Giá hạt nhựa về mức bình thường, lãi ròng dự kiến tăng hơn 47%
Sau khi tăng mạnh từ vùng đáy 780 USD/tấn hồi tháng 6 - 7/2023 lên mức 820 - 910 USD/tấn trong tháng 8/2023, giá hạt nhựa PVC trên thị trường thế giới đã giảm nhẹ xuống mức 900 USD/tấn. Đây được xem là vùng giá thông thường của loại hạt nhựa này. Hãng nghiên cứu thị trường hoá chất ChemOrbis cho biết, giá nhựa PVC tại khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ đang chịu áp lực điều chỉnh giảm do nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu tiếp tục ở mức yếu.
Trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm, hãng chứng khoán Bảo Việt Securities (BVSC) dự báo giá hạt nhựa PVC có thể duy trì ổn định ở vùng giá bình thường là 850-900 USD/tấn như trong giai đoạn 2017-2020. Điều này sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành nhựa vốn sử dụng hạt nhựa PVC là nguyên liệu đầu vào chính, như Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã cổ phiếu BMP - sàn HoSE), khi công ty này duy trì chính sách giá bán không đổi, khiến cho khoảng chênh lệch giữa giá đầu ra và đầu vào tiếp tục được nới rộng.
Yếu tố thuận lợi về chi phí đầu vào có thể cho phép Nhựa Bình Minh chia sẻ nhiều lợi ích hơn với các nhà phân phối và/hoặc triển khai nhiều chương trình khuyến mãi ngắn hạn nhằm đẩy mạnh sản lượng, nhất là trong bối cảnh thị trường đang bước vào mùa mưa - mùa thấp điểm của hoạt động xây dựng với nhu cầu ống nhựa xây dựng sụt giảm. Đồng thời, Nhựa Bình Minh có thể tận dụng cơ hội hiện nay để chiếm lĩnh thêm thị phần, củng cố vị thế hàng đầu trong lĩnh vực ống nhựa xây dựng tại Việt Nam.
Bất chấp sự ảm đạm của thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng, BVSC hiện dự báo sản lượng năm 2023 của Nhựa Bình Minh sẽ vẫn tăng nhẹ 3% so với năm 2022, và phục hồi thêm 7% trong năm 2024. Đáng chú ý, mức lãi ròng của Nhựa Bình Minh trong năm 2023 được dự báo sẽ tăng tới 47,2%, đạt 1.021,9 tỷ đồng - mức cao kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Với triển vọng kinh doanh tích cực, BVSC dự báo Nhựa Bình Minh có thể duy trì mức cổ tức tiền mặt năm 2023 ở mức 12.000 đồng/cổ phiếu.
Nhựa Bình Minh tự tin khẳng định không có đối thủ trong 1 - 2 năm tới
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp nhựa này ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 2.776 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi ròng trong cùng kỳ lại tăng gấp đôi, đạt hơn 575 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, sau nửa đầu năm nay, Nhựa Bình Minh đã hoàn thành hơn 43% mục tiêu doanh thu và hơn 88% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Bình Minh cho biết, khi xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm nay, ban lãnh đạo công ty đã nhận thấy giá nhựa PVC có tín hiệu tăng giá trở lại, dù chưa nhiều, nên đã đặt kế hoạch kinh doanh ở mức thận trọng.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân cũng tự tin khẳng định sẽ không có đối thủ mới, cạnh tranh với Nhựa Bình Minh trong 1 - 2 năm tới đây. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Bình Minh cho biết, thời điểm hiện nay khác so với những năm trước đây và nếu nhìn rộng ra, nhiều nhà sản xuất nhỏ đang tạm dừng hoạt động, thậm chí muốn sang nhượng lại vì thị trường cạnh tranh rất gay gắt và dự báo nhu cầu chưa sớm khởi sắc trở lại.
Bên cạnh đó, với vị thế là một trong những doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam, Nhựa Bình Minh đang duy trì năng lực cạnh tranh cao đối với các doanh nghiệp cùng ngành. Đặc biệt, công ty mẹ của Nhựa Bình Minh là Công ty TNHH Nhựa và Hoá chất TPC Vina cũng là một trong những nhà sản xuất hạt nhựa PVC lớn nhất Việt Nam, giúp giảm thiểu rủi ro tăng giá nguyên vật liệu, qua đó đảm bảo biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh. Đây là lợi thế mà những doanh nghiệp cùng ngành hiện chưa có được và các doanh nghiệp muốn gia nhập ngành cũng có thể sẽ mất nhiều công sức để đạt được.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 19/9, cổ phiếu BMP đạt 87.100 đồng/cổ phiếu, giảm 18% so với mức cao nhất lịch sử niêm yết thiết lập hồi cuối tháng 7 vừa qua. So với đầu năm nay, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 55%.