Bắt đầu giành lại thị phần, củng cố vị thế dẫn đầu ngành sữa Việt Nam
Tại Hội thảo Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam do GS & SSI tổ chức gần đây, các nhà đầu tư đã bày tỏ lo ngại về triển vọng tăng trưởng doanh thu trong nửa cuối năm 2023 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM – sàn HoSE) do các yếu tố vĩ mô khó khăn và sự cạnh tranh trên thị trường sữa gia tăng, cũng như tăng trưởng lợi nhuận ròng trong trung hạn khi chi phí S&A (bán hàng trực tiếp, gián tiếp & quản lý doanh nghiệp) dự kiến sẽ tăng lên do triển khai bộ nhận diện thương hiệu mới, bao bì mới và các sáng kiến chuyển đổi.
Đại diện Vinamilk cho biết bao bì mới dành cho sữa tiếp đã ra mắt vào giữa tháng 8 trên các kênh thương mại hiện đại và sau đó là trên các kênh thương mại truyền thống trong tháng 9, nhờ công cụ chuyển đổi số trong khâu bán hàng mới được xây dựng nội bộ, Vinamilk kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng doanh thu cao hơn trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu năm 2023. Theo kịch bản cơ sở, Vinamilk ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình một chữ số so với cùng kỳ.
Vinamilk cũng cho biết sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, công ty đã giành lại được thị phần tại thị trường nội địa trong 6 tháng đầu năm nay và kỳ vọng thị phần chung sẽ trở về mức như trước khi đại dịch xảy ra nhờ chiến lược tái định vị thương hiệu.
Bộ nhận diện thương hiệu mới của Vinamilk có màu sắc bắt mắt hơn, thiết kế trẻ trung, hiện đại. Ban lãnh đạo Vinamilk cũng cho biết đây mới chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch 5 năm của doanh nghiệp; trong thời gian tới, Vinamilk sẽ tiếp tục có những thay đổi về quy trình quản trị, chuyển đổi số hệ thống vấn hành…. nhằm tiếp cận nhanh các xu hướng hiện đại, củng cố tệp khách hàng cũ và hướng tới những khách hàng mới, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ. Từ đó, Vinamilk có thể gia tăng thị phần, giữ vững vị thế dẫn đầu ngành.
Theo các dữ liệu tổng hợp, Vinamilk đang giữ vị thế doanh nghiệp số 1 ngành sữa Việt Nam với 55% thị phần; trong đó các ngành hàng chủ lực như sữa nước, sữa chua và sữa đặc đều chiếm vị thế số 1; sữa bột chiếm vị thế số 2 toàn ngành. Tính đến quý 2/2023, doanh nghiệp này đang xếp thứ 36 về doanh thu trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp sữa toàn cầu.
Giá sữa bột vẫn chưa chạm đáy, cổ phiếu VNM neo quanh mức cao nhất 1 năm
Về triển vọng lợi nhuận, đại diện Vinamilk cho biết tăng trưởng lợi nhuận ròng dự kiến sẽ cao hơn nhiều so với tăng trưởng doanh thu thuần nhờ xu hướng giảm của sữa bột nhập khẩu trong thời gian tới.
Tính đến đầu tháng 9/2023, giá hai loại sữa đầu vào chính của Vinamilk là sữa bột nguyên kem (WMP) và sữa bột tách kem (SMP) đã lần lượt giảm 28% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Vinamilk hiện đã chốt giá sữa nguyên liệu đến hết năm 2023, vì vậy trong nửa cuối năm nay, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk sẽ được cải thiện đáng kể nhờ tồn kho nguyên liệu giá thấp từ quý 2/2023.
Hiện nhiều tổ chức tài chính nhận định giá sữa bột đầu vào có thể còn tiếp tục giảm hoặc duy trì ở mức thấp như hiện nay do nguồn cung tăng nhưng nhu cầu tiêu thụ giảm do Trung Quốc, nước nhập khẩu lớn nhất, có chủ trương giảm nhập khẩu để tăng nguồn cung sữa trong nước.
Đại diện Vinamilk cho biết công ty vẫn chưa chốt giá nguyên liệu cho năm 2024 nhưng dự báo sẽ không có sự kiện nào có thể đảo ngược xu hướng giá sữa bột trong tương lai gần, và chờ đợi thời điểm hợp lý nhất để ký hợp đồng.
Đồng quan điểm như trên, các tổ chức tài chính nhận định biên lợi nhuận của Vinamilk sẽ tiếp tục được duy trì nhờ yếu tố chi phí đầu vào thuận lợi. Trong trung hạn, các tác đồng từ thị trường thế giới lên chi phí đầu vào của Vinamilk có thể được kiểm soát tốt hơn khi hãng sữa này đang nỗ lực tăng khả năng tự chủ về nguồn sữa tươi trong nước.
Trong dài hạn, ngành sữa Việt Nam nói chung và Vinamilk nói riêng vẫn còn dư địa phát triển nhờ thu nhập bình quân của người Việt Nam và quy mô dân số tiếp tục gia tăng. Hai yếu tố này sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng các sản phẩm về sữa, đặc biệt là nhu cầu sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ sau đại dịch đã tăng lên.
Bên cạnh đó, tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn đang thấp hơn các nước trong khu vực, hiện mới chỉ đạt 27 lít sữa/người/năm, trong khi con số này ở Trung Quốc là 50 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người năm, Hàn Quốc là 40 lít/người/năm.
Theo dự báo của Euromonitor, sản lượng tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam dự kiến tăng trưởng ở mức 9,3%/năm trong giai đoạn 2020 – 2024 với tổng mức tiêu thụ dự kiến đạt 3,05 triệu tấn sản phẩm vào năm 2024. Trong đó ngành hàng sữa chua được kỳ vọng có mức tăng trưởng cao nhất với 12%/năm. Những yếu tố trên tạo dư địa tăng trưởng cho Vinamilk cũng như cổ phiếu VNM.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 19/9, cổ phiếu VNM đạt 78.900 đồng/cổ phiếu – neo quanh mức cao nhất 12 tháng trở lại đây bất chấp áp lực điều chỉnh của thị trường chung. So với mức đáy hồi cuối tháng 6/2023, thị giá cổ phiếu VNM đã tăng 24%.