụ trái cây của Trung Quốc ngày càng tăng. Sau khi Nghị định thư về xuất khẩu chuối giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký hồi tháng 11/2022, xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023, lần lượt tăng 40% về mặt khối lượng và 23% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Hoàng Anh Gia Lai là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chuối hàng đầu tại Việt Nam và thị trường Trung Quốc chiếm 80% - 90% sản lượng chuối xuất khẩu của tập đoàn này.
Trong tháng 5 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã lập một công ty liên kết ở Trung Quốc. Trong đó phía Hoàng Anh Gia Lai nắm 50% vốn điều lệ, đối tác Trung Quốc nắm 50% vốn. Việc lập công ty liên kết là để tập đoàn này có thể đưa thẳng chuối vào tiêu thụ tại kênh siêu thị thay vì xuất khẩu chuối sỉ như hiện tại. Theo chia sẻ của đại diện Hoàng Anh Gia Lai thì với kênh tiêu thụ này, phía đối tác Trung Quốc sẽ giúp tập đoàn tiêu thụ khoảng 100 container chuối mỗi tháng.
Nhu cầu về sầu riêng của Trung Quốc đang tăng trưởng ấn tượng trong hai năm trở lại đây. Trong năm 2022, lượng sầu riêng tươi được nước này nhập khẩu đã vượt ngưỡng 4 tỷ USD, tăng gấp 4 lần con số của năm 2017. “Làn sóng sầu riêng” bùng nổ ở Trung Quốc chủ yếu diễn ra vào nửa sau 2022, khi người tiêu dùng không chỉ xem sầu riêng là một loại trái cây thông thường mà còn là một món quà thể hiện sự giàu có của người tặng.
Sầu riêng tươi tại Trung Quốc đang được bán với giá hơn 10 USD/kg, cao hơn đáng kể so với mức trung bình khoảng 6 USD/kg tại các nước Đông Nam Á. Hiện tại mới chỉ có 3 quốc gia ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc là Thái Lan, Việt Nam, và Philippines.
Với 1.200 ha sầu riêng giống Musang King và Mong Thong Thái tại Việt Nam và Lào, Hoàng Anh Gia Lai hiện là doanh nghiệp có vườn sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á. Trong đó, diện tích sầu riêng tại Lào chiếm 80%.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức, mặc dù doanh thu từ sầu riêng chưa lớn so với quy mô do mới chỉ có một phần diện tích canh tác cho trái nhưng tỷ suất lợi nhuận của cây sâu riêng cao vượt trội so với các mảng kinh doanh khác, lên tới mức 400%. Năm 2024, sầu riêng được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai khi 50% diện tích sẽ cho trái.
Trước lo ngại về khả năng sầu riêng "được mùa mất giá" hoặc bị cạnh tranh với Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, ông Đoàn Nguyên Đức đánh giá nhu cầu trường đang rất lớn. Hiện, nguồn cung sầu riêng của các nước Đông Nam Á cho thị trường Trung Quốc mới đáp ứng được 10% dân số nước này.