Tận dụng lợi thế tồn kho lớn và nhu cầu hàng tinh chế tăng
Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE), thị trường toàn cầu hiện đã qua cao điểm thu hoạch tôm nuôi, nhưng nguồn cung ứng tôm thành phẩm vẫn dồi dào, chủ yếu do lượng hàng tồn kho trước đó. Điều này khiến giá tôm tiêu thụ còn duy trì mức thấp, tuy có lợi cho người tiêu dùng, nhưng gây thiệt hại lớn cho người nuôi, và có thể ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng tôm sau này.
Trong giai đoạn vừa qua, việc giá tôm thế giới xuống thấp đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm tại tất cả các quốc gia sản xuất tôm lớn, nhiều hộ nuôi tôm tại Ecuador và Ấn Độ đã giảm thả giống và thu hẹp diện tích thả nuôi.
Đáng chú ý, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết mặc dù hàng tồn kho của một số quốc gia đối thủ chính của tôm Việt Nam như Ecuador và Ấn Độ còn ở mức khá cao, nhưng chủ yếu là hàng sơ chế, do đó hàng chế biến sâu vốn là lợi thế của ngành tôm Việt Nam có điều kiện thuận lợi để bứt phá trong quý 4/2023.
Thông thường, mùa lễ hội là thời điểm người tiêu dùng ưa thích các sản phẩm tôm tinh chế thay vì tiêu thụ các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến cấp thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có năng lực cạnh tranh vượt trội về sản phẩm tôm tinh chế.
Dữ liệu cho thấy, tính đến cuối quý 2/2023, Thực phẩm Sao Ta đã dự trữ hơn 1.285 tỷ đồng tồn kho, tăng 38,3% so với thời điểm đầu năm vào hơn 37,2% so với giá vốn trung bình 02 quý đầu năm (Thực phẩm Sao Ta thường có lượng tồn kho ít hơn giá vốn mỗi quý). Do đó, với triển vọng nhu cầu hồi phục, trong điều kiện giá tôm nguyên liệu đầu vào ở mức thấp, có thể Thực phẩm Sao Ta đã tận dụng cơ hội để tăng dự trữ tồn kho chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm nay.
Lợi nhuận năm 2023 sẽ bằng ít nhất 90% của năm 2022
Sau giai đoạn giảm sút kéo dài suốt nửa đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu của Thực phẩm Sao Ta đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm trong tháng 7/2023 của doanh nghiệp này đạt hơn 1.900 tấn với doanh số đạt 21,3 triệu USD, tăng 19% về sản lượng tiêu thụ và tương đương về mặt doanh số so với cùng kỳ năm 2022.
Xu hướng này tiếp tục cải thiện trong tháng 8/2023 khi Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số lên đến 22,4 triệu USD - mức cao nhất 19 tháng trở lại đây và trở thành tháng có doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta hiện nhận định xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục được giữ vững trong những tháng tới. Dựa trên lượng hợp đồng đang có (đến đầu tháng 9/2023), ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng doanh số những tháng cuối năm nay sẽ chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi đó, mặt bằng chung toàn ngành xuất khẩu tôm Việt Nam có thể giảm tới 15%. Các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Thực phẩm Sao Ta hiện nay là Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản. Đây cũng là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành thuỷ sản Việt Nam.
Dữ liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), lần đầu tiên sau 13 tháng, sản lượng nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ đã hồi phục trở lại trong tháng 8/2023, cho thấy những tín hiệu tích cực về triển vọng tiêu thụ tôm tại đây trong những tháng cuối năm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng đưa ra dự báo khả quan cho lượng đơn đặt hàng thủy sản từ Hoa Kỳ giai đoạn cuối năm (tháng 11 và 12).
Hiện ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta giữ quan điểm thận trọng, dự báo lợi nhuận năm 2023. của doanh nghiệp sẽ “ít nhất đạt 90%” so với năm 2022 trong bối cảnh giá tôm xuống quá thấp (giảm từ 10% - 20% tuỳ cỡ loại). Trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp xuất khẩu tôm này là 321 tỷ đồng. Trong năm nay, Thực phẩm Sao Ta đặt mục tiêu 5.900 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.